HOT HOT HOT:

Còn đâu cây đa, bến nước, con đò?

31/12/2016 15:14 GMT+7
Làng tôi có tên là làng Đa, nằm bên sông Nhuệ Giang hiền hòa trong mát một thời. Tình yêu của tôi cũng bắt đầu từ bên sông của làng. Dòng nước trong veo, bến nước trong veo là biểu tượng của làng Đa.

Chúng tôi ngày ấy đang độ tuổi bẻ gãy sừng bò, chiều hè rủ nhau ra bên sông tắm. Con trai thì cởi trần mặc quần đùi nhảy lộn xuống sông bơi, bọn con gái thì mặc cả quần áo cũng lao xuống bơi, ướt áo ngực hiện chúm cau, nhìn thích ghê. Tình yêu của tôi nảy nở từ chính bãi sông làng.
Cô ấy cùng học với tôi một lớp, sáng đến trường chiều về cùng chăn trâu. Hoàng hôn buông chớm ngọn tre chúng tôi dắt trâu ra sông tắm. Hai con trâu trầm nước bên nhau, chúng tôi cũng bên nhau. Hai đứa dầm mình trong dòng nước mát, va chạm vào nhau vô tình. Thế rồi yêu nhau lúc nào không biết nữa, nhớ nhau lại nhắn nhau ra bến sông.
Thành vợ thành chồng sau một chặng đường dài cuộc sống, chúng tôi thường xuyên về với bến sông quê. Vợ tôi rất thích bài hát con sông quê, rằng qua nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê…
Mới đó mà đã gần 20 năm, bên sông bây giờ mùi thối bốc lên thum thủm. Mỗi khi có cơn gió đồng là mọi người muốn ngất vì mùi hôi. Nước sông đen sì đặc quánh, mùa hè cá chết nổi lềnh phềnh như trận địa. Nhìn xác cá chết thối không ai kìm được lòng. Dòng sông Nhuệ cũng như bao nhiêu dòng sông khác đã trở thành cái cống chuyển nước thải cho thành phố.
Kể từ khi bến sông chết, thanh niên làng tôi không ai dám ngồi gần bến sông chứ đừng nói chi tới nhảy xuống tắm. Rau muống sông tốt như rừng, nhưng hái về luộc ăn thì chỉ tổ tốn béc be rin.
Mới đây thôi, kỷ niệm ngày cưới, vợ chồng tôi về lại bến sông xưa, đứng lặng im nhìn xuống, nước mắt ứa ra thương xót. Ai còn dám úp mặt vào sông quê nữa bây giờ...
Bến sông này đã từng có một con đò chở bà con sang bên huyện Duy Tiên. Con đò nhỏ và chênh vênh lắm. Cô Tình có một chân bị thọt được phép chờ đò kiếm tiền nuôi thân. Cô Tình rất đẹp và cũng có người yêu, cả làng tôi ai cũng quý cô. Anh Hạnh là người trên thành phố vô tình đi qua thì yêu cô Tình, nhà thơ lãng mạn thế đấy. Sau ngày cưới cô Tình theo chồng lên thành phố, chẳng ai chở đò nữa, nhà nước đã xây cầu rồi. Mỗi khi về quê cô Tình lại ra bến đò xưa ngồi ôn kỷ niệm. Chỉ tội nước sông bẩn quá nên cô cứ phải ngồi thật xa. Cô Tình tâm sự, rằng nhờ con đò này nên cô mới lấy được chồng thành phố. Con giai nhà quê thấy con gái bị tàn tật một tí là sợ chạy mất dép, chán nghê.
Cây đa làng tôi đẹp nhất vùng nhưng chết mất rồi. Một thời cây đa là biểu tượng của tình yêu, bao nhiêu đôi yêu nhau ra gốc đa ngồi tâm sự. Buổi trưa hè bà con trong làng kéo nhau ra gốc đa tránh nắng, vui lắm. Cây đa làng tôi tỏa bóng mát gần bằng mẫu ruộng cơ mà. Giữa thân đa có cái hốc rộng lắm, mấy chục người chui vào vẫn đủ chỗ. Hồi còn bé đám trẻ trâu chúng tôi chơi đánh nhau, quân ta thì ở ngoài, quân địch thì ở trong hốc đa. Quân ta lấy bùn ném vào quân địch. Bọn địch chạy tán loạn, quân ta xông vào thu chiến lợi phẩm, toàn quả đa chín mọng. Sau này ông trưởng thôn cấm trẻ trâu chơi trò đánh nhau ở gốc đa làng.
Những đôi yêu nhau thì thi nhau khắc chữ lên thân đa, toàn những câu không hợp với người già, thế là ông trưởng thôn lại cấm không được ngồi dưới gốc đa yêu nhau, nếu dân quân bắt được sẽ phạt một đôi vịt bầu.
Thế rồi có một bà béo mập mở quán nước chè, thuốc lào ngay gốc cây đa. Đám thanh niên kéo tới uống nước, hút thuốc, nói chuyện tào lao chi khươn. Bà chủ quán là người nhà của ông chủ tịch xã nên không ai dám ho he gì. Bà này đóng mấy chục cái đinh lên thân đa để treo kẹo bánh, bim bim, thuốc lào…Trông đa như bị thương tật. Đám người uống nước toàn tiện tay hắt chè nóng vào gốc đa, hắt cả mồi thuốc lào vẫn đỏ rực. Thế là cây đa chết. Bà con góp tiền mời mấy ông giáo sư trên thành phố về nhưng không cứu được, cả làng như có tang, hôm chặt cây đa bà bán quán đổ bệnh.
Quê tôi bây giờ chẳng còn ra quê nữa, nhà nhà xây cao tầng, đường đổ bê tông, ruộng bỏ hoang, nông dân đi buôn lấy tiền tươi, trâu bò cũng không còn con nào nữa, con cuối cùng đã bị mổ phục vụ hội nghị tổng kết phong trào sinh đẻ có kế hoạch. Quê bây giờ không còn cây đa, bến nước, con đò!

Lê Tự