Đổ xô trồng mít Thái như bị "lên đồng", bất chấp hệ lụy

20/03/2019 15:03 GMT+7
Thời gian gần đây, nông dân nhiều địa phương vùng khu vực ĐBSCL ồ ạt chuyển sang trồng mít Thái, như đã từng “lên đồng” với cam sành, sầu riêng… Diện tích loại cây này đang tăng mạnh, dù nhà nông thu lợi trước mắt nhưng cũng đã có những cảnh báo về hệ lụy của sự phát triển ồ ạt này.

Ùn ùn trồng mít Thái

Hậu Giang là một trong những địa phương có diện tích mít Thái tăng chóng mặt trong thời gian gần đây, nguyên nhân là do giá mít luôn đứng ở mức cao ngất ngưởng. Hiện, các thương lái thu mua mít Thái với giá từ 55.000 – 60.000 đồng/kg.

Ông Phan Văn Tiến (ngụ xã Trường Long A, huyện Châu Thành A) cho biết: “Thời điểm Tết Nguyên đán, mít Thái có giá 45.000 đồng/kg nhưng giờ đã lên tới 60.000 đồng/kg. Giá mít cao nên người dân vô cùng phấn khởi. Trung bình 1ha, người dân có thể thu nhập 200-300 triệu đồng/năm”.

 Người dân huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ) thu hoạch mít Thái

Hiện gia đình ông Tiến có 1ha đất vườn trồng mít Thái xen sầu riêng Ri 6. Sau 2 năm chăm sóc, hơn 1.000 cây mít Thái của ông đã cho trái bói. Mới đây, thương lái mua với giá 60.000 đồng/kg. “Vụ mít này, tôi bán được hơn 100 triệu đồng” – ông Tiến khoe.

Nhiều thương lái ở xã Trường Long A cho biết, giá cao nhưng hiện nay lượng mít mua vào đang ít dần do đã cuối vụ. Mặc dù đã cố gắng đi lùng sục tận các nhà vườn nhưng nhiều thương lái vẫn không có đủ hàng cung cấp cho các vựa.

Theo thống kê, huyện Châu Thành A hiện có khoảng 74ha mít Thái. Trung bình 1.000m2 sẽ trồng được khoảng 120 cây mít Thái, nếu giữ mức giá như hiện nay, trừ hết chi phí, người dân có thể thu lời 50 - 100 triệu đồng/1.000m2 cho mỗi lần thu hoạch.

Tương tự, nhiều nông dân ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) cũng đang ồ ạt trồng mít Thái. “Tôi có hơn 2.000m2 trồng mít Thái, cho thu nhập rất khá. Nhờ trồng loại mít này mà gia đình tôi thoát khỏi cảnh khó khăn” - anh Trần Văn Liêm ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành cho biết.

Đại diện ngành chức năng tỉnh Hậu Giang cũng thừa nhận, diện tích mít Thái tăng chóng mặt trong mấy năm gần đây. “Diện tích trồng mít Thái ở Hậu Giang đã lên đến 2.000ha, tăng khoảng 1.000ha so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân diện tích tăng là do 2 năm liền, giá mít này luôn ở mức cao, người dân thu lời khá, 1 trái ít nhất nặng 15kg, bán được từ 700.000 – 800.000 đồng” - ông Bạch Văn Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang thông tin.

Nguy cơ phá vỡ cơ cấu cây trồng

Diện tích trồng mít Thái tăng chóng mặt trong mấy năm gần đây.

Không chỉ ở Hậu Giang, vài năm trở lại đây, mít Thái cũng được nhiều hộ dân ở các địa phương như TP.Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp… lựa chọn trồng. Tại huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ), hiện mít Thái loại 1 (khoảng 9kg/trái trở lên) có giá 55.000 đồng/kg, còn mít Thái loại 2 khoảng 45.000 đồng/kg.

Theo nhiều nhà vườn trồng mít Thái, mức giá hiện tại chưa cao bằng thời điểm tháng 9.2018 (70.000 đồng/kg) nhưng vẫn còn ở mức khá cao so với nhiều loại trái cây khác, giúp nhà vườn có thu nhập rất tốt.

Đây cũng chính là lý do khiến ở Tiền Giang, chỉ trong vòng vài năm gần đây, cây mít Thái từ chỗ trồng rải rác đã trở thành vùng với diện tích phát triển lên hàng ngàn hécta. Nguy cơ phá vỡ cơ cấu cây trồng của nhiều địa phương đang hiện hữu trước mắt.

