HĐND TP.HCM thông qua đề án chính quyền đô thị

Thứ sáu, ngày 27/09/2013 13:42 PM (GMT+7)
Kết thúc kỳ họp thứ 11 Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa VIII vào sáng 27.9, các đại biểu đã nhất trí thông qua nội dung dự thảo nghị quyết về Đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM.
Bình luận 0
Tuy nhiên, cũng còn một số băn khoăn mà thành phố cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp trước khi trình Chính phủ.

Phân cấp mạnh, giảm “trung gian”

Tiếp tục góp ý trước khi thông qua đề án tại kỳ họp, đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng khi áp dụng mô hình phân cấp mạnh về tài chính, ngân sách, phải chứng minh được với Trung ương các khoản thu, đóng góp vào ngân sách quốc gia của thành phố còn cao hơn hiện tại. Từ đó bảo đảm các khoản tái phân bổ lại cho thành phố cũng nhiều hơn.

“Khi phân cấp tốt, sẽ tạo ra được các quy chuẩn khác nhau về đầu tư cơ sở hạ tầng cho từng vùng đô thị hay nông thôn. Thành phố cũng chủ động được biên chế nhân sự. Nếu như hiện nay còn phụ thuộc, kiêm nhiệm, sẽ không hiệu quả trong quản lý”, bà Châu nói.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh Quốc Ngọc
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh Quốc Ngọc

Liên quan đến vấn đề nhân sự, đại biểu Nguyễn Quý Hòa cũng nêu băn khoăn về khâu chuẩn bị nguồn lực để thực thi đề án. Bởi ông Hòa cho rằng, kế hoạch đào tạo, huấn luyện nguồn nhân sự cho mô hình mới chắc chắn sẽ rất mới, khó và chưa có tiền lệ.

Theo ông Từ Minh Thiện, mô hình chính quyền đô thị phải tạo được cơ chế bố trí nhân sự dựa trên năng lực chuyên môn là tiên quyết. Cũng theo ông Thiện, hiện đề án chưa cho thấy tính chủ động trong các quyết định của HĐND các cấp.

Đại biểu Huỳnh Công Hùng yêu cầu mô hình mới cần hạn chế tối đa các khâu “trung gian” giữa chính quyền và người dân, để phục vụ dân tốt hơn. Tổ chức hoạt động giám sát của HĐND các cấp sẽ hiệu quả hơn khi giảm bớt “trung gian” và sự tham gia của người dân càng cao thì tính khả thi của đề án càng lớn.

Không hoàn toàn thống nhất ý kiến về đề án

Đa số các đại biểu đồng ý mô hình chính quyền đô thị hai cấp bảo đảm nâng cao tính tự chủ, phân cấp. Ông Lâm Thiếu Quân việc áp dụng chính quyền 2 cấp tại 4 thành phố vệ tinh và các huyện nông thôn phù hợp với xu thế phát triển.

Tuy nhiên, ông Quân tỏ ra băn khoăn về mô hình chính quyền 1 cấp của 13 quận huyện thuộc thành phố trung tâm. Nếu xây dựng như thế, tức là vẫn duy trì khoảng cách trong việc giám sát của HĐND thành phố UBND QH hiện nay.
Tân Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tân Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Quân đề nghị chia 13 quận huyện này ra làm 3 thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định thuộc thành phố trung tâm để áp dụng mô hình chính quyền 2 cấp nhằm quản lý tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM - thừa nhận các đại biểu đã có nhiều ý kiến phân tích xác đáng, làm rõ thêm cho đề án và cũng không phải hoàn toàn thống nhất ý kiến về đề án.

Tuy nhiên, viêc thông qua nghị quyết đề án đã được các đại biểu biểu quyết 100% trên tinh thần UBND TP.HCM tiếp thu các đề xuất, phù hợp để hoàn chỉnh đề án trình Chính phủ.

Từ ý kiến của đại biểu, bà Tâm lưu ý ban biên tập đề án cần gắn lý luận với thực tiễn khi xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Tránh làm xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, sao cho khi triển khai sẽ có một mô hình chính quyền phù hợp với xu thế phát triển của thành phố.

Mặt khác, cần có lộ trình khẩn trương xây dựng đội ngũ nhân sự, đáp ứng vận hành tốt khi đề án được triển khai. Trong quá trình tổ chức thực hiện, phải cân nhắc các bước đi hợp lý để vận động nhân dân ủng hộ.

Ông Lê Thanh Liêm được bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Ngoài việc góp ý và thông qua đề án thí điểm chính quyền đô thị, tại kỳ họp thứ 11 ngày 27.9, các đại biểu HĐND TP.HCM khóa VIII đã tiến hành bỏ phiếu bầu bổ sung ông Lê Thanh Liêm - Thành ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011 - 2016, thay thế ông Lê Minh Trí đã nhận công tác khác tại Trung ương.

Kết quả bỏ phiếu với 77/94 đại biểu hiện diện, số phiếu bầu được phát ra là 77 và thu vào 77, không có phiếu bất hợp lệ. Ông Liêm đạt 72/77 phiếu tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (đạt 76,59% tổng số đại biểu). Từ kết quả này, UBND TP.HCM đã ra quyết định trình Chính phủ phê chuẩn.

Trước đó, các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua đơn xin từ nhiệm và nghị quyết miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP.HCM của ông Lê Minh Trí. Ông Trí đã được điều động giữ chức Phó trưởng ban nội chính Trung ương từ tháng 4.2013.

Quốc Ngọc (Quốc Ngọc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem