Đậu tương Hoa Kỳ rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc

14/02/2021 06:29 GMT+7
Sự chậm trễ trong thu hoạch ở Brazil, nước sản xuất đậu tương hàng đầu thế giới, đang khiến các nước nhập khẩu, dẫn đầu là Trung Quốc xoay sang Hoa Kỳ.
Đậu tương Hoa Kỳ rộng đường xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Một công nhân kiểm tra đậu tương trong vụ thu hoạch gần thị trấn Campos Lindos, Brazil, ngày 18/2/2018. Ảnh: Reuters.

Nhu cầu ổn định đối với đậu tương của Mỹ đang thúc đẩy sự sụt giảm lịch sử đối với nguồn cung hạt có dầu của nước này và có thể tiếp tục đẩy giá đậu tương lên cao.

Lo ngại về nguồn cung đậu tương toàn cầu thắt chặt sau khi Trung Quốc tăng mạnh mua trong những tháng gần đây, khiến giá đậu tương kỳ hạn của Mỹ tăng 4,5% trong tháng trước - lên mức cao nhất trong 6,5 năm qua.

Brazil thường thu hoạch đậu tương trong ba tháng đầu năm, chấm dứt sự thống trị nguồn hàng xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, quá trình thu hoạch của Brazil đã bị trì hoãn do hạn hán năm 2020 làm chậm việc trồng cây, chưa kể còn có mưa vào thời điểm thu hoạch.

Dữ liệu thương mại của Brazil cho thấy các lô hàng đậu tương của nước này trong tháng 1 thấp hơn 28 lần so với một năm trước đó (ở mức 49.500 tấn), khối lượng không đủ để chất đầy một tàu chở hàng.

Ngược lại, Hoa Kỳ, đối thủ lớn nhất của Brazil trên thị trường toàn cầu, đã xuất khoảng 8,9 triệu tấn đậu tương trong tháng, mức cao kỷ lục, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).

Anec, một nhóm Brazil đại diện cho các nhà xuất khẩu ngũ cốc như Cargill và Bunge, xác nhận tình trạng thiếu hụt hiện tại ở Brazil có thể mang lại lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh.

“Chúng tôi cho rằng điều này đang xảy ra”, Giám đốc Anec Sergio Mendes cho biết qua điện thoại, đồng thời cho biết thêm nguồn cung đậu tương thấp của Brazil đang kéo dài thời gian xuất khẩu của Mỹ.

Trong tháng 2, các lô hàng đậu tương Brazil có thể chỉ đạt 6 triệu tấn, giảm so với 8,5 triệu tấn dự kiến ban đầu, Anec cho biết.

Nguồn cung của Brazil dự kiến sẽ bình thường trở lại vào tháng 3, một thương nhân lớn nói với Reuters.

Điều đó có thể gây ra sự hỗn loạn tại các cảng của Brazil, vì vào tháng 3 và tháng 4, đậu tương sẽ phải cạnh tranh với đường do khả năng bốc hàng hữu hạn.

Nói với điều kiện giấu tên, thương nhân cho biết họ đang khai thác các nhà cung cấp ngũ cốc ở Hoa Kỳ và Argentina. Phần lớn gánh nặng sẽ đổ lên vai Hoa Kỳ, vì vụ thu hoạch đậu tương của Argentina phải đến tháng 3 mới bắt đầu.

Các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, đã tăng cường mua ngũ cốc và hạt có dầu trong thời gian đại dịch để đề phòng gián đoạn vận chuyển hoặc tăng giá thêm đối với các mặt hàng nông sản.

Trung Quốc mua ngũ cốc và hạt có dầu từ Nam và Bắc Mỹ để làm thức ăn chăn nuôi. Hiện nước này đang xây dựng lại đàn lợn sau khi dịch bệnh làm lợn chết hàng triệu con.

Gần 5,6 triệu tấn được chuyển đến Trung Quốc từ các cảng của Mỹ vào tháng trước là các chuyến hàng có khối lượng đậu tương lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ tới thị trường tỷ dân.

Dữ liệu của USDA cho thấy các lô hàng trong tháng 1 tới các nước mua đậu tương hàng đầu khác của Mỹ là Mexico và Ai Cập cũng là những lô hàng lớn nhất được ghi nhận.

Dự trữ đậu tương của Mỹ dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm ngay trước khi vụ thu hoạch ở Bắc bán cầu diễn ra vào tháng 9.

Tại thời điểm đó, nước này dự kiến sẽ chỉ có nguồn cung đậu tương đủ xuất trong 9,5 ngày, mức thấp kỷ lục và giảm mạnh so với nguồn cung 7 tuần được giữ vào cùng thời điểm năm ngoái, theo phân tích của Reuters về dữ liệu của USDA.

Bất chấp việc thu hoạch bị trì hoãn, Brazil, quốc gia bán phần lớn đậu tương cho Trung Quốc, đã sẵn sàng thu hoạch vụ mùa kỷ lục 133 triệu tấn trong những tháng tới.

Với việc bất kỳ sự thiếu hụt nào do khởi đầu thu hoạch vụ mùa chậm chạp của Brazil sẽ được bù đắp vào ngày 1/9, USDA trong tuần này đã giữ nguyên dự báo năm 2020/21 đối với xuất khẩu của Brazil, đồng thời nâng dự báo xuất khẩu đậu tương của Mỹ thêm 550.000 tấn.

Tuy nhiên, với nhu cầu mạnh mẽ và sự không chắc chắn xung quanh các vấn đề hậu cần tại các cảng, vẫn chưa rõ liệu điều đó có làm giảm áp lực tăng giá hay không, theo các nhà phân tích và thương nhân.

Hương Lan
Cùng chuyên mục