"Làn sóng" cầu thủ chuyên nghiệp bỏ ngang về đá phủi (Kỳ 2): Lựa chọn không hề ngẫu nhiên

Nguyễn Anh Thứ hai, ngày 06/05/2024 14:10 PM (GMT+7)
Trong quá khứ, bóng đá phủi là "trạm trung chuyển" và được coi là tuyến vệ tinh đưa những tài năng đến với sân chơi chuyên nghiệp. Nhưng giờ đây, đó lại là bến đỗ lý tưởng đối với nhiều "dân chuyên".
Bình luận 0

Vào ngày 2/5, Dân Việt đã có bài viết tổng quan nguồn thu nhập của các cầu thủ thuộc diện ngôi sao của bóng đá 7 người. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tiếp tục đi tìm hiểu về lý do đang có rất nhiều cầu thủ chuyên nghiệp bỏ ngang sự nghiệp về với sân phủi?

Làn sóng cầu thủ chuyên nghiệp bỏ ngang về đá phủi

"Làn sóng" cầu thủ chuyên nghiệp bỏ ngang về đá phủi (Kỳ 2): Lựa chọn không hề ngẫu nhiên- Ảnh 1.

Nguyễn Việt Phong là 1 tiền vệ tài năng ở sân chơi chuyên nghiệp. Ảnh: FBNV

Như đã nói ở bài viết trước, để thời điểm bóng đá sân 7 đang vươn mình phát triển mạnh mẽ như hiện tại, việc các cầu thủ chuyên nghiệp bị thu hút bởi những chế độ đãi ngộ tốt cùng sự thoải mái về mặt thời gian đang khiến họ phải nghĩ về sự đổi mới trên con đường sự nghiệp.

Ví dụ điển hình nhất là tiền vệ Nguyễn Việt Phong từng có thời gian khoác áo ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seovà từng vô địch V.League 2020 cùng CLB Viettel. Nhưng chỉ sau 2 năm, anh đã quyết định giải nghệ.

Ở tuổi 29, khi các đồng đội cùng trang lứa vẫn đang thi đấu đỉnh cao ở sân chơi chuyên nghiệp, Việt Phong lại chọn giã từ sự nghiệp để chuyển về đá phủi. Đây là một quyết định mang đến nhiều sự ngỡ ngàng, dù lúc đó có rất nhiều đội bóng tại V.League đã ngỏ ý mời tiền vệ sinh năm 1993 về chơi bóng.

"Làn sóng" cầu thủ chuyên nghiệp bỏ ngang về đá phủi (Kỳ 2): Lựa chọn không hề ngẫu nhiên- Ảnh 3.

Nguyễn Văn Hiếu trong màu áo ĐT futsal Việt Nam. Ảnh: VFF

Tiếp đến là trường hợp của tuyển thủ cầu thủ futsal Nguyễn Văn Hiếu, người từng vang danh với bàn thắng đẹp nhất tại Futsal World Cup 2021 và được đánh giá là 5 cầu thủ trẻ sáng giá tại FIFA Futsal World Cup 2021.

Tuy nhiên, khi đang ở thời kỳ đỉnh cao nhất trong sự nghiệp và không dính bất kỳ chấn thương nào, Nguyễn Văn Hiếu lại chọn giải nghệ độ tuổi 25 để về đá phủi. Quả thực, đây là một quyết định khá khó hiểu, nhưng thực tế thì nó có những nguyên nhân sâu xa mà ít được tiết lộ.

Tại sao dân chuyên chọn đá phủi?

"Làn sóng" cầu thủ chuyên nghiệp bỏ ngang về đá phủi (Kỳ 2): Lựa chọn không hề ngẫu nhiên- Ảnh 4.

Sân chơi 7 người được nhiều cầu thủ chuyên nghiệp lựa chọn. Ảnh: Vietfootball

Trong 1 buổi phỏng vấn của Dân Việt với trưởng đoàn futsal Việt Nam là ông Trần Anh Tú vào năm 2021, phóng viên đặt câu hỏi: "Ở Việt Nam hiện tại, bóng đá phủi đang được phủ sóng rất lớn trên cả nước, tạo thành một phong trào mạnh mẽ, điều đó khiến đa số người chơi chọn đá sân 7 và ngó lơ môn futsal 5 người?".

Ông Trần Anh Tú đã thẳng thắn bày tỏ: "Điều này rất dễ hiểu. Sân 5 người là môi trường chuyên nghiệp, còn sân 7 người là sân chơi phong trào. Và khi đã là phong trào thì mọi người chơi rất thoải mái, muốn chơi lúc nào giờ nào cũng được, không gò bó về thời gian và vẫn có thể đi làm một công việc bình thường.

Thậm chí, nhiều cầu thủ phủi chơi tốt còn có có mức thu nhập rất ổn. Còn với môi trường futsal, dù là sân chơi chuyên nghiệp, mức thu nhập của nhiều cầu thủ vẫn chưa đủ khả năng để họ nuôi gia đình.

Thêm nữa, đặc thù của futsal chuyên nghiệp là họ phải ăn ở tập trung để tập luyện hàng ngày, thay vì có thể đi làm công việc thường ngày rồi đến tối đi tập hay đến cuối tuần chơi giải như các cầu thủ phủi.

Đó là điều khiến rất nhiều cầu thủ phủi tài năng có thể trở thành một cầu thủ futsal chuyên nghiệp, nhưng chế tài và lương thưởng vẫn chưa đủ sức hút để lôi cuốn họ đến với con đường chuyên nghiệp".

"Làn sóng" cầu thủ chuyên nghiệp bỏ ngang về đá phủi (Kỳ 2): Lựa chọn không hề ngẫu nhiên- Ảnh 5.

Bóng đá sân 7 đang có sức hút cực lớn với người hâm mộ: ảnh Vietfootball

Rõ ràng, những chia sẻ của ông Trần Anh Tú rất thực tế và là lý do tại sao các cầu thủ chuyên nghiệp chọn đá phủi. Ở đó, họ được chơi với sự thoải mái, không gò bó về mặt thời gian và vẫn có 1 nguồn thu nhập tốt, thậm chí hơn cả dân chuyên.

Đó là câu chuyện của sân futsal 5 người. Còn ở sân 11 người, đây cũng là câu chuyện tương tự nhưng theo 1 khía cạnh khác. Các cầu thủ chuyên nghiệp sân 11 người chọn giải nghệ sớm hay bỏ ngang về đá phủi dù còn trẻ chắc chắn đều có lý do riêng.

Theo thông tin tìm hiểu từ Dân Việt, mặt bằng chung, cầu thủ trẻ từ 18 đến 23 tuổi tại sân chơi chuyên nghiệp mức thu nhập chỉ dừng ở con số 8 đến 15 triệu/ tháng. Con số này thua xa những ngôi sao tại sân phủi trong khi với cầu thủ chuyên nghiệp thì chỉ có duy nhất 1 nguồn thu nhập.

Bên cạnh đó, nhiều đội bóng gặp khó khăn còn nợ lương cầu thủ đến nửa năm trời còn chưa thanh toán. Điều này dẫn đến việc họ phải tự đi tìm sinh kế để duy trì cuộc sống và sân phủi là một bến đỗ đầy lý tưởng.

Trên thực tế, còn rất nhiều câu chuyện tiêu cực nữa mà Dân Việt không thể chia sẻ ở đây về những cầu thủ trẻ chuyên nghiệp đang loay hoay với một tương lai mịt mờ. Họ tìm đến sân phủi không chỉ để kiếm tiền mà còn được thỏa mãn đam mê, được tôn trọng và hơn cả là nhìn thấy một tương lai tươi sáng hơn.

Ngày xưa, bóng đá phủi là "trạm trung chuyển", nơi được coi là vệ tinh đưa những tài năng lên sân chơi chuyên nghiệp. Giờ đây, sân 7 lại là một bến đỗ, một sân khấu được đông đảo khán giả quan tâm. Đấu trường này không chỉ đem đến cơ hội kiếm tiền cho các cầu thủ không chuyên mà còn mở ra tương lai cho nhiều cầu thủ chuyên nghiệp thiếu may mắn.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem