HOT HOT HOT:

Làng Cười Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu

04/09/2018 14:23 GMT+7

Bà Rịa - Vũng Tàu là một tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Nam Bộ Việt Nam. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ở vị trí cửa ngõ ra biển Đông của các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu kết nối thuận lợi với thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác bằng đường bộ, đường không, đường thủy và đường sắt.

 

Vũng Tàu, thành phố du lịch biển và là trung tâm của hoạt động khai thác dầu mỏ phía Nam, đã từng là trung tâm hành chính của tỉnh. Từ ngày 2 tháng 5 năm 2012, tỉnh lỵ chuyển đến thành phố Bà Rịa.
Theo số liệu năm 2004 của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh đứng đầu cả nước về GDP bình quân đầu người (đạt 10.543 USD tính theo sức mua tương đương) và về chỉ số phát triển con người HDI (0,828).[2] Tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao, 51.2%.

Địa lý

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp giáp tỉnh Đồng Nai ở phía Bắc, giáp Thành phố Hồ Chí Minh ở phía Tây, giáp tỉnh Bình Thuận ở phía Đông, còn phía Nam giáp Biển Đông.

Khí hậu

Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa; một năm chia hai mùa rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, thời gian này có gió mùa Tây Nam. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, thời gian này có gió mùa Đông Bắc.
Nhiệt độ trung bình hàng năm là 27 °C, tháng thấp nhất khoảng 24,8 °C, tháng cao nhất khoảng 28,6 °C. Số giờ nắng rất cao, trung bình hàng năm khoảng 2400 giờ. Lượng mưa trung bình 1500mm.
Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng ít có bão.

Địa hình

Bà Rịa - Vũng Tàu có 7 đơn vị hành chính nằm trên đất liền và một đơn vị hành chính hải đảo là huyện Côn Đảo. Địa hình tỉnh có thể chia làm 4 vùng: bán đảo hải đảo, vùng đồi núi bán trung du và vùng thung lũng đồng bằng ven biển. Bán đảo Vũng Tàu dài và hẹp diện tích 82,86 km2, độ cao trung bình 3-4m so với mặt biển. Hải đảo bao gồm quần đảo Côn Lôn và đảo Long Sơn. Vùng đồi núi bán trung du nằm ở phía Bắc và Đông Bắc tỉnh phần lớn ở huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc. Ở vùng này có vùng thung lũng đồng bằng ven biển bao gồm một phần đất của các huyện Tân Thành, Long Điền, Bà Rịa, Đất Đỏ. Khu vực này có những đồng lúa nước, xen lẫn những vạt đôi thấp và rừng thưa có những bãi cát ven biển. Thềm lục địa rộng trên 100.000 km2.

Hành chính

Bà Rịa - Vũng Tàu có 2 thành phố trực thuộc tỉnh và 6 huyện. Trong đó được chia nhỏ thành 82 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 7 thị trấn, 29 phường và 46 xã.
Quy hoạch đô thị đến năm 2020: Thành phố Vũng Tàu (Đô thị loại I), Thành phố Bà Rịa (Đô thị loại II), Thành phố Tân Thành(Đô thị loại III), Thị xã Long Điền (Đô thị loại IV), Thị xã Đất Đỏ và các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Côn Đảo. Trong đó:
Thành phố Vũng Tàu là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ công cộng và đầu mối giao lưu của Miền Đông Nam Bộ cũng như của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, là trung tâm du lịch, dịch vụ hàng hải phát triển cảng và khai thác dịch vụ dầu khí của cả nước.
Thành phố Bà Rịa là trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thành phố Tân Thành trong tương lai (hiện nay là huyện Tân Thành) được xây dựng là đô thị công nghiệp, cảng biển, là trung tâm kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Các đô thị vệ tinh như Châu Đức, Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc hỗ trợ, cung cấp hàng hóa dịch vụ cho các đô thị cảng biển.

Dân số

Tính đến năm 2016, dân số toàn tỉnh đạt gần 1.150.200 người, mật độ dân số đạt 516 người/km²[1]. Dân số nam đạt 513.410 người[12], trong khi đó nữ đạt 513.800 người[13]. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 8,9 ‰[14]
Theo thống kê của tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2009, Trên địa bàn toàn tỉnh có 28 dân tộc và người nước ngoài cùng sinh sống. Trong đó, người kinh đông nhất với 972.095 người, tiếp sau đó là người Hoa có 10.042 người, đông thứ ba là người Chơ Ro với 7.632 người người Khơ Me chiếm 2.878 người, Người Tày có 1.352 người, cùng một số dân tộc ích người khác như người Nùng có 993 người, người Mường có 693 người, người Thái có 230 người, ít nhất là các dân tộc như Người Xơ Đăng, Hà Nhì, Chu Ru, Cờ Lao mỗi dân tộc chỉ có 1 người, Người nước ngoài thì có 59 người[15].
Mỗi năm, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tăng thêm khoảng 30.000 dân (chủ yếu là dân từ các tỉnh thành khác đến sinh sống).

Tôn giáo

Phật giáo: 292.000 tín đồ, 32255 tu sỹ, tăng ni, 334 cơ sở thờ tự
Công giáo: 249.345 tín đồ, 995 linh mục, tu sỹ, 144 cơ sở thờ tự
Cao Đài: 9.148 tín đồ, 458 chức sắc, chức việc, 19 cơ sở thờ tự
Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam: 5.049 tín đồ, 15 chức sắc, 08 cơ sở thờ tự
Bửu Sơn Kỳ Hương: 1.800 tín đồ[16]
Tin Lành: 7000 tín đồ, 8 chức sắc, 7 cơ thờ tự[17]
Tôn giáo khác: 4,34%
Không theo bất kỳ tôn giáo nào: 46,11%

Lịch sử

Năm 1658, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đưa 2.000 quân đánh thành Mô Xoài của Chân Lạp (thuộc vùng đất Bà Rịa ngày nay). Lý do của cuộc chinh phạt này được Chúa Nguyễn đưa ra là để bảo vệ những cư dân người Việt đã vào đây làm ăn sinh sống. Trận này, Chúa Nguyễn bắt được vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân. Chân Lạp xin được làm chư hầu và triều cống hàng năm. Năm Giáp Tuất, Thái Tông thứ 27 (1674), Chúa Hiền lại sai Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Diên đem quân đánh lũy Bô Tâm của Chân Lạp ở xứ Mô Xoài mà về sau người Việt gọi là Lũy cũ Phước Tứ (vùng thị trấn Long Điền ngày nay).
Tỉnh Bà Rịa được thành lập tháng 12 năm 1899 trên địa bàn phủ Phước Tuy của tỉnh Biên Hòa.
Tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lập tỉnh Phước Tuy gồm địa bàn tỉnh Bà Rịa và quần đảo Trường Sa.
Từ tháng 3 năm 1963 đến tháng 12 năm 1963 và từ tháng 11 năm 1966 đến tháng 10 năm 1967, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sáp nhập tỉnh Bà Rịa với tỉnh Biên Hòa và tỉnh Long Khánh thành tỉnh Bà Biên.
Từ tháng 2 năm 1976 sáp nhập vào tỉnh Đồng Nai.
Từ ngày 30 tháng 5 năm 1979, lập Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo.[18]
Từ ngày 12 tháng 8 năm 1991, lập tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gồm Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo và 3 huyện thuộc tỉnh Đồng Nai vốn thuộc tỉnh Bà Rịa trước kia (Châu Thành, Long Đất và Xuyên Mộc). Khi đó Bà Rịa - Vũng Tàu gồm thành phố Vũng Tàu (tỉnh lị) và 4 huyện: Châu Thành, Côn Đảo, Long Đất, Xuyên Mộc.
Ngày 2 tháng 6 năm 1994, chia huyện Châu Thành thành thị xã Bà Rịa và 2 huyện: Châu Đức, Tân Thành.[19]
Ngày 9 tháng 12 năm 2003, chia huyện Long Đất thành 2 huyện Long Điền và Đất Đỏ.[20]
Ngày 2 tháng 5 năm 2012, tỉnh lị được chuyển về thị xã Bà Rịa.[21]
Ngày 22 tháng 8 năm 2012, chuyển thị xã Bà Rịa thành thành phố Bà Rịa.[22]

Giáo dục

Tính đến thời điểm ngày 8 tháng 9 năm 2015, trên địa bàn toàn tỉnh có 505 trường học ở cấp phổ thông trong đó có Trung học phổ thông có 31 trường, Trung học cơ sở có 92 trường, Tiểu học có 184 trường, bên cạnh đó còn có 198 trường mẫu giáo[23]. Với hệ thống trường học như thế, góp phần giảm thiểu nạn mù chữ trong địa bàn tỉnh[23].

Y tế

Theo thống kê về y tế năm 2011, trên địa bàn toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 98 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế. Trong đó có 10 Bệnh viện, 6 phòng khám đa khoa khu vực và 82 Trạm y tế phường xã, với 1444 giường bệnh và 478 bác sĩ, 363 y sĩ, 644 y tá và khoảng 261 nữ hộ sinh[24].

Kinh tế

Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hoạt động kinh tế của Tỉnh trước hết phải nói về tiềm năng dầu khí. Trên thềm lục địa Đông Nam Bộ tỉ lệ các mũi khoan thăm dò, tìm kiếm gặp dầu khí khá cao, tại đây đã phát hiện các mỏ dầu có giá trị thương mại lớn như: Bạch Hổ (lớn nhất Việt Nam), Rồng, Đại Hùng, Rạng Đông. Đương nhiên xuất khẩu dầu đóng góp một phần quan trọng trong GDP của Bà Rịa-Vũng Tàu. Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển như: có 93% tổng trữ lượng dầu mỏ và 16% tổng trữ lượng khí thiên nhiên của cả nước, được Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển quốc gia và quốc tế hiện đại, nằm trong vùng trọng điểm của Chương trình du lịch quốc gia.
Ngoài lĩnh vực khai thác dầu khí, Bà Rịa Vũng Tàu còn là một trong những trung tâm năng lượng, công nghiệp nặng, du lịch, cảng biển của cả nước. Trung tâm điện lực Phú Mỹ và Nhà máy điện Bà Rịa chiếm 40% tổng công suất điện năng của cả nước (trên 4000 MW trên tổng số gần 10.000 MW của cả nước). Công nghiệp nặng có: sản xuất phân đạm urê (800.000 tấn năm), sản xuất polyetylen (100.000 tấn/năm), sản xuất clinker, sản xuất thép (hiện tại tỉnh có hàng chục nhà máy lớn đang hoạt động gồm VinaKyoei, Pomina, Thép miền Nam (South Steel), Bluescopes, Thép Việt, Thép Tấm (Flat Steel), Nhà máy thép SMC và Posco Vietnam đang thi công nhà máy thép cán nguội.
Về lĩnh vực cảng biển: kể từ khi chính phủ có chủ trương di dời các cảng tại nội ô Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm cảng biển chính của khu vực Đông Nam bộ, thuộc nhóm cảng biển số 05 bao gồm: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Các cảng lớn tập trung chủ yếu trên sông Thị Vải. Cảng Sài Gòn và Nhà máy Ba Son đang di dời và xây dựng cảng biển lớn tại đây. Sông Thị Vải có luồng sâu 15m đảm bảo các tàu container trên 100.000 tấn đã có thể cập cảng BRVT đi thẳng sang các nước châu Âu, châu Mỹ. Tính đến nay, toàn tỉnh có 24/52 cảng đã đi vào hoạt động, các cảng còn lại đang trong quá trình quy hoạch và xây dựng. Tỉnh BRVT là cửa ngõ giao thương của khu vực Miền Nam, và Việt Nam (nằm gần đường hàng hải quốc tế và là tỉnh có nhiều cảng biển nhất Việt Nam.)
Về lĩnh vực du lịch, tỉnh này là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước. Nổi tiếng đẹp nhất thành phố Vũng Tàu là bãi biển Thuỳ Vân hay còn gọi là Bãi Sau nằm ở đường Thuỳ Vân. Dọc bờ biển Long Hải, Xuyên Mộc có nhiều bãi biển đẹp và khu du lich lớn: Hồ Tràm MGM, Vietso resort.... Các khu du lịch có Khu du lịch Biển Đông, Khu du lịch Nghinh Phong... Các khách sạn có Khách sạn Pullman, khách sạn Imperial, Khách sạn Thuỳ Vân, khách sạn Sammy, khách sạn Intourco Resort, khách sạn DIC...
Tính đến nay trên địa bàn tỉnh đang có 301 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 27 tỉ USD và 450 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 244 ngàn tỉ đồng.
GDP bình quân đầu người năm 2010 không tính dầu thô và khí đốt ước đạt 5.872 đô la Mỹ (tăng 2,28 lần so với năm 2005)[25]
Trong những năm gần đây tỉnh luôn đứng trong tốp những địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất tại Việt Nam. Nằm ở vị trí thứ 3 về việc đóng góp ngân sách nhà nước, sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Cơ cấu kinh tế Bà Rịa-Vũng Tàu (năm 2012): công nghiệp – xây dựng 69,7%; dịch vụ 24,5% và nông lâm ngư nghiệp 5,8%.
. Tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 61%, cao hơn tỷ lệ của cả nước là 46%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia ước đạt 1,7%, thấp hơn nhiều so với cả nước. 100% xã, huyện đạt phổ cập trung học cơ sở, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi. Tỷ lệ huy động số cháu đi mẫu giáo trong độ tuổi đạt 87,7% và tỉnh đang phấn đấu hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi vào cuối năm 2013. Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sạch đạt 96%. 93% gia đình đạt chuẩn văn hóa.
Phấn đấu đến năm 2015, trở thành tỉnh công nghiệp và cảng biển, đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 14%/năm, kể cả dầu khí bình quân 10,8%/năm. GDP bình quân đầu người đạt 11.500 USD, kể cả dầu khí đạt 15.000 USD [25]. Về cơ cấu kinh tế, công nghiệp xây dựng 62%, dịch vụ 35%, nông nghiệp 3%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tỉnh từ 21,69% xuống dưới 2,35% (theo chuẩn mới), cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Mức hưởng thụ văn hóa đạt 42 lần/người/năm; 92% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; 92% thôn, ấp đạt chuẩn văn hóa; 99% dân số nông thôn được sử dụng điện và nước hợp vệ sinh.
Định hướng đến năm 2020, trở thành thành phố cảng, đô thị cảng lớn nhất nước cùng với Hải Phòng, trung tâm Logistics và công nghiệp hỗ trợ, trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước. Theo đó, GDP bình quân đầu người dự báo đạt 27.000 USD/người/năm (tương đương thu nhập của các nước phát triển).

Khu công nghiệp

KCN Long Sơn
KCN Sonadezi Châu Đức (Khu công nghiệp hiện đại nhất Việt Nam)
KCN Phú Mỹ III (Khu công nghiệp đô thị chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ dành cho nhà đầu tư Nhật Bản)
CCN Đá Bạc (Cụm công nghiệp đô thị chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ dành cho nhà đầu tư Nhật Bản)
KCN Phú Mỹ I
KCN Đông Xuyên
KCN Mỹ Xuân A
KCN Mỹ Xuân A2
KCN Mỹ Xuân B1- CONAC
KCN Cái Mép
KCN Phú Mỹ II
KCN Mỹ Xuân B1 - Tiến Hùng
KCN Mỹ Xuân B1 - Đại Dương
KCN Long Hương
KCN Đất Đỏ 1
Tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn.
Đang quy hoạch thêm các khu công nghiệp ở huyện Đất Đỏ.
Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch 29 cụm công nghiệp tại các huyện, thành phố trong tỉnh.

Đối ngoại

Tỉnh Bà Rịa - Vũng đã xây dựng mối quan hệ hợp tác về nhiều mặt với nhiều tỉnh thành trong cả nước và quốc tế. Tính đến tháng 9 năm 2015, tỉnh đã ký xác lập quan hệ đối tác kết nghĩa với các địa phương sau đây:
Việt Nam Quảng Ninh, Việt Nam
Nhật Bản Kawasaki, Nhật Bản[26][27]

Giao thông vận tải

Đường bộ: Tỉnh có hệ thống giao thông khá hoàn chỉnh nối các huyện thị với nhau. Quốc lộ 51A (8 làn xe) chạy qua tỉnh dài gần 50 km. Trong những năm tới sẽ có Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 6 làn xe song song với Quốc lộ 51A.
Đường sông: Hệ thống các cảng biển như nêu trên. Từ Vũng Tàu có thể đi Thành phố Hồ Chí Minh bằng tàu cánh ngầm.
Hàng không: Sân bay Vũng Tàu chủ yếu phục vụ cho máy bay trực thăng thăm dò khai thác dầu khí. Trong tương lai, Sân bay Quốc tế Long Thành được xây dựng cách Vũng Tàu 70 km, ranh giới tỉnh khoảng 20 km.
Tỉnh cũng đang triển khai di dời sân bay Vũng Tàu sang đảo Gò Găng thuộc ngoại thành Vũng Tàu và xây dựng sân bay Gò Găng thành sân bay Quốc tế kết hợp với phục vụ hoạt động bay thăm dò và khai thác dầu khí.
Đường sắt: hiện tại chưa có đường sắt đến tỉnh. Theo quy hoạch đến năm 2015 của ngành đường sắt, một đường sắt đôi cao tốc khổ rộng 1.435 m sẽ được xây dựng nối Tp HCM và Vũng Tàu, tốc độ thiết kế: trên 300 km/g.

Xe Buýt

(4): Bình Châu - Phước Bửu - Đất Đỏ - Long Điền - Bà Rịa - Vũng Tàu.
(6): Phú Mỹ - Bà Rịa - Vũng Tàu.
(8): Bình Châu - La Gi (Bình Thuận).
(11): Ngã Tư Vũng Tàu (Thành phố Biên Hòa) - Long Thành - Phú Mỹ.
(15): Dầu Giây - Thị xã Long Khánh - Sông Ray - Bàu Lâm - Xuyên Mộc - Hòa Hiệp.

Văn hóa

Điều đặc biệt nhất của tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu có 10 đền thờ cá voi, nhiều nhất ở miền Nam. Đương nhiên lễ hội Nghinh Ông, hay Tết của biển, là một sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa và tâm linh của dân chài nơi đây.
Tỉnh có ngày lễ Lệ Cô Long Hải từ 10/2 đến 12/2 âm lịch để thờ cúng Mẫu - Nữ thần và kết hợp cúng thần biển.
Bên cạnh đó vào ngày giỗ ông Trần 20 tháng 2 (âm lịch) và tết trùng cửu 9 tháng 9 (âm lịch) tại Nhà Lớn Long Sơn có tổ chức lễ hội long trọng thu hút hàng chục ngàn người từ các nơi về tham dự.

Nhân vật lịch sử

Nguyễn Thị Rịa (1665-1759), người có công khai hoang lập ấp vùng đất Mô Xoài trước đây.
Huỳnh Tịnh Của (1834-1907), nhà văn hóa và ngôn ngữ học.
Ông Trần (1855-1935), tên thật là Lê Văn Mưu, nghĩa quân chống Pháp, người khai sáng Đạo Ông Trần, nhà doanh điền lập nên xã đảo Long Sơn.
Dương Bạch Mai (1904-1964), chính trị gia, nhà ngoại giao.
Lê Thành Duy (1922-1946), công an nhân dân, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Hoàng Việt (1928-1967), tên thật là Lê Chí Trực, nhạc sĩ.
Nguyễn Văn Tàu (sinh năm 1928), đại tá tình báo Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Võ Thị Sáu (1933-1952), nữ chiến sĩ thời chống Pháp, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nguyễn Thanh Đằng (1945-1971), anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Giám mục Tôma Nguyễn Văn Trâm (sinh năm 1945), Giám mục tiên khởi của Giáo phận Bà Rịa.

(Dân Việt)