Lao động di cư ra rìa chính sách an sinh xã hội

Mỵ Lương Thứ ba, ngày 05/04/2016 06:35 AM (GMT+7)
Thực hiện chỉ đạo của phiên họp Chính phủ, các tỉnh đang “chạy đua” để xác định các hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, một vấn đề nóng nảy sinh là lao động di cư (LĐDC) – đối tượng rơi vào bẫy nghèo đa chiều tại thành thị - lại không được tính là hộ nghèo.
Bình luận 0

Thiếu thốn đủ bề

Bà Phạm Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Chương Dương (TP.Hà Nội) cho biết: “Trên địa bàn phường Chương Dương hiện có khoảng 2.000 LĐDC, phần lớn trong số họ không có đăng ký tạm trú, tạm vắng. Nhiều người lên Hà Nội làm việc theo thời vụ, công việc bấp bênh, chỗ ở không ổn định. Thậm chí, có những gia đình di cư lên phường làm việc nhiều năm nhưng không làm thủ tục khai báo với cơ quan chức năng. Điều này cản trở họ trong việc tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội tại nơi họ đến”.

img

Lao động di cư ở Hà Nội thường có công việc bấp bênh, cuộc sống kham khổ (ảnh minh hoạ).

Ảnh: Mỵ Lương

Tại Việt Nam, theo Bộ LĐTBXH, LĐDC chiếm 7,7% dân số, cứ 3 hộ thì có 2 người đi di cư, số tiền họ gửi về chiếm 20% tổng thu nhập gia đình. Tuy nhiên, LĐDC sống chật chội trong những nhà trọ tăm tối, công việc bấp bênh, đời sống thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh – là đối tượng nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều hiện nay. Theo tiêu chí mới, rất nhiều LĐDC rơi vào danh sách nghèo, cận nghèo được hỗ trợ. Tuy nhiên, chính sách lại không “chạm tới” các đối tượng này.

Bà Chu Thị Hạnh - Phó Chánh văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) thừa nhận, thực tế LĐDC chưa tiếp cận đầy đủ dịch vụ xã hội cơ bản, những nhóm, hộ LĐDC này thực ra họ không nghèo về thu nhập. “Mức thu nhập của LĐDC cao hơn chuẩn nghèo nhưng lại thiếu hụt một hay một số dịch vụ cơ bản. Điều này thấy rõ nhất ở khu vực thành thị, ví như tại Hà Nội trên khu vực phố Hàng Ngang, Hàng Đào và nhiều khu vực khác, LĐDC chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản. Lương của LĐDC có thể trung bình 100.000 - 200.000 đồng/ngày, vượt trội hơn hẳn so với chuẩn nghèo, tuy nhiên, họ ở trong những ngôi nhà chật chội. Có trường hợp 3-4 thế hệ cùng chung sống trong căn nhà rộng 20m2. Dù họ có thu nhập khá nhưng vẫn “nghèo” theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều hiện nay” – bà Hạnh phân tích.

Ngoài chính sách

Theo bà Hạnh, trong hướng dẫn của Bộ LĐTBXH, LĐDC được xác định hộ ăn chung, ở chung, có cùng quỹ chi tiêu xác định hộ gia đình theo Tổng cục Thống kê xác định. Trường hợp hộ gia đình sinh sống 10 năm tại thành thị, xa rời hẳn quê sẽ được tính toán xác định chuẩn nghèo trên thành phố. Còn nếu gửi tiền về quê sẽ vẫn tính hộ tại quê nhà. Việc điều tra chuẩn nghèo sẽ có hai danh sách, thứ nhất là hộ tự đăng ký, tự xem xét nhà mình có thuộc diện điều tra chuẩn nghèo hay không. Thứ 2 là hộ nghèo, cận nghèo năm 2014 sẽ được đưa vào diện điều tra. Với những LĐDC không phải hộ nghèo, cận nghèo 2014 sẽ không được đưa vào diện điều tra. Các hộ LĐDC không đăng ký tạm trú, tạm vắng cũng sẽ không thuộc thành phần điều tra. Đồng thời, cũng chưa áp tiêu chí “nghèo đa chiều” cho LĐDC.

Theo luật sư Trịnh Quang Chiến, cần xây dựng chính sách riêng cho LĐDC định cư lâu dài tại Hà Nội (hoặc các thành phố khác) để họ được hưởng các chính sách về y tế, nhà ở, vệ sinh, điện nước… như người thành phố. Vì họ cũng là lực lượng đóng góp nhiều cho thành phố mà lại không được hưởng các chính sách thì quá thiệt thòi.

 “Phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đơn chiều sang đa chiều giai đoạn 2016-2020 mới chỉ hướng đến được đối tượng cùng cực, những đối tượng nghèo khó nhất trong xã hội. Chương trình này chưa thể mở rộng được đến tất cả đối tượng LĐDC. Trong điều tra tính ra dự báo tỷ lệ nghèo, Bộ chưa tính đến nhóm LĐDC bởi liên quan đến nguồn lực ngân sách nhà nước” – bà Hạnh cho hay.

Theo luật sư Trịnh Quang Chiến (Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á), nhiều LĐDC có đời sống rất kham khổ. “Tôi đã trực tiếp đến nơi họ ở, chứng kiến những bữa ăn thiếu thốn của LĐDC. Họ ở trong những căn hộ tăm tối, 10 người trú ngụ trong căn nhà 10m2 ẩm thấp, chi phí sinh hoạt ăn, ở, chi trả tiền điện, tiền nước đắt đỏ. Trong khi đó, chưa có chế độ, ưu đãi dành riêng cho LĐDC. Nhiều LĐDC bị phân biệt đối xử, kỳ thị” – ông Chiến cho biết.

Theo các chuyên gia, một bất cập tồn tại là việc xây dựng ngân sách dựa trên hộ khẩu, đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú đặc biệt đối với vùng đô thị. Do đó các chính sách không bao gồm LĐDC, khiến họ bị đẩy ra ngoài mọi dịch vụ an sinh xã hội. “Xây dựng ngân sách dựa trên đăng ký hộ khẩu thường trú dẫn đến việc người đăng ký tạm trú không được đưa vào danh sách điều tra chuẩn nghèo. Việc chúng ta có chứng minh được LĐDC đó nằm trong nhóm thiếu hụt nghèo đa chiều chẳng hạn thì nguồn lực ở đâu ra để hỗ trợ họ” – bà Lê Thúy Hạnh (Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng- LIGHT) bày tỏ.

Theo số liệu của Oxfam (năm 2015), 21,2% trẻ di cư trong độ tuổi từ 6 – 14 tuổi không đi học. Tỷ lệ trẻ em đi học tại nhà trẻ tư nhân cao hơn so với công lập (7,7% trẻ em di cư đi nhà trẻ công lập và 12% trẻ em di cư đi nhà trẻ công lập). 80% LĐDC sống trong các nhà trọ nghèo nàn, không đảm bảo vệ sinh. Hơn 2/3 LĐDC phải trả tiền nước cao gấp ba và tiền điện cao gấp đôi người địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem