Đột biến chi phí, lợi nhuận quý I.2019 của Hòa Phát giảm tốc 18%

26/04/2019 22:16 GMT+7
Doanh thu quý I.2019 của Tập đoàn Hòa Phát tăng 15% so với cùng kỳ song các chỉ tiêu như giảm trừ doanh thu, chi phí tài chính hay chi phí quản lý doanh nghiệp của Hòa Phát gia tăng với tốc độ nhanh hơn. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát giảm 18% so với cùng kỳ năm 2018.

Công ty cổ phần thép Hòa Phát (HPG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I.2019 với kết quả giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, trong quý I.2019, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ của Hòa Phát đạt 15.180 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch doanh thu năm 2019 và tăng nhẹ so với con số 13.162 tỷ đồng ghi nhận vào cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, các khoản giảm trừ doanh thu (chủ yếu là chiết khấu thương mại) và giá vốn hàng bán trong kỳ lại tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng của doanh thu khiến cho lợi nhuận gộp của Hòa Phát chỉ còn xấp xỉ 2.621 tỷ đồng, giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, chi phí lãi vay của Hòa Phát cũng tăng mạnh từ 118 tỷ đồng lên 185 tỷ đồng trong quý I.2019, tương ứng với mức tăng gần 67%.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 34% và 7% so với cùng kỳ.

Kết quả, quý I.2019, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận mức lợi nhuận thuần sụt giảm 17% chỉ mang về gần 2.158 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm tương ứng, đạt 2.171 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng bốc hơi 413 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng mức giảm gần 19% và mang về 1.810 tỷ đồng trong kỳ.

Điểm sáng của Hòa Phát trong quý I.2019 phải kể đến là hàng tồn kho của doanh nghiệp giảm 10% so với đầu năm, còn 12.705 tỷ đồng.

Tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp gấp gần 2,5 lần từ mức 2.516 tỷ đầu năm tăng lên 6.111 tỷ tại thời điểm 31.3.2019.

Báo cáo tài chính của Hòa Phát cũng cho thấy, chi phí xây dựng dở dang trong kỳ tăng thêm 40.563 tỷ đồng. Trong đó, riêng dự án KLH Gang thép Dung Quất chiếm tới 36.801 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.

Tính đến 31.3.2019, tổng tài sản của Hòa Phát là 84.947 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ. Nợ phả trả tăng 13,7% và chiếm 1 nửa tổng tài sản của doanh nghiệp.

Riêng vay và nợ thuê tài chính của Hòa Phát là 30.481 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm, chiếm trển 72% nguồn vốn chủ sở hữu.

Năm 2019, Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 70.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.700 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đã chia sẻ, năm 2019 là năm còn nhiều thách thức, giá nguyên nhiên liệu tăng cao… “Mục tiêu của Hòa Phát là đẩy mạnh chiếm lĩnh thêm thị phần khi dự án Dung Quất đi vào hoạt động. Khi có thị phần thì lợi nhuận về sau là tất yếu”, Chủ tịch Long cho biết.

Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, mặc dù lợi nhuận của Hòa Phát có sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, song nếu so với đối thủ là Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ thì rõ ràng, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long vẫn có kết quả tích cực hơn nhiều lần.

Kinh doanh khó khăn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ phải đóng cửa hàng loạt chi nhánh 

Theo báo cáo tài chính quý I niên độ 2018-2019, Tập đoàn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ đạt doanh thu thuần 7.545 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của Hoa Sen chỉ vỏn vẹn 60,7 tỷ đồng, giảm tới trên 81% so với cùng kỳ. Tổng nợ vay giảm khoảng 2.000 tỷ xuống còn 12.157 tỷ đồng.

Chưa hết, trong khi kết quả kinh doanh kém sắc, ông Lê Phước Vũ đã cho giải thể ồ ạt các chi nhánh trên cả nước. Chỉ tính 3 tháng đầu năm, Tập đoàn Hoa Sen của đại gia Lê Phước Vũ đã cho chấm dứt hoạt động hơn 200 chi nhánh trực thuộc Tập đoàn này với lý do chuyển đổi mô hình quản trị hệ thống phân phối.

Lê Thúy
Cùng chuyên mục