Ông Bùi Văn Thành (xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước) sau 10 năm gắn bó với cây khóm (dứa) cũng đành dọn sạch cây “xóa đói, giảm nghèo” này để lấy 1,5ha đất trồng 700 gốc mít Thái. Hiện, vườn mít của ông mới được 4 tháng tuổi.

Huyện Tân Phước lâu nay được ví như “thủ phủ” của khóm với 15.000ha thì nay mít Thái đã được xen canh trong những rẫy trồng khóm. Một cán bộ nông nghiệp của huyện cho biết, không thể biết chính xác hiện có bao nhiêu diện tích mít Thái, chỉ biết, diện tích những vườn cây ăn trái bị phá, nhường chỗ cho mít Thái đang tăng từng ngày.

Đi dọc theo xã Tân Thạnh, chúng tôi ghi nhận những vườn mít Thái mới trồng rộng vài ba ha mọc lên khắp nơi. Nông dân đốt những liếp khóm và thay vào đó là những hom mít Thái cao 5-7cm. Ông Bùi Văn Thành thổ lộ, giá khóm đang ở sát mặt đất, nên không thể “nhắm mắt ngó lơ” giá mít Thái cao chất ngất.

“Theo tính toán, giá mít Thái từ 12.000 - 15.000 đồng/kg thì nông dân đã có lãi. Nay giá tăng lên 50.000 - 60.000 đồng/kg, nông dân lời rất cao. Ở đây nhiều nông dân trồng khóm đã chuyển sang trồng mít Thái. Thậm chí, một số người từ đâu không biết đã vô đây thuê hay mua đất khóm trồng mít Thái” - ông Thành bộc bạch.

Tại xã Thạnh Mỹ, ông Nguyễn Hồng Nhật cũng cho biết đã phá 4ha khóm để lấy đất trồng mít Thái. Theo ông Nhật, ông đã đầu tư gần nửa tỷ đồng để có vườn mít Thái trang bị tưới tự động. “Mấy năm nay, nông dân trồng mít Thái thắng lớn, tui lâu nay trồng khóm chẳng thấy khấm khá gì, giờ trồng mít Thái biết đâu đổi vận” - ông Nhật bộc bạch.

Theo ông Trần Hoàng Minh - Trưởng Ban Kinh tế, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang, phong trào thuê, mua đất trồng mít Thái rộ lên từ hơn năm nay, bắt đầu từ huyện Cai Lậy. Nhiều người dân ở các xã Long Trung, Long Tiên, Ngũ Hiệp (Cai Lậy) tìm đến các xã của huyện Cái Bè, Tân Phước hỏi mua hoặc thuê đất dài hạn để trồng sầu riêng và mít Thái siêu sớm. Điều kiện mua đất của những người này là đất liền kề, diện tích từ 10ha trở lên, còn thuê cũng bằng diện tích này trở lên. Giá đất mà họ hỏi mua cao hơn giá thị trường tại địa phương từ 50 - 100 triệu đồng/ha, giá thuê đất dài hạn cũng 70 - 80 triệu đồng/ha…

Không chỉ từ đất khóm có đê bao ngăn lũ chuyển lên trồng mít Thái, nhiều diện tích mít Thái được trồng ngay trên đất lúa. Xã Mỹ Hạnh Đông (thị xã Cai Lậy) là xã có diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang cây lâu năm khá nhanh. Nhiều vườn mít Thái, sầu riêng được mọc lên từ nền đất lúa. Ông Mười Lượm (ấp Mỹ Bình) cho biết, vừa chuyển 4.000m2 đất lúa lên trồng mít Thái.

“Không thể cầm lòng khi thấy lợi nhuận thu hoạch mít Thái cao gấp nhiều lần trồng lúa. Ở đây người ta đang lên liếp trồng ồ ạt. Máy Kobe múc đất ngày đêm không kịp” - ông Mười Lượm chia sẻ.

Ông Dương Tấn Hải - Trưởng ấp Mỹ Bình cho biết, xã Mỹ Hạnh Đông có khoảng 2.000ha đất nông nghiệp thì hiện khoảng 50% là mít Thái, ao cá.

 

 

 

 

   

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục