HOT HOT HOT:

Lai rai “làng... phố”

31/12/2016 15:20 GMT+7
Từ bao đời nay, hình ảnh làng quê Việt Nam luôn gắn với cây đa, bến nước, con đò, lũy tre xanh, con đường nhỏ... Môi trường sống hòa quyện giữa con người với thiên nhiên ấy đã tạo nên một không gian văn hóa rất đặc trưng mà mỗi khi nhắc đến, những người đi xa chỉ còn biết rưng rưng vì nhớ.

Ấy vậy mà cái hình ảnh làng quê trải qua hàng ngàn năm chẳng hề suy suyển, thì nay chỉ cần vài chục năm kinh tế thị trường, diện mạo đã thay đổi chóng mặt.
Chỉ cần cách một vài năm mới về thì làng cũng kịp khiến ta ngã ngửa. Không còn những mái ngói rêu phong cổ kính, thay vào đó là những ngôi nhà mái Thái xanh đỏ tím vàng hệt như quảng cáo ti vi, cứ vài hôm lại mọc lên một cái và cái sau cao hơn cái trước. Con đường làng dù vẫn còn phảng phất nét quanh co, nhưng mặt đường đã được trải nhựa hoặc bê tông bóng bẩy. Những bờ tre cây duối xanh mướt một cách mềm yếu đã không còn được người làng trọng dụng, thay vào đó là những bức tường bê tông cao quá đầu người với những mũi chông sắt đâm lên sắc lạnh. Nhà nhà cao cổng kín tường, tối lửa tắt đèn xóm giềng có muốn cũng chả dám sang nhau.
Nếu hỏi rằng “hình ảnh đặc trưng của làng bây giờ là gì?” thì bất cứ ai cũng có thể trả lời thật nhanh: Bê tông. Chương trình hiện đại hóa nông thôn khiến bê tông tràn về mọi ngóc ngách. Làng thì có bê tông đường xá, bê tông kênh mương, bê tông cả bờ ruộng. Nhà thì bê tông mái, bê tông sân, bê tông cổng, bê tông tường rào, bê tông ngõ vào, bê tông cả bờ ao, và có khi cả chỗ trồng rau nếu bê tông được chắc người ta cũng đổ bê tông nốt. Hình như người ta muốn chọn bê tông làm biểu tượng cho sự khá giả?
Đi trên con đường bê tông thì đúng là sướng thật. Nếu so với lúc đi đường đất đá ngày xưa thì chẳng khác nào đem cơm khoai so với đặc sản nhà hàng. Thế nhưng, nhìn mặt đường bê tông được đổ ra tận mép sông, lòng bâng khuâng tự hỏi: liệu đất còn chỗ nào để thở? Đường làng xưa tuy nhỏ và chỉ đổ nề ở giữa, nhưng hai bên luôn có thảm cỏ xanh mướt chạy dọc suốt con đường. Giờ con đường chỉ toàn bê tông bỏng rát đặt mình cạnh con sông đang âm thầm sủi bọt.
Sông ở làng xét về độ đen tuy chưa thể sánh vai với sông trên phố, nhưng cũng đủ khiến lũ cá tôm nhanh chóng bị... vô sinh. Cùng với việc lấp gần hết hồ ao, ruộng đồng kênh mương sặc mùi hóa chất... đã khiến cho những con ốc con cua nghiễm nhiên trở thành đặc sản ngay chốn làng quê. Và câu hát “con sông tôi tắm mát...” chỉ còn trong dĩ vãng.
Nhiều thứ mất đi nhanh quá, người làng biết nhưng chấp nhận vì mục tiêu... tăng trưởng. Thực ra ở cái vùng quê lúa này chả có ngành kinh tế nào ra hồn cả. Người làng phải tủa đi tứ xứ làm ăn, chứ cứ ở làng trông vào vài sào đất thì chết đói. Người học cao thì lên phố “thoát ly” đã đành, người học ít thì cũng phải lên phố làm phu hồ, làm ô sin, bán hàng rong... cứ thế họ chắt bóp tích cóp tiền gửi về quê, một phần nuôi con ăn học, phần còn lại để xây “nhà phố”. Ngoài ra, một nguồn vốn quan trọng khác đổ vào bất động sản của làng đó là kiều hối. Việt kiều của làng thì nhiều vô kể, và đa dạng vô cùng. Có làng thống kê cho thấy cứ cách 1 nhà lại có 1 người đi xuất khẩu lao động. Người làng cho rằng nhà không chỉ là nơi ở, mà còn là thứ thể hiện đẳng cấp. Người đi lao động Hàn Quốc dứt khoát phải xây nhà to hơn người đi Libya, và nhà có con gái lấy Việt kiều Mỹ thì tư gia buộc phải lộng lẫy hơn nhà người lấy chồng Đài Loan... tất cả đều có thứ hạng và trật tự.
Người làng cảm thấy hãnh diện lắm, vì làng mình giờ chả kém phố là bao. Ừ thì cũng nhà tầng, vila, biệt thự, cũng karaoke, cũng quán hàng xanh đỏ lập lòe, và đặc biệt còn có cả những... con nghiện. Làng bây giờ không còn là làng quê cổ hủ, mà là làng... phố hẳn hoi, tuy vẫn gọi là làng nhưng đẳng cấp thì như phố. “Làng phố” của mình khác hẳn với “phố làng”, tức là những nơi mới được đô thị hóa gọi là phố, nhưng bộ mặt vẫn như làng...
Thì ra, trong thâm tâm những người ở làng luôn muốn làm cho làng mình giống phố hơn là muốn gìn giữ cho làng mang chất làng. Để cho giống phố, người ta sẵn sàng chặt cây đa vài trăm tuổi, phá đi ngôi nhà cổ mấy trăm năm, thêm vào đó là nhịn ăn nhịn mặc để xây ngôi nhà 3 tầng quay mặt ra đường... Trong khi người làng đang cố gắng xây dựng cho thật giống phố, thì đâu đó, những người con xa quê đang thèm khát môi trường thanh khiết của làng quê mà bao năm vẫn còn trong ký ức.
Hè này về quê sẽ lại thấy trong cái không khí oi nồng vì thiếu bóng cây xanh, đâu đó một cô gái mắt xanh môi đỏ tóc đủ màu cất giọng ca: “Người ơi, người ở đừng về”!

HienMQ