Cái bếp lò và chén nước cơm chắt

Thứ bảy, ngày 03/05/2014 08:12 AM (GMT+7)
Thi sĩ Trần Tiến Dũng đưa bạn đi Cà Mau. Bạn anh, một người Việt định cư ở Úc đã lâu, một hoạ sĩ, nhưng gần hết tuổi trẻ chưa bao giờ ra khỏi Sài Gòn, phần đời còn lại từ trung niên tới giờ tuổi lục tuần cũng vẫn chưa đi.
Bình luận 0
May mà lần này về gặp, anh Dũng nhất quyết phải đưa chàng đi một lần cho biết.

Cái xứ chàng hoạ sĩ này muốn biết đầu tiên khi rời Sài Gòn là Cần Thơ “gạo trắng nước trong”. Nên ngày xưa nổi tiếng nhiều người đẹp chăng?

Nhưng bỏ qua rất nhiều những “ồ”, “à”, “hay quá” suốt dọc đường. Kể cả chợ nổi Cái Răng cũng chỉ làm chàng thấy thích thú chốc lát. Gặp nhà văn miền Tây Nguyễn Ngọc Tư, nói chuyện làng, chàng bảo “Nguyễn Ngọc Tư đích thực là nhà văn, vì chỉ có nhà văn vẫn mãi ngạc nhiên về nơi mình đang sống”.

Một góc sông nước miền Tây vẫn giữ được chất dân dã. Ảnh: TL
Một góc sông nước miền Tây vẫn giữ được chất dân dã. Ảnh: TL

Nhưng hoạ sĩ và thi sĩ lại nói, những gì mà họ ngạc nhiên, đó chính là chén nước cơm chắt.

Đến Cà Mau, thấy cái lò đất (bếp đất), cả thi sĩ lẫn hoạ sĩ nhìn mà mừng như muốn reo, một cái lò theo đúng đặc trưng của vùng sông nước. Rồi người phụ nữ đang ngồi thổi lò với kiểu nấu cơm xưa. Nước sôi chị cho gạo đã rửa sạch để ráo nước. Một hồi sau chị mở nắp, lấy cái muỗng chắt nước cơm mời khách. Vừa bưng chén nước cơm trắng đục vừa run run, không phải vì nóng, mà vì quá xúc động, ông hoạ sĩ muốn oà khóc: “Gần bốn chục năm rồi mới uống lại chén nước cơm!”.

Vì không còn ai nấu cơm chắt nước nữa.

Chén nước cơm này nó mở lại cánh cửa văn hoá người Việt, từ cách nấu cơm. Chén nước cơm ấy theo một hành trình văn hoá dài của người Việt từ xa xưa đến giờ, vẫn còn được giữ trong cái góc bếp của một ngôi nhà miền biển. Và chén nước cơm này nuôi sống bao đứa con nít của một đất nước mà trẻ em nghèo đã từng không có một giọt sữa.

Trong những chi tiết đó nó gắn liền với số phận của người nông dân Việt Nam, gắn với sự thăng trầm của cuộc đời của họ.

Cơm gạo chắt là một nét văn hoá của người Việt, nhưng liệu nó có trở thành một nhu cầu của ngày hôm nay nữa không? Nếu được phục hồi, tôn vinh nó có thể người ta sẽ thưởng thức và nó trở thành một món ngon. Nó sẽ hơn hẳn cơm niêu đã được bán ở đâu đó nơi phố thị

(đó đâu phải là cơm Việt, chỉ có lớp cháy để phục vụ những người thèm ăn cháy với ký ức xa xưa). Rồi sẽ có những người ngồi suy tính để sản xuất ra nồi cơm điện nấu gạo chắt được nước cơm?

Chẳng qua cơm gạo chắt không được biết tới, không được phục sinh. Chính những giá trị phục sinh để chuyển nó vô nhịp sống bây giờ và tương lai. Chứ không phải phục dựng nó như một màn trình diễn. Nhu cầu du lịch kiểu về vùng đó, ở một nhà thôn quê, ăn bữa ăn quê... kiểu homestay mà các nước bên cạnh vẫn đang phát triển rất nhiều. Vậy homestay của mình có món cơm này không?

Rồi tự nhiên nghĩ vẩn vơ: sao mình không về quê, tìm một miếng đất khoảng 500 – 1.000m2, cất nhà kiểu xưa, nấu cơm quê, sống như quê, nghe nhạc tài tử, ngồi bên lửa tàn để nhậu... cho khách du lịch muốn trải nghiệm với văn hoá làng quê Việt?

Người ta có thói quen biến tất cả những thứ văn hoá thành mô hình rồi đưa vào bảo tàng,

chứ người ta không khuyến khích người nông dân hãy trở lại với đời sống làng quê yên bình ngày xưa, với cuộc sống giản dị với những giá trị văn hoá giản dị. Tự nuôi sống mình bằng những giá trị đó. Tự người nông dân có thể làm và làm tốt.

Khi tôi hỏi một ông già sao không tự xay gạo để nấu cơm giống như ngày xưa, mà gạo xay trong cối vẫn còn chút cám, rất ngon và bổ.

Ổng nói ổng làm được có nửa cái thôi, nửa phần kia ổng quên mất phải làm sao rồi nên đang tìm người biết làm nửa phần còn lại để may ra có thể làm được cái cối.

Làng tiến sĩ, làng nghề, làng gái đẹp... cũng hay. Nhưng nếu anh giới thiệu một bữa cơm ngon, một cảnh đẹp, làm cách nào để nói chuyện với trẻ con của làng, được nghe những câu hát, câu hò từ các bà, các mẹ, các chị và cả những bài đồng dao của trẻ nít (giờ không biết còn không) thì đó đúng là văn hoá làng Việt.

Ngân Hà(Thế giới Tiếp Thị) (Ngân Hà(Thế giới Tiếp Thị))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem