Dân chúng chết nhiều vì nắng nóng, Càn Long tuyệt vọng hóa giải, kết quả bị lừa

Thứ ba, ngày 11/01/2022 16:31 PM (GMT+7)
Đợt nắng nóng năm Càn Long thứ 8 đã đi vào lịch sử với cái tên "Mùa hè nóng nhất lịch sử Trung Quốc". Rốt cuộc, mùa hè đó nóng đến mức độ nào và cách cứu dân của Càn Long là gì?
Bình luận 0

ĐẠI THANH ĐỐI MẶT VỚI ĐỢT NÓNG "DỊ THƯỜNG"

Vào năm Càn Long thứ 8, đất nước Trung Hoa không có bất cứ 1 cuộc chiến nào, tình cảnh vô cùng bình yên. Tuy nhiên, cuộc sống bình lặng như vậy chỉ kéo dài đến mùa hè năm đó thì kết thúc bởi 1 đợt nắng nóng khủng khiếp diễn ra khiến cho nhiệt độ tăng cao bất thường. Theo những ghi chép trong lịch sử, giai đoạn đó được gọi là "Mùa hè nóng nhất trong lịch sử Trung Quốc".

Khi ấy tất cả mọi người, từ dân thường cho đến quan viên đều không dám bước chân ra bên ngoài. Chỉ có những người quá nghèo khổ là vẫn phải bất chấp thời tiết khắc nghiệt ra bên ngoài lao động kiếm sống. Nhưng như vậy, tính mạng của họ có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Lòng dân Đại Thanh lúc đó có thể nói là hoảng loạn vô cùng.

Chứng kiến cảnh tượng này, vua Càn Long đã khẩn cấp triệu tập các vị quan phụ trách theo dõi khí tượng và lệnh cho họ phải tìm ra nguyên nhân của hiện tượng thời tiết cực đoan này. Nhưng kết quả là không một ai tra ra. Toàn bộ Tử Cấm Thành trong mùa hè năm ấy dường như rơi vào biển lửa, không khí ngột ngạt oi bức như muốn thiêu chết người.

Càn Long phải ra lệnh cho người chuyển băng từ bên ngoài vào hoàng cung để giúp xoa dịu bớt phần nào của cái nóng. Vậy nhưng, những người dân lao động lại không có điều kiện như hoàng gia hay những người giàu. Cách duy nhất để họ giảm nhiệt là nhảy xuống sông và ngâm mình dưới đó.

Dân chúng chết nhiều vì nắng nóng thiêu đốt, Càn Long tuyệt vọng hóa giải, kết quả bị lừa - Ảnh 1.

Dân chúng Đại Thanh phải chịu 1 đợt nắng nóng khủng khiếp vào mùa hè năm Càn Long thứ 8. (Ảnh: Baidu)

Những ghi chép của Thanh triều về đợt nắng nóng năm Càn Long thứ 8 này đã khiến bất cứ ai đọc được cũng phải rùng mình. Cụ thể, các nhà sử học khi đó đã lấy cái chết thảm hại của 1 gia đình 5 người để chứng minh cho cái nóng thiêu chết người trong giai đoạn ấy.

Theo ghi chép, gia đình này họ Điền, sống dựa vào 1 xưởng nhuộm nhỏ. Nhiệt độ cao đến nỗi bể nhuộm của họ 'sôi sùng sục'! Điều này đã làm màu nhuộm bị biến chất và lên màu không chuẩn. Do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan nên gia đình này đã không thể tiếp tục dựa vào xưởng nhuộm để kiếm tiền. Ông Điền – trụ cột gia đình đã phải mạo hiểm ra bên ngoài để làm việc, cụ thể là gánh nước cho người giàu.

Cho đến 1 buổi chiều nọ, khi ông Điền đi đến trước 1 ngôi nhà lớn thì có 1 làn khí nóng bất ngờ thổi qua khiến ông đã khuỵu xuống đất. Lúc mọi người xung quanh chạy đến đỡ dậy thì phát hiện ông đã chết! Mất đi người trụ cột gồng gánh gia đình, lại phải đối mặt với sức công phá của thời tiết cực đoan nên 4 người còn lại trong gia đình ông Điền cũng đã lần lượt ra đi sau đó không lâu. Từ đoạn ghi chép này, có thể thấy sự khủng khiếp của đợt nắng nóng vào năm Càn Long thứ 8.

CÁCH CỨU DÂN CỦA CÀN LONG: THỂ HIỆN SỰ TUYỆT VỌNG

Nhìn cảnh dân chúng đau khổ lầm than, thân là vua 1 nước, lòng Càn Long nóng như lửa đốt nhưng lại lực bất tòng tâm. Con người khi đứng trước thiên nhiên luôn vậy, nhỏ bé và bất khả kháng. Đúng lúc này, Lễ Bộ Thị Lang đã tiến cử với vua 1 đạo sĩ đang chu du ở khu vực biển Đông. Nói rằng người này sẽ có khả năng đẩy lùi được đợt nắng nóng.

Dân chúng chết nhiều vì nắng nóng thiêu đốt, Càn Long tuyệt vọng hóa giải, kết quả bị lừa - Ảnh 2.

Vua Càn Long lòng đau như cắt trước tình cảnh mà nhân dân phải chịu đựng. Ảnh minh họa (Nguồn: Baidu)

Đối diện với những nghịch cảnh không có lối thoát, con người thường có xu hướng tìm kiếm chỗ dựa về tinh thần. Và quả thật, vua Càn Long đã phê duyệt thỉnh cầu của Lễ Bộ Thị Lang, để cho đạo sĩ nọ tiến cung bàn chuyện.

Đạo sĩ thưa với Càn Long: "Trận nắng nóng này là do lò luyện đan của Thái Thượng Lão Quân bị đổ. Bần đạo có thể thưa chuyện dưới nhân gian này lên Thái Thượng Lão Quân, và chỉ việc đợi ngài dựng lò luyện đan lên vị trí ban đầu là sẽ ổn". Nghe xong Càn Long như có 1 tia hy vọng, liền lập tức hứa với người này sẽ xây 1 ngôi đền Đạo giáo và thờ cúng tượng bằng vàng của đạo sĩ nếu đạo sĩ thật sự có thể hóa giải trận nắng nóng này.

Dân chúng chết nhiều vì nắng nóng thiêu đốt, Càn Long tuyệt vọng hóa giải, kết quả bị lừa - Ảnh 3.

Càn Long đã tìm đến đạo sĩ để cứu giúp dân chúng. (Ảnh: Baidu)

Sau khi được hoàng đế cấp cho biết bao vàng bạc châu báu, đạo sĩ đã yêu cầu Càn Long để mình đem theo 12 vị cung nữ và thái giám trong cung ra biển. 12 người này được đạo sĩ gọi là vật hiến tế cho Thái Thượng Lão Quân. Và theo lời của đạo sĩ, sau khi vị tiên nhân này nhận được đủ vật hiến tế, cuộc sống của nhân dân Đại Thanh tức khắc sẽ bình yên trở lại.

Mặc dù tên đạo sĩ không có bất cứ chứng cứ xác thực nào để chứng tỏ lời mà ông ta nói là thật nhưng, trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng như lúc ấy, Càn Long dường như không có nhiều thời gian để suy nghĩ, cứ có cách nào là sẽ thử cách đó. Chính vì tâm lý như vậy nên vị hoàng đế này đã bị tên đạo sĩ nọ lừa. Tuy nhiên, trùng hợp là đúng hơn 1 tháng sau, nhiệt độ đã thật sự giảm. Càn Long còn không ngớt lời tán thưởng tên đạo sĩ nọ.

Nhưng, các nhà khoa học ở thời hiện đại đã chứng minh, thực tế, trận nắng nóng khủng khiếp năm đó chỉ là sự tự điều chỉnh nhiệt độ của trái đất, là 1 hiện tượng thời tiết rất bình thường. Nhưng ở thời phong kiến, kiến thức về khí tượng thủy văn của con người lại thiếu hụt rất nhiều. Do đó, những niềm tin về nỗi sợ của con người trong thời đại ấy vô hình chung đã trở thành "miếng mồi béo bở" cho những tên lừa đảo có cơ hội lợi dụng.

PV (Theo Pháp luật và Bạn đọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem