Hơn 1.000 cán bộ dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội sẽ giải quyết thế nào?

Bách Thuận Thứ năm, ngày 25/04/2024 12:27 PM (GMT+7)
Hà Nội có hơn 1.000 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh đã có những chia sẻ liên quan vấn đề này.
Bình luận 0

Sáng 25/4, sau khi UBND TP.Hà Nội thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2024, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh đã trao đổi với báo chí để làm rõ thêm một số vấn đề trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm do sắp xếp là 61 đơn vị, gồm 46 xã, 15 phường tại 20 quận, huyện, thị xã.

"Ban Cán sự đảng UBND TP đã có tờ trình báo cáo Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, trong đó nêu rõ công tác này hiện đã đạt được sự đồng thuận rất cao của cử tri và nhân dân; HĐND cấp xã và cấp huyện đã thông qua", ông Cảnh nhấn mạnh.

Thời gian tới, Sở Nội vụ Hà Nội này sẽ tham mưu Ban Cán sự đảng UBND TP trình Thường trực Thành ủy nội dung này với một số mục tiêu, quan điểm. Trong đó, đề nghị Thường trực Thành ủy thống nhất, phê duyệt danh sách các đơn vị thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Hơn 1.000 cán bộ dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội sẽ giải quyết thế nào?- Ảnh 1.

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, với các cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính, trước mắt TP.Hà Nội hợp nhất nguyên trạng bộ máy. Ảnh: TP.HN

"Sau khi trình đề án lên Chính phủ, Bộ Nội vụ phê duyệt, thành phố sẽ tập trung quyết liệt để thực hiện công tác này; trong đó, sắp xếp về tổ chức, bộ máy, cán bộ, công chức để bộ máy chính quyền tại các xã, phường, thị trấn; tạo thuận lợi nhất cho hoạt động của nhân dân trong giao dịch, giải quyết các thủ tục hành chính cũng như thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.

Sau đó, thành phố sẽ thực hiện công tác quy hoạch, phê duyệt quy hoạch các đồ án quy hoạch cấp huyện, quy hoạch cấp xã để khai thác, phát huy tối đa các trụ sở, các cơ sở trường học, y tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm các đơn vị thực hiện sắp xếp khai thác tối đa các tài sản công, phục vụ cho phát triển bền vững, lâu dài", ông Cảnh thông tin.

Đối với đội ngũ cán bộ, công chức sau khi hợp nhất các đơn vị hành chính, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, Sở đang thực hiện đồng bộ công việc này. Trước mắt, thành phố hợp nhất nguyên trạng bộ máy.

"Tất cả cán bộ, công chức của các lĩnh vực tại các đơn vị thuộc địa phương sáp nhập đơn vị hành chính được giữ nguyên, hoạt động ổn định nhằm mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến tâm tư, giải quyết kịp thời nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động trong giai đoạn này.

Sau đó, với cán bộ đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, thành phố cho nghỉ chế độ theo quy định của pháp luật. Cán bộ có nguyện vọng nghỉ công tác, chuyển công tác được giải quyết kịp thời. Đồng thời, thành phố sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa giới hành chính", ông Cảnh nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ Hà Nội, số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư (bao gồm cán bộ cấp xã, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã) sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP.Hà Nội là 1.031 người.

Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của TP.Hà Nội có hiệu lực thi hành. Trường hợp đặc biệt, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem