Lợn hơi rớt giá thê thảm: "Giữ không được, bán chẳng xong!"

29/03/2019 11:01 GMT+7
Đông Đô (huyện Hưng Hà, Thái Bình) là xã đầu tiên bùng phát dịch tả lợn châu Phi từ ngày 13/2. Dịch bệnh lan nhanh đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi trong vùng.

Đông Đô (huyện Hưng Hà, Thái Bình) là xã đầu tiên bùng phát dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) từ ngày 13/2 (công bố dịch ngày 19/2). Đến nay, gần một tháng rưỡi đã trôi qua, toàn xã đã có hơn 800 con lợn bị tiêu hủy, nhưng chưa thể biết khi nào thì xã này mới có thể công bố hết dịch, bởi dịch vẫn tiếp tục nổ ra xôi đỗ ở nhiều hộ dân trong xã. Hơn một tháng nay, xã cứ như “có biến”.

 Tiêu hủy lợn tại xã Đông Đô (Hưng Hà, Thái Bình)

Đối với nhiều hộ dân, chuồng lợn là cả gia tài. Thế nhưng dịch bệnh “từ trên trời rơi xuống” này đã đẩy bao hộ dân vào tình cảnh khốn đốn. Ở Đông Đô đất chật người đông, người dân tận dụng quỹ đất để xây dựng chuồng chăn nuôi. Vậy nên có tình cảnh “chuồng liền vách nhà, chuồng liền vách chuồng

Ấy thế mà có khi hộ này bị dịch chết sạch, nhưng hộ kế bên thì cả tháng nay vẫn bình an vô sự. Kể từ khi dịch bùng lên trong xã đến nay, có chủ hộ chăn nuôi lợn sợ lây dịch, chẳng dám bước chân ra khỏi nhà, vôi bột rắc trắng ngõ vườn, vào chuồng lợn phải bước qua bể vôi khử trùng hẳn hoi, ấy thế mà lợn vẫn dính dịch.

Hộ có lợn bị dịch, phải tiêu hủy đã khổ, hộ có lợn còn khỏe mạnh cũng khổ sở không kém. Anh Đinh Thế Thảo, một hộ chăn nuôi ở thôn Hữu (xã Đông Đô) thở dài cho biết, từ khi bùng phát dịch đến nay, hộ anh đã có một trại lợn với 18 lợn nái và 70 lợn con bị dịch phải tiêu hủy, nhưng may mắn vẫn còn một trại khác gồm 80 lợn thịt không bị dịch. Số lợn thịt 80 con ấy, bình thường anh chỉ kêu thương lái đánh xe tải cỡ lớn tới tận trại, chở đi 2 chuyến trong vài ngày là hết.

Thế nhưng hơn một tháng qua, với quy định cấm không được vận chuyển lợn ra khỏi vùng dịch, anh chỉ còn biết bán cho các lò mổ trong xã, nhúc nhắc cả tháng nay vẫn chưa thể “tống khứ” hết đàn lợn thịt đi. Hiện trại anh vẫn còn hơn 10 con lợn thịt, con nào cũng quá lứa xuất chuồng cả tháng trời, lớn cỡ 1,2 – 1,3 tạ/con.

Lợn hơi: Bán không được, giữ chẳng xong!

Lợn hơi rớt giá thê thảm!

Theo anh Thảo, giá lợn hơi trước khi có dịch 42.000 - 43.000 đ/kg, nay chỉ còn xoay quanh 30.000 đ/kg mà vẫn không bán được. Đó là chưa kể tiền lấy mẫu xét nghiệm, mỗi mẫu tốn thêm 522.000đ. Lợn phải âm tính với virus DTLCP thì mới được bán, nhưng cả xã chỉ có vài cái lò mổ nhỏ lẻ, mỗi ngày cùng lắm chỉ nhúc nhắc tiêu thụ hết 4 - 5 con lợn.

Giá thành hiện nay phải 38.000 đ/kg lợn hơi, bán chỉ 30.000 đ/kg. Đó là chưa kể hơn một tháng nay, do lợn đã quá lứa xuất chuồng mà vẫn không bán được, nên hàng ngày vẫn phải đều đặn cắn răng nuôi báo cô hết trung bình 3kg cám/con/ngày, quy ra tiền tới hơn 30 nghìn đồng. Có hộ thời gian qua đã phải giữ lợn quá lứa cả tháng, lớn tới 1,5 - 1,6 tạ/con, tốn thêm tiền cám khủng khiếp mà lợn càng to càng mỡ, giá càng rẻ” – anh Thảo tâm sự

Lợn bệnh đã thế, lợn lành cũng khổ. Trước khi có dịch, xã có hơn 300 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn lợn lên tới 12.000 con thì đến thời điểm này ước khoảng 3.000 con đã quá lứa xuất chuồng nhưng chưa thể tiêu thụ được.

Con số này sẽ còn tăng lên vùn vụt trong thời gian tới, bởi lợn chuẩn bị tới lứa xuất chuồng sẽ dồn lên liên tục, trong khi theo quy định hiện hành, xã chỉ được cho phép giết mổ để tiêu thụ tại chỗ trong vùng dịch, nhưng mỗi ngày chỉ giỏi lắm 5 - 7 con là cùng, trong khi người dân trong xã thì chẳng thể ăn thịt lợn mãi, dù giá thịt lợn đã rẻ ê hề.

Gánh nặng chi phí xét nghiệm!

Ngay cả việc giết mổ để tiêu thụ tại địa bàn xã, hiện cũng yêu cầu phải lấy mẫu xét nghiệm âm tính với virus DTLCP thì mới được giết mổ. Quy mô chăn nuôi trong xã trung bình chỉ 20 - 30 con/hộ, nhưng bắt buộc số mẫu tối thiểu/dãy chuồng phải đạt từ 3 mẫu trở lên. Mỗi mẫu chi phí 522.000 đ, tính ra chi phí xét nghiệm thôi cũng đã 1,5 – 1,6 triệu đồng, quá tốn kém nên người dân càng có tâm lí chặc lưỡi, không muốn bán lợn nữa, để ra sao thì ra

Trong khi đó bình thường, lượng thịt lợn tiêu thụ trong nội tỉnh của Thái Bình lúc cao điểm ước chỉ đạt 30 - 35% tổng sản lượng lợn xuất chuồng, còn lại 65 - 70% là tiêu thụ tại các tỉnh ngoài (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...).

Trong tình cảnh đó, Thái Bình buộc phải tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn tại chỗ, tuy nhiên, việc tổ chức giết mổ cũng như chi phí xét nghiệm lại quá lớn. Ví dụ: trại dưới 10 con phải lấy 100% (cả 10 mẫu); trại 20 con, phải lấy 15 mẫu; trại 30 con, phải lấy 18 mẫu... Trong khi đó, số hộ nuôi lợn nhỏ lẻ từ 20 - 30 con/hộ hiện nay lại rất nhiều. Vì vậy, với chi phí xét nghiệm lên tới 522.000 đ/mẫu (chưa kể chi phí vật tư, công lấy mẫu, phí chuyển mẫu...), mỗi hộ nhỏ lẻ 30 con lợn phải chi tới suýt soát 10 triệu đồng cho mỗi việc xét nghiệm, khiến họ càng khó khăn hơn trong bối cảnh giá lợn đang quá rẻ.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục