Bí thư Thăng: "Nhà giá rẻ sẽ được chuyển nhượng tự do"?

Nguyễn Tường Thứ hai, ngày 27/02/2017 13:28 PM (GMT+7)
Giá thành xây dựng, giá đất đắt đỏ là những lý do khiến TP.HCM không thể xây nhà ở giá 100 triệu đồng như Bình Dương. Nếu rập khuôn mô hình của Bình Dương, xây nhà 100 triệu đồng ở TP.HCM là điều không tưởng.
Bình luận 0

 img

Nhà ở giá rẻ ở TP.HCM là vấn đề nan giải

Rối từ giá đến chính sách

Ý kiến của hầu hết các doanh nghiệp tại Hội thảo nhà ở giá rẻ tổ chức tại TP.HCM cho rằng, mô hình của Bình Dương đưa ra giá nhà ở 100 triệu đồng là dựa trên quỹ đất ưu đãi và sẵn hạ tầng. Điều này kéo chi phí ban đầu xuống thấp. Tại TP.HCM, hiện không có quỹ đất ưu đãi. Chỉ riêng giá thành xây dựng đã lên đến 9 triệu đồng/m2 trở lên. Do đó, nhà ở giá trăm triệu là không thể.

“Kể cả là nhà ở dạng nhỏ chỉ 20 triệu đồng/m2 thì cũng không thể bảo đảm mức giá thấp. Nếu làm không khéo, những khu nhà ở không có tiện ích, lụp xụp sẽ trở thành các khu ổ chuột”- đại diện một doanh nghiệp nói.

Theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT công ty Hoàng Quân, trong khi các dự án cao cấp có diện tích hàng trăm ha thì phê duyệt dự án cực nhanh, nhưng với một dự án 36,5ha của ông đã nhiều năm qua vẫn còn loay hoay.  ở khâu lấy ý kiến sở ngành.

Ông Nguyễn Văn Đực, TGĐ Công ty Đất Lành đề xuất nhà ở giá 200-300 triệu đồng ở vùng ven là hợp lý hơn. Ông kiến nghị thành phố nên hỗ trợ quy hoạch, giảm lãi vay ngân hàng. Một căn hộ 20m2 và dự phòng 10m2 cho người dân tự làm vật liệu nhẹ là hợp lý. Nếu chính quyền đầu tư toàn bộ hạ tầng kỹ thuật thì giá bán có thể kéo xuống 5 triệu đồng/m2, với diện tích 20-30 m2 thì giá khoảng 100-150 triệu đồng như Bình Dương đã làm.

 “Việc giảm giá thành phải dựa trên việc áp dụng các kỹ thuật mới, tính toán tiết chế giá thành ban đầu. Chứ giảm diện tích thì còn gì là giá rẻ”. Bí thư thành ủy Đinh La Thăng nói. Theo ông, dù là nhà ở xã hội thì cư dân phải được hưởng tiện ích tốt nhất có thể.

Cũng theo ông, nếu có quyết tâm làm thì cần tích hợp nhiều đơn vị liên quan. Ví dụ như công ty xi măng cam kết hạ giá 300.000 đồng/tấn để làm nhà ở xã hội. Tất cả các doanh nghiệp đồng lòng hạ giá, mức lãi phù hợp thì sẽ làm được. Sắt thép giảm bao nhiêu %, thiết bị vệ sinh giảm bao nhiêu... sẽ tính ra được một giá hợp lý. Điều này hoàn toàn có thể làm được.

Hướng đến thị trường nhà ở giá rẻ

Ông Vũ Xuân Quang, chủ tịch HĐQT Công ty Nam Long, đơn vị chuyên nhà ở xã hội cho biết, tỷ suất đầu tư ở TP.HCM rất khó kéo xuống dưới 12 triệu đồng/m2. Nam Long đã nghiên cứu rất nhiều mô hình ở các nước. Ví dụ như hàng triệu căn hộ 30m2 ở Thái Lan. “Chương trình nhà ở giá rẻ tại Việt Nam là chủ trương đúng, nhưng còn thiếu rất nhiềutính thực tế”- ông Quang nói.

img

Hội thảo nhà ở giá rẻ 

Ông đơn cử như quy định mỗi địa phương giành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội  nhưng phân bổ như thế nào, giá giao đất ra sao chưa quy định. Quy chuẩn xây dựng nhà ở xã hội cũng chưa rõ ràng, cụ thể. DN đang áp dụng theo suy luận chứ không phải văn bản chính thức. Tương tự, khung giá cũng chưa quy định, cũng chỉ là giá tạm tính. Theo ông Quang, cần sớm luật hóa việc phát triển nhà ở giá rẻ thì DN mới có khung pháp lý để thực hiện.

“Đề nghị doanh nghiệp cho chúng tôi biết mình làm gì, chính quyền làm gì để có thể làm được nhà ở xã hội giá rẻ mà chất lượng như nhà ở thương mại. Các bên cần ngồi lại với Sở ngành để tìm cách rút ngắn thủ tục, tối đa 6 tháng phải làm xong thủ tục” - ông Thăng chỉ đạo. 

Bí thư Đinh La Thăng tái khẳng định, làm nhà ở giá rẻ là quyết tâm lớn của thành phố. Tuy nhiên, không nên máy móc áp dụng cách làm của Bình Dương vì đặc thù khác nhau. Mục tiêu đến năm 2020 bình quân nhà ở đầu người ở TP là 19,8 m2 trên một người, nên nhà ở phấn đấu từ 40 - 60 m2 mới hợp lý chứ như ở Bình Dương là chưa phù hợp. TP cầu thị lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để tiếp thu, hoàn thiện thể chế chính sách. Đặc biệt là liên kết chuỗi để ra một sản phẩm là nhà ở giá hợp lý thì các doanh nghiệp phải cùng tính toán mức giá hợp lý.

 “Chúng ta cũng sẽ hình thành thị trường nhà ở xã hội, có thể được chuyển nhượng tự do chứ không nên bó buộc theo quy định sau 5 năm mới được bán. Làm sao bán nhà ở xã hội cho đúng đối tượng và người dân có quyền chuyển nhượng nếu có điều kiện đổi nhà khác lớn hơn, từ đó hình thành thị trường, mới có thể phát triển nhà ở xã hội được”- ông Thăng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem