Ca từ nhảm nhí, vô nghĩa trong những bản “hit” đình đám trên thị trường nhạc Việt

Yến Thanh Thứ ba, ngày 26/03/2024 08:10 AM (GMT+7)
Các ca khúc có ngôn từ phản cảm, dễ dãi, lặp đi lặp lại ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường, cùng với sự nở rộ của các trào lưu trên mạng xã hội.
Bình luận 0

Sự dễ dãi, phản cảm trong các ca khúc triệu view

Thị trường âm nhạc Việt Nam ngày càng sôi động với sự xuất hiện dày đặc của những nghệ sĩ và sản phẩm mới. Theo thống kê của nền tảng Zing MP3, trong năm 2023, có tới hơn 20.000 ca khúc mới được phát hành, tăng 34% so với năm 2022. Lĩnh vực này cũng có khoảng 5.521 nghệ sĩ đang hoạt động, họ chăm chỉ ra mắt album và MV, chia sẻ sự sáng tạo với khán giả yêu nhạc trên nhiều nền tảng khác nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh sự ra đời của số ít sản phẩm chất lượng, hàng loạt ca khúc có ngôn từ nhảm nhí, sáo rỗng, thiếu trong sáng xuất hiện tràn lan trên thị trường, khiến người nghe ngán ngẩm. Nếu như ở giai đoạn trước, Mỹ Tâm gây tranh cãi chỉ vì câu hát có phần mông lung trong "Hát với dòng sông": "Tình yêu đến em không mong đợi gì/ Tình yêu đi em không hề hối tiếc", thì ngày nay, những ca sĩ trẻ thản nhiên cất lên loạt ca từ đầy màu sắc tiêu cực. Có thể kể tới ca khúc "Cắm sừng ai đừng cắm sừng em" (Phí Phương Anh): "Sáng nay ngủ dậy trễ bỗng tự nhiên bị cắm sừng/ Đang ngồi cày con game bỗng tự nhiên bị cắm sừng/ Lướt lướt shopping tự nhiên bị cắm sừng"; ca khúc "Ừ em xin lỗi" (Hoàng Yến Chibi): "Anh biết là em khó chiều/ Sao anh còn căng anh còn văng/ Anh lật kèo á/ Không dễ đâu anh"...

Ca từ nhảm nhí, vô nghĩa trong những bản “hit” đình đám trên thị trường nhạc Việt- Ảnh 1.

Hình ảnh trong ca khúc "Từ nơi tôi sinh ra" của ca sĩ Jack. (Ảnh: FBNV)

Để thu hút khán giả, nhiều nghệ sĩ chọn cho mình những ca khúc gây chú ý ngay từ phần tên bài, tuy nhiên chúng cũng cho thấy sự dễ dãi, phản cảm. Oh My Chuối (Sĩ Thanh); Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu (Song Luân), Mẩy thật mẩy (BigDaddy)… là những ví dụ điển hình. Ở một khía cạnh khác, diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm cho ra mắt một MV cũng có cái tên khó hiểu Oải cả chưởng với những từ ngữ ghép nối với nhau, hình ảnh "chắp vá" nhằm gây cười... Tuy nam nghệ sĩ khẳng định đây không phải một dự án âm nhạc mà chỉ mang tính giải trí, thế nhưng, nếu nhìn từ phía khán giả, thật khó để đặt ra một ranh giới rõ ràng cho việc tiếp nhận sản phẩm nói trên.

Không ít ca khúc có cả một đoạn dài ca từ vô nghĩa, không ai hiểu tác giả viết gì ở phần lời. Có thể kể tới "Từ nơi tôi sinh ra" (Jack) với đoạn: "What's cool/ Đêm nay không thu/ Lang thang trên sông Mekong cho thêm xuRa xa khuChơi chi Kungfu, mang theo thanh vang, âm ru nơi trung du"; hay Không yêu em đến thế đâu (Pháp Kiều, Ogenus): "Anh là anh chàng văn vở vì ghi là quá yêu kiều/ Ghi nữa đi nữa đi, ghi nữa đi nữa đi nữa đi/ Ghi nữa đi nữa đi, ghi nữa đi nữa đi nữa đi/ Khi mà bao vây đây bao nhiêu tên cướp đang chờ/ Đến bứt lấy bông hoa hồng trên tay, mắt ai yêu kiều". Bản rap 2,3 con mực (rapper Linh Thộn và Minh Vũ) cũng lặp đi lặp lại những câu: "2 3 con mực, anh yêu em cực. Ba chai tăng lực. Yêu em căng cực".

Không khó để thấy, những sản phẩm nói trên đa phần đều có sức ảnh hưởng lớn, thậm chí dẫn đầu nhiều bảng xếp hạng. Trong số đó, Tất cả đứng im của Ngô Kiến Huy thậm chí nhận giải Mai Vàng 2022; Từ nơi tôi sinh ra của Jack có 8,8 triệu lượt xem, Ghệ iu dấu của em ơi thu hút 8,3 triệu lượt xem trên YouTube.

Thời kỳ "vàng - thau" lẫn lộn?

Chia sẻ với Dân Việt, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng: "Việc một số bản "hit" ra những ca từ nhảm nhí, thậm chí có những bài nội dung không lành mạnh là một thực trạng của đời sống nhạc Việt đại chúng ngày hôm nay. Với tôi, nếu nhìn từ góc độ nghệ thuật thì đây là điều đáng buồn, còn nhìn từ góc độ văn hóa, đây là dấu hiệu cần cảnh báo".

Ca từ nhảm nhí, vô nghĩa trong những bản “hit” đình đám trên thị trường nhạc Việt- Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long. (Ảnh: NVCC)

Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang khẳng định, thực trạng này phản ánh tính không bài bản trong đào tạo, phi chuyên nghiệp trong sáng tạo. Chúng cũng xuất phát từ thói quen vay mượn âm nhạc nước ngoài, cũng như xu hướng cover lại phần giai điệu từ các ca khúc quốc tế, dẫn đến nhiều ca khúc nhạc một đằng, lời một nẻo.

"Thứ hai, phần lớn các ca khúc chạy theo xu hướng xếp hạng trên mạng xã hội đều được thực hiện bởi những ca sĩ, nhạc sĩ không chuyên, không qua trường lớp, không được bồi dưỡng trong thực tiễn sáng tác, dẫn đến thiếu cảm xúc, thiếu kỹ năng nhận diện "nốt nhạc", cũng như sự chặt chẽ trong cấu trúc của bài hát. Thứ ba, tính chất chớp nhoáng, "tự phát", "tự phong" vai trò sáng tác âm nhạc cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ai cũng có thể tham gia sáng tác âm nhạc, ai cũng có thể trở thành ca sĩ, vàng - thau, thật - giả, chuyên – không chuyên nghiệp trở nên lẫn lộn" - ông Ngô Hương Giang chia sẻ.

Ca từ nhảm nhí, vô nghĩa trong những bản “hit” đình đám trên thị trường nhạc Việt- Ảnh 3.

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang. (Ảnh: NVCC)

Bàn về chủ đề này, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng nhận định, đây chính là hệ quả của thời kỳ âm nhạc phụ thuộc mạng xã hội, người làm nhạc chạy theo xu hướng (từ tạo xu hướng đến theo xu hướng): "Không phủ nhận tác động tốt, lan tỏa của mạng xã hội nhưng cũng phải thừa nhận rằng, một trong số những nội dung rất phổ biến trên mạng xã hội hiện nay là nội dung nhảm nhí. Các bản nhạc vui tai, dễ nhảy múa, lời hát kỳ quặc hoặc thô tục, dâm dục lại dễ tạo được sự hưởng ứng của một bộ phận các tài khoản trên mạng xã hội".

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đánh giá, việc các ca khúc có ca từ nhảm nhí ngày càng tràn lan xảy ra không chỉ bởi những người lấy âm nhạc làm động cơ để lan tỏa trên mạng xã hội mà còn bởi sự tiện ích, hữu hiệu và chủ động của mạng xã hội, giúp người làm nhạc tự do lan tỏa sản phẩm của mình. Giới nhạc sĩ thế hệ trước luôn phải đặt ra trước khi thực hiện sản phẩm, rằng rất có thể sẽ bị từ chối phát hành nếu có vấn đề chưa ổn không chỉ ở khía cạnh nội dung ca từ. Còn hiện nay, các nghệ sĩ tự do thoải mái lan tỏa những gì mà họ thích, gần như không gặp bất cứ trở ngại nào.

Đồng ý với những chia sẻ của ông Nguyễn Quang Long, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cũng nêu quan điểm: "Bên cạnh vai trò quan trọng của mạng xã hội trong quá trình phát hành một sản phẩm âm nhạc, không thể phủ nhận sự buông lỏng kiểm soát nội dung âm nhạc từ phía các cơ quan chức năng. Nếu thị trường âm nhạc không có sự kiểm soát chặt chẽ từ phía các cơ quan quản lý văn hoá cũng như cơ quan quản lý chất lượng thông tin thì tình trạng trên còn tiếp tục diễn ra, thậm chí còn diễn biến theo chiều hướng tiêu cực khó kiểm soát".

Với sự phát triển mạnh mẽ và đầy cạnh tranh của nền âm nhạc, rõ ràng, việc cho ra đời một sản phẩm chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của người nghe về cả mặt hình thức, nội dung, giai điệu là không hề đơn giản. Tuy nhiên, những nghệ sĩ trẻ cũng nên ý thức rằng ở họ tồn tại trách nhiệm phát triển một môi trường âm nhạc tích cực, mang lại giá trị cho cộng đồng. Như cách nhạc sĩ Thế Hiển chia sẻ với PV Dân Việt: "Cũng là mất công tư duy, suy nghĩ để sáng tác. Tại sao ta lại tư duy những cái bậy, tại sao ta không dành thời gian đó tư duy cái hay để có tác phẩm bền lâu, vừa cho mình cũng là cho mọi người".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem