Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô: Chú trọng phát triển các đô thị vệ tinh

Thái Nguyễn Thứ năm, ngày 02/05/2024 18:30 PM (GMT+7)
Việc điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa là thời cơ nhưng cũng là thách thức đối với công tác quy hoạch cho phát triển đô thị Thủ đô. Trong đó, chuyên gia nhận định Hà Nội cần chú trọng phát triển 5 đô thị vệ tinh góp phần tạo nên diện mạo mới về không gian đô thị.
Bình luận 0

Cần thiết điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô

Hiện nay, thành phố Hà Nội đang triển khai song hành lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo các quy định trong Luật Quy hoạch năm 2017 và điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Cùng với đó là việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2013 để trình Quốc hội trong năm 2024. Đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức đối với công tác quy hoạch cho phát triển đô thị Thủ đô. Quá trình phát triển vừa qua đạt được nhiều kết quả, song cũng bộc lộ một số hạn chế, thách thức liên quan đến quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, là công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch phát triển Thủ đô. Trên cơ sở đó, Hà Nội đã lập và phê duyệt các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, các huyện ngoại thành, quy hoạch phân khu các khu vực thuộc đô thị trung tâm theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014.

Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, một số quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và hoạt động quy hoạch nói chung đã sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới như Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch 2017. Bên cạnh đó, một số nội dung chưa được đề cập tại Quy hoạch chung năm 2011, song nay đang trở thành xu hướng quan trọng trong phát triển đô thị (chuyển đổi xanh; chuyển đổi số; tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; đô thị thông minh...). Do đó, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là đặc biệt cần thiết.

Phạm vi, ranh giới và quy mô nghiên cứu là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, diện tích khoảng 3.359,84 km2. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội nhằm hiện thực hóa chủ trương, định hướng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô: Chú trọng phát triển các đô thị vệ tinh- Ảnh 1.

Quy hoạch Hà Nội cần xây dựng trục sông Hồng là trung tâm hội tụ (Ảnh: TN)

Bên cạnh đó, điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội còn nhằm kế thừa mô hình cấu trúc phát triển, các định hướng chiến lược của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg; rà soát điều chỉnh các giải pháp quy hoạch để phù hợp với điều kiện thực tế, bối cảnh phát triển mới và điều chỉnh các tồn tại bất cập của quy hoạch chung trong quá trình triển khai giai đoạn vừa qua.

Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm động lực phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia; xây dựng trục sông Hồng là trung tâm hội tụ, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa Đồng bằng sông Hồng; mô hình thành phố trong Thủ đô; sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam; phát triển đô thị theo mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), cải tạo và tái thiết đô thị; xây dựng hành lang xanh...

Đồ án cũng đưa ra mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô Hà Nội; định hướng phát triển không gian; định hướng phân bổ đất đai và dân số; định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và định hướng điều chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô chú trọng phát triển 5 đô thị vệ tinh

Nhiều chuyên gia nhận định quy hoạch chính là "điểm nghẽn" trong phát triển kinh tế Thủ đô, trong đó, quy hoạch về xây dựng, giao thông,... gây cản trở không nhỏ trong việc phát triển chung của Hà Nội. Bên cạnh đó, sông Hồng đáng ra phải là nơi hấp dẫn, phát triển sầm uất nhất của Hà Nội nhưng chưa được quy hoạch, hiện đang tập trung những vấn đề bức xúc, mất an toàn, phát triển lộn xộn hai bên bờ sông, không chỉ lãng phí nguồn lực đất vàng mà đang làm mất đi vẻ đẹp của Thủ đô.

Do đó, để đột phá trong quy hoạch chung Thủ đô trước hết phải hướng đúng vào các điểm nghẽn và giải quyết, nếu không thì Hà Nội sẽ tiếp tục “giậm chân tại chỗ”. Trong đó, quy hoạch xác định cấu trúc không gian phát triển bao gồm: 5 không gian phát triển; 5 hành lang và vành đai kinh tế; 5 trục động lực; 5 vùng kinh tế, xã hội; 5 vùng đô thị. Cùng với TP. HCM, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, đóng vai trò trọng yếu trong tam giác động lực của vùng đồng bằng sông Hồng (Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh-Thanh Hóa).

Để tổ chức triển khai hiệu quả quy hoạch, 7 nhóm giải pháp trọng tâm được đề xuất thực hiện và là tiền để xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai. Trong đó, huy động và sử dụng nguồn lực; phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển vùng; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết, nhiệm vụ quy hoạch nêu rõ “Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh...”. Các đô thị vệ tinh có liên kết với trung tâm, song có chức năng hoạt động độc lập, kết nối yếu tố tự nhiên và giữ gìn văn hóa truyền thống, làng nghề truyền thống, tạo nên không gian xanh, không gian sinh thái.

Các đô thị vệ tinh còn là các khu vực tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, sáng tạo, thích ứng với giai đoạn dân số vàng và cả dân số già hóa. Do đó, Hà Nội cần chú trọng phát triển 5 đô thị vệ tinh: đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Phú Xuyên, Xuân Mai, Sóc Sơn. Ngoài 5 đô thị vệ tinh nói trên, còn có khả năng phát triển các thị trấn sinh thái từ hơn 10 thị trấn đã hình thành (Tây Đằng, Kim Bài, Vân Đình, Chúc Sơn...) và hơn 10 thị trấn mới, góp phần tạo nên diện mạo mới về không gian đô thị.

Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô: Chú trọng phát triển các đô thị vệ tinh- Ảnh 2.

Quy hoạch chung Thủ đô cần chú trọng phát triển 5 đô thị vệ tinh (Ảnh: TN)

"Quá trình phát triển hệ thống đô thị của Hà Nội không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thủ đô mà còn cả với vùng, tạo điều kiện để thành phố hội nhập quốc tế và phát triển ngang tầm thủ đô của các nước phát triển trong khu vực. Ngoài ra, cần quan tâm đến dự báo và phân bố dân số. Tính toán dân số, phân bố dân số trong quy hoạch cần phải được xem xét, phân tích từ dự báo phát triển ngành, lĩnh vực, từ mô hình tổ chức không gian đô thị", ông Nghiêm nhận định.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được UBND thành phố dành nhiều quan tâm, chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt và được đơn vị tư vấn phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện rất công phu, bám sát Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

"Để nâng cao hơn nữa chất lượng hồ sơ Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, đề nghị UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo đơn vị tư vấn tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện, ủy viên Hội đồng, đảm bảo việc điều chỉnh quy hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế của Quy hoạch chung năm 2011; cụ thể hóa những chủ trương chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị trong định hướng phát triển Thủ đô; thể hiện rõ các kịch bản phát triển; rà soát, đánh giá đầy đủ hiện trạng, đặc biệt là hiện trạng sử dụng đất; đánh giá việc thực hiện Quy hoạch chung năm 2011 trong triển khai đầu tư phát triển đô thị trong thời gian qua", Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị.

Tại cuộc họp báo cáo điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội ngày 9/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, quy hoạch nên dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, cần chứng minh tầm nhìn của yêu cầu quy hoạch, “nhìn rõ đến đâu thì xác định đến đó, cân nhắc và tính toán kỹ”. Quá trình lập quy hoạch cần bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trên cơ sở đánh giá chính xác thực trạng, bối cảnh để tính toán dự báo, đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

Bên cạnh đó, quy hoạch phải xem xét, nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, báo cáo cấp thẩm quyền, xin chủ trương, kiến nghị hướng xử lý đối với những vấn đề mới đặt ra như trong thành phố có rừng, thành phố trong rừng…; xây dựng tiêu chí cụ thể về văn hóa, dịch vụ, hạ tầng, quy tắc ứng xử công cộng, môi trường… để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Hà Nội là thành phố của hòa bình, xanh, đáng đến và đáng sống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem