Dưới triều Tự Đức, kẻ trộm tấn công lại chủ nhà bị xử ra sao?

Võ Thạnh Thứ hai, ngày 17/01/2022 18:31 PM (GMT+7)
Chém đầu, treo cổ... là những hình phạt dành cho kẻ trộm ngang nhiên tấn công lại chủ nhà, hay tái phạm tới lần thứ 3.
Bình luận 0

Sách Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ ghi chép, năm 1856 vua Tự Đức quy định: Kẻ trộm khi bị chủ nhà phát giác mà cầm dao đâm, đánh lại gây thương tích thì bị xử tội trảm giam hậu (giam chờ ngày chém đầu), đồng phạm bị đưa ra biên ải sung quân. 

Dưới triều Tự Đức, kẻ trộm tấn công lại chủ nhà bị xử ra sao? - Ảnh 1.

Tranh vẽ một vụ xử án dưới triều Nguyễn.

Nếu đánh trả mà không gây thương tích, kẻ gian bị đưa ra biên ải sung quân.

Nếu vì giải cứu cho đồng phạm mà làm người khác bị thương, kẻ trộm sẽ bị xử giảo giam hậu (giam chờ ngày treo cổ). Trường hợp nạn nhân bị thương nhẹ nhưng không phải do hung khí gây ra, người trực tiếp gây án bị phạt đánh 70 trượng, tòng phạm xử 60 trượng.

Vào năm 1857, vua Tự Đức lại bổ sung thêm các quy định về việc xử phạt các băng đảng trộm cướp có tổ chức. Sách Khâm định Đại nam Hội điển sự lệ ghi lại rằng, những án cường đạo, đốt nhà, giết người hoặc cầm khí giới công nhiên cướp bóc nhưng có tổ chức từ 10 tên trở lên, bất luận số tang vật nhiều hay ít, kẻ trực tiếp gây án đều bị chém đầu bêu lên. 

Kẻ tòng phạm nếu bị xác định đây là lần thứ 3 ăn cướp thì bị trảm quyết (chém đầu ngay), nếu 2 lần thì bị trảm giam hậu (giam chờ ngày chém đầu). 

Với đám cướp từ 10 người trở xuống, nếu thủ phạm và tên tòng phạm đã đi ăn cướp 3 lần thì xử tội trảm giam hậu. Nếu chỉ cướp của không đánh người bị thương thì thủ phạm bị xử sung quân, tòng phạm có chia tang vật thì xử tội mãn trượng đồ (đánh 100 gậy và lưu đày), không được chia tang vật thì phạt 90 trượng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem