Bỏ giấy phép lái xe hạng B2, giấy phép lái xe cũ có được sử dụng?

Thế Anh Thứ tư, ngày 27/03/2024 14:49 PM (GMT+7)
Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc phân hạng GPLX theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam đã ký kết khi tham gia Công ước về Báo hiệu và Tín hiệu giao thông đường bộ (Công ước Viên) năm 2015.
Bình luận 0

Dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu ở kỳ họp 6 hồi cuối năm 2023 và dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới đây. Điểm mới đang được dư luận quan tâm đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Chính phủ, là quy định liên quan phân hạng giấy phép lái xe.

Theo quy định đang có hiệu lực tại luật Giao thông đường bộ 2008, giấy phép lái xe bao gồm 13 hạng: A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FD, FE, FC. Tuy nhiên, tại Điều 56 trong dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định giấy phép lái xe sẽ bao gồm các hạng: A1; A; B1; B; C1; C; D1; D2; D; BE; C1E; CE; D1E; D2E và DE.

Bỏ giấy phép lái xe hạng B2, giấy phép lái xe cũ có được sử dụng?- Ảnh 1.

Những người có giấy phép lái cũ vẫn được sử dụng cho đến khi hết thời hạn. Ảnh: CTV

Trong đó, hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xilanh đến 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11kw; Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh trên 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kw và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;

Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1; Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 9 chỗ; xe ô tô tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc đến 750 kg;

Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải (kể cả ô tô tải chuyên dùng, ô tô chuyên dùng), máy kéo có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500-7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 có gắn kèm rơ mooc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ mooc không vượt quá 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B;

Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải, máy kéo có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1;

Hạng D1 cấp cho người lái xe điều khiển ô tô chở người từ 10-16 chỗ; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C;

Hạng D2 cấp cho người lái xe điều khiển ô tô chở người (kể cả ô tô buýt) trên 16 chỗ đến 30 chỗ (kể cả chỗ của người lái xe), các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 có gắn kèm rơ moóc với khối lượng toàn bộ thiết kế của rơ moóc đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1;…

Về thời hạn của giấy phép lái xe, Dự thảo Luật nêu rõ, giấy phép lái xe các hạng A1, A, B1 không thời hạn, Giấy phép lái xe hạng B có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp, Giấy phép lái xe các hạng C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.

Trên thực tế, việc chia 12 hạng giấy phép lái xe (GPLX) đã được Việt Nam thực hiện từ lâu và đang rất ổn định, phù hợp. Dư luận quan tâm, tại sao trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lại phải chia đến 17 hạng?

Liên quan tới vấn đề này, từng trao đổi với PV Dân Việt, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, việc phân hạng GPLX theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam đã ký kết khi tham gia Công ước về Báo hiệu và Tín hiệu giao thông đường bộ (Công ước Viên) năm 2015.

Theo đó, đối với người đã có GPLX thì vẫn giữ nguyên giá trị theo đúng thời hạn ghi trên đó, không phát sinh thủ tục và chi phí cho việc đổi GPLX. Những người này tiếp tục điều khiển các loại xe ghi trên GPLX như bình thường.

Ví dụ ai có GPLX hạng A1 vẫn được điều khiển mô tô có dung tích xi-lanh đến 175cc; GPLX hạng B1 được điều khiển ô tô con đến 9 chỗ ngồi.

Như vậy, đối với hàng triệu người đang sở hữu GPLX mô tô A1 như hiện nay vẫn được điều khiển xe từ 50cc đến dưới 175cc như bình thường vì đây là loại GPLX không có thời hạn. Đồng thời, đối với những người chuẩn bị thi sát hạch để lấy GPLX thì vẫn tiến hành như cũ bởi đây mới là dự thảo Luật, cần phải trình Quốc hội thông qua và cần thời gian để Luật chính thức có hiệu lực.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem