Công Phượng là đáp án cho hàng công ĐT Việt Nam?

Phạm Trần Oánh Thứ bảy, ngày 23/03/2024 14:10 PM (GMT+7)
Cặp tiền đạo lỳ lợm Công Phượng - Đình Bắc nhận những đường chuyền xẻ nách của Quang Hải, những quả treo bóng vừa tới tầm của Hoàng Đức phải chăng là đáp án cho vấn đề cải thiện sức tấn công của ĐT Việt Nam?
Bình luận 0

ĐT Việt Nam cần cải thiện sức tấn công

Đầu tiên phải khẳng định, ĐT Indonesia phiên bản 2024 khác rất nhiều so với trước đây. Họ mạnh hơn, tự tin hơn, nguy hiểm hơn.

Nếu cân từng vị trí trên sân trong thời điểm hiện tại, trên mọi góc độ, từ trình độ chuyên môn, thể lực, thể hình, môi trường đào tạo, môi trường thi đấu đến giá trị chuyển nhượng, các cầu thủ ĐT Việt Nam không thể bằng đội hình của Indonesia. Hơn 1 đội hình ra sân của họ đang chơi bóng ở những môi trường mà chưa cầu thủ Việt Nam nào trong lịch sử có đủ trình độ chuyên môn để thi đấu thành công. Chúng ta đang coi việc không thắng nổi đội bóng mạnh hơn chúng ta trên sân nhà của họ là điều không thể chấp nhận được.

Công Phượng là đáp án cho hàng công ĐT Việt Nam?- Ảnh 1.

ĐT Việt Nam đã chơi không tốt và thua ĐT Indonesia ở trận lượt đi. Ảnh: VOV

Nếu xét về thể thức thi đấu sân khách - sân nhà, việc để thua đối phương 0-1 trên sân khách là kết quả không tốt. Tất nhiên rồi, thua thì làm sao tốt bằng thắng hay hòa, nhưng thua tối thiểu như thế là không quá tệ. Kết quả đó là điều thế giới cho là chấp nhận được, đủ để một đội bóng có hy vọng, có cơ hội lật lại tình thế trong trận lượt về trên sân nhà.

Trở lại với trận lượt đi của ĐT Việt Nam trên sân Gelora Bung Karno, các cầu thủ nhập tịch của Indonesia thi đấu không quá nổi bật. Nhưng cùng với các cầu thủ tốt nhất của Indonesia, họ đá tròn vai, đủ để các cầu thủ Việt Nam không phát huy được các miếng đánh tiếp cận cầu môn đối phương của mình.

Ở hiệp 2, khi đã xuống sức, các động tác kỹ thuật không còn chính xác nữa, khả năng di chuyển kém, sức rướn không còn, các cầu thủ Việt Nam rất khó kiểm soát bóng nên việc khó tạo ra cơ hội nguy hiểm trước cầu môn đối phương là dễ hiểu.

Nhưng ngay cả trong hiệp 1, khi gây được áp lực tốt trên sân đối phương, họ cũng không tạo ra được cơ hội rõ ràng nào. Có vẻ vấn đề nằm ở khả năng tạo đột biến của đội bóng.

Công Phượng là đáp án cho hàng công ĐT Việt Nam?- Ảnh 2.

Khả năng tạo đột biến ở trận lượt đi của ĐT Việt Nam là không tốt. Ảnh: VOV

Nếu nhìn vào đội hình trên sân, ta nhận thấy có vẻ giữ thế trận an toàn là ưu tiên được đề cao hơn tính sáng tạo trong trận lượt đi này. Một bằng chứng là Quang Hải, cầu thủ có khả năng sáng tạo bậc nhất của bóng đá Việt Nam, đang có phong độ tốt ở CLB, nhưng điểm yếu là khả năng tham gia phòng thủ, khả năng thu hồi bóng kém, không được sử dụng.

Nhưng đây là cách tiếp cận trận đấu hợp lý. Chúng ta đang làm khách và đối phương là 1 đội bóng mạnh, an toàn là điều cần thiết. Những điểm sáng về lối đá trong trận lượt đi đó là cách các cầu thủ Việt Nam luân chuyển vị trí, bọc lót, hỗ trợ nhau trên sân. Ta nhận thấy không chỉ Nhâm Mạnh Dũng hay Đình Bắc đột nhập khu cấm địa Indonesia, mà cả Bùi Hoàng Việt Anh, Thái Sơn… và 1 số cái tên khác có mặt ở đây. Và hễ họ lên tham gia tấn công, luôn có cầu thủ khác trám vào chỗ mà họ để lại.

Trong trận lượt về trên sân Mỹ Đình, rõ ràng với tình thế phải thắng này, với những vấn đề về sức tấn công của đội bóng, cách tiếp cận trận đấu chắc chắn sẽ thay đổi. Ở hàng tiền vệ, với ưu tiên tăng cường sức tấn công, khả năng tạo đột biến, có lẽ HLV Troussier sẽ sử dụng cùng lúc cả Quang Hải và Hoàng Đức ở trên sân.

Chúng ta đã thấy khả năng xoay sở, cầm bóng trước sự truy cản rất rát của đối phương của Hoàng Đức trong trận lượt đi. Cùng với Thái Sơn đang có phong độ cao, đội sẽ có một hàng tiền vệ đủ sức sáng tạo.

Ở hàng tiền đạo, trận lượt đi, Đình Bắc dường như được yêu cầu dạt ra biên trái và đá hơi lùi xuống, lôi kéo hậu vệ đối phương để các đồng đội khác có cơ hội thâm nhập vòng cấm địa. Có lẽ chính vì thế, ta thấy cầu thủ này ít đóng góp vào các pha bóng có cơ hội dứt điểm hơn vị trí của 1 tiền đạo thông thường.

Điểm mạnh của tiền đạo trẻ này là sự tự tin, lỳ lợm, cái lỳ lợm mang tính bản năng, không thông qua luyện tập. Ngay như việc 1 cầu thủ 19 tuổi, một mình thương thảo với đại diện 1 CLB lớn, rồi sau đó tự mình quyết định kết quả hợp đồng cũng là một sự lỳ lợm.

Trước đây, bóng đá Việt Nam cũng có 1 tiền đạo mang trong mình sự lỳ lợm bản năng, đó là tiền đạo Văn Quyến. Hàng tấn công của ĐT Việt Nam cần sự lỳ lợm đó. Có lẽ HLV Troussier sẽ nhận thấy điều đó, nếu vậy, Đình Bắc sẽ tiếp tục góp mặt ở hàng tấn công của ĐT Việt Nam, và anh sẽ đá cao hơn, có nhiều cơ hội thâm nhập vòng cấm địa đối phương hơn trong trận lượt về.

Công Phượng là đáp án cho hàng công ĐT Việt Nam?- Ảnh 3.

Công Phượng liệu có kịp bình phục chấn thương để góp mặt ở trận đấu tới? Ảnh: Như Đạt (Người Lao Động)

Nhâm Mạnh Dũng đã có 1 trận đấu không thành công. Cầu thủ này tỏ ra hơi bị ngợp trước không khí thi đấu của trận đấu. Anh đã không tự tin để lựa chọn phương án xử lý mang tính đột biến như đã từng thể hiện ở V. League trong màu áo CLB Thể Công – Viettel.

Chúng ta cũng được chứng kiến Tiến Linh và Văn Toàn thi đấu thế nào khi được tung vào sân. Tất nhiên là trong tình thế khó khăn và không có nhiều thời gian, họ vẫn hay, nhưng đã không tạo ra nổi sự đột biến nào. Dường như lúc này, cái tên Công Phượng là niềm hy vọng cho hàng tấn công ĐT Việt Nam. Đây cũng là một cầu thủ lỳ lợm, có bản năng tạo đột biến.

Cặp tiền đạo lỳ lợm Công Phượng - Đình Bắc nhận những đường chuyền xẻ nách của Quang Hải, những quả treo bóng vừa tới tầm của Hoàng Đức phải chăng là đáp án cho vấn đề cải thiện sức tấn công của ĐT Việt Nam?

Ở trận lượt đi, Công Phượng đã không có tên trong danh sách ĐT Việt Nam sang Indonesia do chấn thương. Chính vì vậy, khả năng bình phục để kịp góp mặt trong trận lượt về của tiền đạo này vẫn là dấu hỏi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem