dd/mm/yyyy

Gà Mía đặc sản vẫn đầy chuồng, thương lái bặt tăm

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá gà thịt trước và sau Tết Nguyên đán luôn ở ngưỡng thấp khiến người chăn nuôi đứng ngồi không yên.

Thậm chí, sau tết, giá gà mía – giống gà đặc sản có xuất xứ ở Đường Lâm (Sơn Tây) bị giảm đến vài giá, trong khi giá cám tăng cao, buộc người dân phải cắt giảm khẩu phần ăn cho đàn gà.

Người chăn nuôi điêu đứng vì dịch lẫn giá

Ghi nhận những khó khăn trong khâu tiêu thụ gà sau Tết Nguyên đán, phóng viên Báo NTNN đã đến 2 vùng chăn nuôi gà lớn nhất của Hà Nội, là huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây. 

Thực tế cho thấy, số lượng gà đến tuổi xuất bán tại nhiều trang trại vẫn còn tồn khá lớn. 

Nguyên nhân chủ yếu là do giá gà thịt xuống thấp nên một số trang trại giữ lại đàn gà để bán sau tết, với hy vọng giá nhích lên để gỡ gạc vốn bỏ ra. Ai ngờ sau tết, giá gà không tăng mà còn giảm sâu hơn.

Gà mía đầy chuồng, thương  lái bặt tăm - Ảnh 1.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình ông Chu Văn Úy vẫn còn 1.000 con gà chưa thể tiêu thụ. Ảnh: M.N

Ông Nguyễn Quốc Quân - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà mía Sơn Tây cho hay, gia đình ông cũng nuôi 500 con gà trống thiến để bán tết, giá từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, gà trọng lượng từ 2,7 - 3,2kg/con. Gà trống thiến được nuôi, chăm sóc đặc biệt nên có giá cao. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các đơn hàng mua gà trống thiến biếu tết từ Quảng Ninh đều bị hủy, hiện trong chuồng vẫn còn tồn hơn 200 con.

Trong những năm qua, Thụy An được đánh giá là một trong những xã trọng điểm về chăn nuôi gà của huyện Ba Vì. Vừa vào đầu xã, chúng tôi đã nghe thấy tiếng gà kêu rộn ràng cả một vùng thôn quê, nhưng tâm trạng của người nuôi gà thì rầu rĩ hơn bao giờ hết.

Thức dậy từ sớm, ông Chu Văn Úy (thôn Yên Khoái, xã Thụy An) đang đổ từng bao cám vào xô, rồi đổ tiếp vào từng máng ăn cho đàn gà hơn 1.000 con. 

Trước tết, ông Úy đã xuất bán 3 tấn gà mía với giá 75.000 đồng/kg. Còn đàn gà 1.000 con này, mãi không có thương lái hỏi mua. Hiện, giá gà xuống chỉ còn 68.000 đồng/kg. 

Ông Úy cho biết: "Năm nay giá gà thịt rẻ quá, gà còn đầy chuồng mà thương lái chẳng thèm đoái hoài, hỏi mua bán gì cả".

Ngồi trong nhà tiếp chúng tôi, ông Úy cầm điếu cày rít một hơi rồi hướng mắt ra phía đàn gà đang đuổi nhau chí chóe trong vườn, nói: "Tôi chăn nuôi gà cả chục năm nay nhưng chưa khi nào giá cả lại bấp bênh như hiện tại. Vừa bán lứa gà trước tết, tiền cầm chưa nóng tay đã phải mang đi trả nợ cho đại lý cám 950 triệu đồng. Giá gà thấp, trong khi giá cám vẫn cao quá".

Nhớ lại thời điểm cuối năm 2019 khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, ông Úy không khỏi chán nản khi giá gà lên xuống như biểu đồ hình sin. Có thời điểm giá gà nhích lên một chút, nhưng cũng chẳng được bao lâu thì lại giảm, khiến người nuôi gà ở Thụy An thấp thỏm, mất ăn mất ngủ.

Gà mía đầy chuồng, thương  lái bặt tăm - Ảnh 3.

Lượng gà trong chuồng của người nuôi vẫn còn tồn khá nhiều do vắng thương lái thu mua. 

Hàng ngày, ông Uý vẫn phải dậy từ sớm để chuẩn bị thức ăn, nước uống cho đàn gà. Buổi tối, ông ngủ lại trang trại để trông coi. Công sức bỏ ra nhiều nhưng không lời lãi gì mà còn phải bù lỗ.

Ông Úy ao ước về thời gian cách đây 3 năm. Lúc ấy, giá gà mía Sơn Tây xuất bán luôn đạt trên 100.000 đồng/kg, người đến hỏi mua nhiều đến mức ông không nhớ mặt, nhớ tên.

Chạy chợ để có thêm thu nhập

11 giờ trưa, chị Phạm Thị Thiêm (ở thôn Yên Khoái, xã Thụy An) cũng vừa về đến cổng. Thấy chúng tôi, chị Thiêm nhanh nhảu hỏi: Các anh đến mua gà phải không? Khi biết chúng tôi là phóng viên, chị Thiêm buồn bã: "Giá gà năm nay thấp lắm. Nuôi gà gần 10 năm rồi nhưng tôi chưa thấy năm nào lại chán như cái năm nay".

Là hộ gia đình được coi là chăn nuôi lớn ở thôn Yên Khoái với đàn gà trên 7.000 con, trước Tết Nguyên đán trang trại của chị Thiêm xuất bán được hơn 10 tấn gà với giá 65.000 đồng/kg. Hiện trong chuồng nhà chị còn 2.000 con gà thịt nữa chưa bán được.

May mắn hơn ông Úy và chị Thiêm, trước Tết Nguyên đán ông Hà Văn Chiến (ở thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, Sơn Tây) đã bán được 7 tấn gà Mía với giá 85.000 đồng/kg.

Ông Chiến nói: "Mỗi năm gia đình tôi nuôi từ 5.000-7.000 con gà mía. Gà Mía được nuôi ở đất Đường Lâm lúc nào cũng bán được giá cao hơn vài giá so với các vùng khác. Do là giống gà đặc sản nên thịt gà ăn thơm ngon, săn chắc, thương lái đều thích mua gà ở đây".

Mặc dù vậy, chưa khi nào ông Chiến chứng kiến giống gà đặc sản tiến vua này lại có giá thấp như hiện tại. Thời điểm giáp tết âm lịch 2019, ông vẫn bán được gà với giá 130.000 đồng/kg, nhưng nay chỉ dao động trên dưới 70.000 đồng/kg.

"Với mức giá này, người nuôi gần như không có lãi. Những hộ bị hao hụt, quản lý kém còn phải bù lỗ" - ông Chiến than thở.

Hiện ở trang trại của gia đình mình, ông Chiến đã bán hết được gà thịt, còn khoảng 3.000 con gà đẻ. 

"Cũng phải nghe ngóng xem tình hình dịch Covid-19 diễn biến thế nào mới dám tái đàn tiếp. Dịch được kiểm soát thì thị trường tiêu thụ gà mới chạy được, người nuôi cũng đỡ vất vả" - ông Chiến chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Quốc Quân - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà mía Sơn Tây cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, người chăn nuôi gà ở Sơn Tây gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá gà thịt giảm nhưng giá cám từng ngày tăng cao, càng nuôi càng lỗ khiến người dân vô cùng chán nản.

Hiện nay, Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà mía Sơn Tây có 36 thành viên, tổng đàn gà duy trì thường xuyên trên 10 vạn con. Trong đó, chủ yếu là các hộ cung cấp gà giống, một số ít hộ chăn nuôi gà thịt.

Minh Ngọc