"Bùng nổ" xe hợp đồng, xe khách tuyến cố định bỏ bến: Cục Đường bộ nói gì?

Thế Anh Thứ tư, ngày 24/04/2024 19:00 PM (GMT+7)
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp vận tải chưa mặn mà vào bến xe, vì họ không muốn vào mà có rất nhiều điều kiện chưa đáp ứng.
Bình luận 0

"Bùng nổ" xe hợp đồng, xe tuyến cố định bỏ bến xe

Sở GTVT Hà Nội thống kê mạng lưới tuyến vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ kết nối từ Hà Nội đi 41 tỉnh có tổng cộng 897 tuyến vận tải, 502 đơn vị vận tải, 3.303 phương tiện, 3.556 chuyến/ngày.

Trong đó, Hà Nội đang có 52 đơn vị vận tải với 730 xe đang kinh doanh vận tải từ 6 bến xe: Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa và Sơn Tây và Nước Ngầm.

"Bùng nổ" xe hợp đồng, xe khách tuyến cố định bỏ bến: Cục Đường bộ nói gì?- Ảnh 1.

Xe bắt khách dọc đường Phạm Hùng gần khu vực Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: TA

Theo Sở GTVT Hà Nội, thời gian vừa qua các bến xe đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp mà còn ứng dụng nhiều công nghệ, tiện ích nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, lượng hành khách vào bến đang ngày càng giảm mạnh, có hàng loạt đơn vị vận tải tuyến cố định thông báo cắt lốt, ngừng hoạt động.

Trước thực trạng xe khách bỏ bến, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đưa ra số liệu so sánh về số lượng xe tuyến cố định và xe hợp đồng và bày tỏ sự lo ngại về thực trạng này.

Ông Hùng cho biết, hiện, số xe tuyến cố định là 17.419 xe, giảm đến 399 xe, trong khi đó, số lượng xe hợp đồng tăng hơn 232.000 phương tiện, gấp hơn 14 lần xe tuyến cố định.

Nghị định 10/2020 đã quy định rõ: Xe hợp đồng phải thuê cả chuyến, chỉ được đón một điểm, tuy nhiên, hiện nay, xe trá hình sai phạm rõ ràng nhưng không thể xử lý, điều này là không công bằng với các doanh nghiệp tuyến cố định.

"Cần phải bàn giải pháp để đảm bảo công bằng trong kinh doanh vận tải. Một doanh nghiệp vận tải chính thống phải chịu đủ các điều kiện như: có bộ phận an toàn giao thông, xe xuất bến phải có lý lịch theo dõi phục vụ kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng", ông Hùng nêu ra thực trạng của doanh nghiệp vận tải tuyến cố định.

Theo ông Hùng, vào thời điểm cuối năm 2023, khi lực lượng chức năng quyết liệt xử lý, nhiều nhà xe đã cho phương tiện vào bến xe.

"Xử lý vi phạm vận tải cần quyết liệt như xử lý vi phạm nồng độ cồn. Nếu kinh doanh vận tải mà không đổi biển số kinh doanh hoàn toàn có thể khởi tố, quy trách nhiệm hình sự, thu hồi giấy phép. Cần quyết liệt thực hiện các giải pháp để lập lại trật tự kỷ cương, thu hút doanh nghiệp và hành khách vào bến", ông Hùng nêu ra giải pháp quản lý xe kinh doanh vận tải.

"Bùng nổ" xe hợp đồng, xe khách tuyến cố định bỏ bến: Cục Đường bộ nói gì?- Ảnh 2.

Bến xe Nước Ngầm được đánh giá có chất lượng dịch vụ tốt. Ảnh: TA

Về phía bến xe, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho rằng nên thay đổi cơ chế cho bến xe tự chủ trong điều phối nốt xe, giờ xuất bến và phối hợp hai đầu bến để cho xe vào bến, việc này vừa tạo điều kiện cho bến xe và các doanh nghiệp vận tải thuận tiện trong hoạt động. Sở GTVT chỉ làm công tác hậu kiểm, bến xe làm sai thì xử lý nghiêm.

Nói về bùng nổ "xe dù bến cóc", ông Lập phân tích, số lượng xe loại hình xe hợp đồng đã thật sự lấn át xe tuyến cố định.

"Trước dịch Covid-19, xe vận tải tuyến cố định không ai than ít khách và ít trường hợp bỏ bến. Nhưng sau dịch, cùng với việc các xe hợp đồng trá hình phát triển đã cho thấy rõ hành khách đã đi đâu?", ông Lập đặt câu hỏi.

Nhấn mạnh về việc quản lý, ông Lập cho rằng: "Điều quan trọng nhất hiện nay là công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra xử nghiêm xe hợp đồng vi phạm với những vấn đề như dừng đón trả khách, bán vé, gom khách ..."

"Các sai phạm về các vấn đề này được cơ quan chức năng thấy rõ, nhưng tại sao câu chuyện này không được xử lý đến nơi đến chốn?", ông Lập đặt vấn đề.

Lấy dẫn chứng về một số vụ việc, ông Lập bày tỏ bức xúc với những vụ việc như tài xế, phụ xe hành hung hành khách mà cơ quan quản lý lại không giải quyết đến nơi đến chốn. Người dân có thể thấy rõ những ảnh hưởng khi đi các xe hợp đồng trá hình, nhưng cơ quan quản lý lại chưa thể xử lý triệt để.

Dù đã có nhiều giải pháp giải quyết nhưng có lẽ chúng ta cần có sự vào cuộc của cả hệ thống để giải quyết. Về phía bến xe đã cố gắng tạo điều kiện môi trường thuận tiện, an toàn cho hành khách. Dịch vụ và ứng xử của bến xe hiện đã tốt nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục làm tốt hơn để hành khách tự do hơn ứng dụng công nghệ thông tin, thuận tiện cho trong mỗi chuyến đi", ông Lập nói.

"Bùng nổ" xe hợp đồng, xe khách tuyến cố định bỏ bến: Cục Đường bộ nói gì?- Ảnh 3.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam.

Nhiều điều kiện chưa đáp ứng yêu của doanh nghiệp

Lý giải vì sao xe trá hình vẫn hoạt động rầm rộ mà không bị xử lý?", bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng: "Các doanh nghiệp vận tải chưa mặn mà vào bến không phải vì họ không muốn vào mà có rất nhiều điều kiện chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cũng như của hành khách".

Bà Hiền khẳng định: "Hiện tại, hệ thống bến xe vẫn đang được khai thác tốt, phục vụ tốt lượng lớn hành khách thông qua các dịch vụ của bến xe. Điển hình tại bến xe Mỹ đình, bến xe Nước Ngầm đã thay đổi theo chiều hướng tốt lên".

Nói về vận tải, Bà Hiền nhấn mạnh, chúng ta mới nhìn một góc bến xe và doanh nghiệp nhưng ở góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi nhìn nhận tổ chức vận tải là bài toán tổng thể của phát triển đô thị.

Trước hết là vấn đề quy hoạch. Chẳng hạn ở bến xe Miền Đông (TP.HCM), có thể thấy cơ sở vật chất rất hiện đại khang trang nhưng không có khách. Tất cả các nhà xe đều nói chúng tôi sẵn sàng vào nếu có khách. Có thể ở một giai đoạn, phạm vi nào đó, quy hoạch bến xe miền Đông chưa phù hợp.

Thứ hai là tổ chức giao thông đô thị. Việc tổ chức phải hướng tới được các mục tiêu đi lại của hành khách để đảm bảo khi các phương tiên trả khách đến bến xe thì phải phù hợp với mục tiêu đi lại.

Thứ ba là tính kết nối không chỉ bao gồm vị trí bến xe. Thực tế, không thể chỉ đổ tội cho doanh nghiệp hay bến xe, tôi từng chứng kiến người nhà tôi đi được xe trả ở đầu đường cầu vượt. Tuy việc xe trả ở đây bất tiện hơn so với vào bến nhưng dân vẫn muốn đi vì thuận tiện, họ có thể bắt được các xe kết nối.

Tiếp theo là về tiện nghi, bây giờ có rất nhiều xe trong bến vẫn theo lề lối cũ, cứ xe cũ mới đưa vào tuyến cố định.

"Thực tế, ở một số loại xe giường nằm như xe của doanh nghiệp Văn Minh, có lần người nhà tôi phải nhờ mới mua được vé của xe này. Có thể nói, ở một nhóm khách nhất định nếu đạt được nhu cầu chất lượng, giá cả, tiện nghi và an toàn người ta vẫn chọn vào bến.

Cần phải nhìn nhận thẳng thắn chất lượng của các xe tuyến cố định đã đáp ứng được hay chưa?", bà Hiền nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem