Ngành phân bón có hưởng lợi khi giá cà phê, nông sản cùng tăng "sốc"?

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 26/04/2024 18:09 PM (GMT+7)
Giá cà phê lập kỷ lục, giá lúa gạo vẫn giữ ở mức cao, tình hình xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản thuận lợi khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng vọt.
Bình luận 0

Nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng vọt

Giá cà phê tăng vọt vài tuần trở lại đây và liên tục lập kỷ lục theo hướng giá hôm sau cao hơn hôm trước. Giá cà phê trong nước lẫn xuất khẩu đều tăng.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, xuất khẩu cà phê đạt 666.508 tấn, kim ngạch đạt hơn 2,23 tỷ USD, tăng 4,6% về lượng và tăng 56,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Không chỉ cà phê, mà nhiều loại nông sản khác như sầu riêng tăng giá, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón, canh tác tăng cao.

Ngành phân bón có hưởng lợi khi giá cà phê, nông sản cùng tăng "sốc"?- Ảnh 1.

Quý I/2024, Phân bón Bình Điền ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan khi giá các loại nông sản tăng cao. Ảnh: BFC

Trao đổi với Dân Việt tại đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 26/4 tại TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền Ngô Văn Đông, cho biết giá cà phê tăng liên tục, hiện đạt hơn 130 triệu/tấn là mức chưa bao giờ có, giá sầu riêng tăng, xuất khẩu rau quả cũng đạt con số ấn tượng. Hay giá lúa gạo, hiện dù không bằng thời điểm 2023 nhưng nông dân vẫn có lợi nhuận khoảng 40%.

Theo ông Đông, đây là các điều kiện thuận lợi để nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng cao. Kết quả này phản ánh vào kết quả kinh doanh của Phân bón Bình Điền trong 3 tháng đầu năm.

“Quý I/2024, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Bình Điền đạt 91 tỷ đồng (trong khi quý I/2023 lỗ gần 40 tỷ đồng). Chúng tôi đã chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu tương đối tốt, sản lượng tiêu thụ gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu cao cộng với việc được chuẩn bị tốt từ sớm nên kết quả đạt được rất khả quan”, ông Đông nói.

Không chỉ Bình Điền, nhiều “ông lớn” trong ngành phân bón khác cũng ghi nhận tín hiệu lạc quan, trái với tình hình ảm đạm nửa đầu năm ngoái.

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) ghi nhận lợi 382 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024, tăng 46% so với cùng kỳ; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) có lợi nhuận hơn 300 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm; Supe Lâm Thao đạt lợi nhuận sau thuế 52 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023…

Thị trường vẫn khó đoán định

Đáng chú ý, dù tình hình quý I/2024 khả quan, nhưng các doanh nghiệp trong ngành phân bón đều có cùng nhận định rằng thị trường 2024 vẫn rất khó đoán định.

Theo CEO Phân bón Bình Điền Ngô Văn Đông, tình hình kinh doanh phân bón năm 2024 phụ thuộc nhiều yếu tố từ giá cả thế giới, thời tiết, khí hậu và các nguồn lực khác.

Cụ thể, dự báo tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều yếu tố bất lợi, giá cả nông sản, phân bón không ổn định, thời tiết diễn biến phức tạp, bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, đặc biệt là ảnh hưởng lớn từ xung đột Nga - Ukraine… sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước.

Ngành phân bón có hưởng lợi khi giá cà phê, nông sản cùng tăng "sốc"?- Ảnh 3.

Một trong những con sông khô cạn nước tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Huỳnh Xây

Căn cứ các tình hình và dự báo, năm 2024, Bình Điền đặt mục tiêu sản lượng sản xuất đạt 568.000 tấn; sản lượng tiêu thụ 568.000 tấn; doanh thu mục tiêu 7.137 tỷ đồng (giảm 18% so với kết quả đạt được 2023); lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 7%, đạt 210 tỷ đồng.

Dù quý I đã hoàn thành gần một nửa chỉ tiêu lợi nhuận nhưng “ông lớn” ngành phân bón vẫn khá dè chừng trong kế hoạch năm.

CEO Bình Điền Ngô Văn Đông, cho biết công ty sẽ theo sát diễn biến thị trường để có những giải pháp linh hoạt, ứng phó kịp thời. Đặc biệt, công ty duy trì và phát triển các thị trường chiến lược, truyền thống, đồng thời mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Đồng thời, có chính sách hợp lý để phát triển thị trường mới nhưng chưa có kênh phân phối, chú trọng giữ vững và phát triển thị trường trong nước và Campuchia, phát triển thị trường Lào và một số nước trong khu vực.

Về chiến lược sản phẩm, Bình Điền chú trọng phát triển dòng sản phẩm hàm lượng dinh dưỡng cao; nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với biến đổi khí hậu, sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng và định hướng phát triển nông nghiệp của Chính phủ.

Ngoài các sản phẩm thế mạnh hiện nay, “ông lớn” phân bón này sẽ xem xét đưa vào sản xuất các sản phẩm mới đã thử nghiệm thành công trong năm 2023, tăng cường hoạt động tư vấn, khuyến cáo để nâng cao giá trị sử dụng sản phẩm; tiếp tục cải tiến và hoàn thiện mẫu mã bao bì để tạo tính đồng bộ, nâng cao giá trị thương hiệu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem