Muốn tận dụng lợi ích từ EVFTA, cần phòng vệ thương mại trước (Bài 2)

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 26/02/2021 11:00 AM (GMT+7)
Theo nhận định của giới chuyên môn, bên cạnh lợi ích từ việc hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) cũng đem lại nhiều nguy cơ lớn hơn từ các vụ điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Bình luận 0

LTS: Nền kinh tế Việt Nam đã và đang tham gia ngày càng sâu hơn vào trao đổi thương mại toàn cầu thông qua việc ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do quan trọng có mức độ cam kết cao như EVFTA, RCEP, CPTPP,… Do đó, sự va chạm với lợi ích của các ngành sản xuất trong nước của các thị trường nhập khẩu là không thể tránh khỏi. Vì vậy, những vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp thực sự quan tâm và chỉ khi xảy ra những vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá với sản phẩm của mình thì mới bắt đầu tìm kiếm sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Trước thực tế đó, Báo điện tử Dân Việt (Danviet.vn) triển khai tuyến bài "Nâng cao nhận thức phòng vệ thương mại" với mục tiêu giúp các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng hiểu đúng về tầm quan trọng của lĩnh vực này. 

Nhận định về vấn đề nói trên, đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhấn mạnh, Liên minh châu Âu là một thị trường có hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại đầy đủ và thường xuyên tiến hành điều tra, áp dụng các biện pháp theo yêu cầu của ngành sản xuất trong nước.

Do đó, bên cạnh những cơ hội xuất khẩu, các doanh nghiệp (DN) cũng cần chú ý đến thách thức từ nguy cơ bị EU tiến hành điều tra nếu tăng trưởng xuất khẩu quá nhanh.

Cũng theo thông tin từ phía Cục Phòng vệ thương mại, về cơ bản, nội dung PVTM trong EVFTA dựa trên các quy định của WTO, đồng thời bổ sung các nguyên tắc mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về PVTM của Việt Nam.

Qua đó, giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ "phòng vệ" hợp pháp, tiến bộ, đảm bảo hiệu quả của việc tham gia Hiệp định.

Muốn tận dụng lợi ích từ EVFTA, cần phòng vệ thương mại trước - Ảnh 1.

Nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam bị các quốc gia nhập khẩu khởi xướng điều tra thời gian qua.

Tuy nhiên, EVFTA đã có bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ này để tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn cho DN xuất khẩu.

Ngoài ra, Hiệp định EVFTA cũng có cam kết, hai bên sẽ không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu việc này không phù hợp với lợi ích chung. Hiệp định EVFTA có quy định về cơ chế tự vệ song phương nhằm đảm bảo việc cắt giảm thuế quan không gây ra các cú "sốc" đối với các ngành sản xuất trong nước.

Hiệp định EVFTA quy định cơ chế tự vệ song phương trong thời gian chuyển đổi là 10 năm, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo được quyền lợi của các bên được sử dụng công cụ tự vệ chính đáng trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước nếu có thiệt hại hoặc đe doạ thiệt hại do việc cắt giảm thuế quan từ hiệp định.

Theo đó, việc thực thi Hiệp định EVFTA đòi hỏi các DN cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết, kể cả các quy định về phòng vệ thương mại để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Bên cạnh đó, việc gia tăng số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại có thể tạo ra một số khó khăn nhất định cho cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của Việt Nam do bị hạn chế về nguồn lực. Ngoài ra, do các lợi ích mà Hiệp định EVFTA đem lại là rất lớn nên không loại trừ nguy cơ một số DN tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính.

"Là cơ quan đại diện cho Chính phủ xử lý các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương trong đó là Cục Phòng vệ thương mại đã có những chủ động thực hiện các biện pháp nhằm bảo hộ lợi ích hợp pháp của DN. Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra của nhiều nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, luật sư, hiệp hội và DN để kịp thời cập nhật tình hình, thông tin các vụ việc phòng vệ thương mại nhằm cung cấp tới các bên liên quan một cách nhanh chóng và chính xác.

Đồng thời, Cục Phòng vệ thương mại đã xây dựng hệ thống Cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện tại nhiều thị trường khác nhau. Danh sách được xây dựng trên cơ sở theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường nhập khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng đối với Việt Nam", đại diện Cục Phòng vệ thương mại cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem