Ngày 17/2 nhớ những người lính nơi biên giới

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ Thứ tư, ngày 17/02/2021 11:01 AM (GMT+7)
Những người lính nơi biên cương Tổ Quốc, dù từ cuộc chiến hơn 40 năm trước cho tới ngày nay, dù ở mặt trận nào, họ cũng đang bảo vệ từng tấc đất, bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân chúng ta.
Bình luận 0

Ngày 17/2/1979 cuộc chiến tranh xâm lược phía Bắc của Trung Quốc nổ ra. Khi đó tôi vừa giải ngũ được ba năm, lại vừa lấy vợ hơn tuần. Bấy giờ tôi làm việc tại Công ty Hải sản Cấp I, trụ sở đóng tại Phú Viên. Công ty tôi là công ty con thuộc Tổng công ty Thực phẩm công nghệ.

Lên Tổng thấy cán bộ nhân viên hối hả thu xếp tài liệu hồ sơ lưu chuyển về phía Nam. Anh em giao nhận hàng hóa phía Bắc về kể lại, địch đánh bất ngờ, pháo và xe tăng dùng số lượng lớn hòng chớp mắt đè bẹp quân ta. Đài báo đưa tin, hình ảnh chiến tranh với tội ác quân xâm lược dã man. Nhiều thị xã bị hủy diệt, giặc tiến vào nhiều địa phương thực hiện chính sách phá sạch giết sạch. Cánh cựu binh tụi tôi ngồi với nhau bồn chồn lòng không yên. 

Rồi lệnh Tổng động viên. Cựu binh, chuẩn úy Nguyễn Văn Thọ cầm tờ giấy gọi nhập ngũ. Đêm ấy nằm với vợ vừa cưới tôi nắm tay nàng. Vợ tôi khóc suốt. Tôi bảo, anh phải lên đường em ạ. Tổ quốc bây giờ quan trọng hơn hai ta. Rồi ôm xiết vợ. Tôi là người hay xúc động, nhưng trong các tình huống này, trước bạo lực lòng tôi đanh lại. Cha tôi từng dặn khi tôi lên đường đánh Mỹ: Làm trai xá chi da ngựa, làm trai phải gánh lấy non sông khi đất nước có giặc. Rồi tôi lên đường lên Huyện đội Gia Lâm theo giấy gọi. Nhận quân, nhận súng đạn và quân phục.

Là người đã tham gia trực tiếp chiến đấu 11 năm, hết một thuở thanh xuân, tôi hiểu rất rõ mặt tàn bạo của chiến tranh và thực lòng không muốn lại phải cầm súng. Nhất là khi tôi vừa lấy vợ, hương lửa chưa được một tháng. Nhưng tôi phải ra đi như lời cha tôi căn dặn về trách nhiệm và quyền lợi của người con tộc Việt. Tôi nhận lãnh đạo một đại đội, chuẩn bị lên đường thì giặc rút. Bấy giờ Bộ Nội Thương cũng rất cần cán bộ nên tôi lại được lệnh trở lại Công ty Hải sản cấp I.

Ngày 17/2 nhớ những người lính nơi biên giới - Ảnh 2.

Quân chủ lực của Việt Nam trên trận địa phải đối đầu với quân Trung Quốc đông gấp 12 lần, được yểm trợ bởi hỏa lực mạnh, vì vậy bên cạnh những chiến sĩ chính quy còn có cả lực lượng dân quân - Ảnh: Tư liệu

Vừa về cơ quan, tôi được lệnh mang một xe giấy dầu lên cấp cứu cho Công ty Bách hóa Lạng Sơn. Thì ra giặc đã hủy diệt tất cả các trụ sở cơ quan ở đó. Công ty Bách hóa Lạng Sơn phải làm gấp nhà tạm, bảo đảm cung ứng hàng hóa cho bộ đội và nhân dân.

Xe đi qua Hà Bắc, rồi tiến vào Lạng Sơn. Tôi quan sát thấy khắp nơi đào chiến hào trên núi đồi chuẩn bị chặn giặc. Đến Lạng Sơn, tôi ngửi thấy mùi chiến tranh quen thuộc. Mùi tanh của máu, mùi lá cây dập nát, mùi xăng dầu và mùi thuốc súng còn vương ở đâu đây. Cảnh quang tan hoang, đổ nát. Lòng tôi thắt lại. 

Một đêm một ngày tại Lạng Sơn, bao câu chuyện về chiến tranh khiến tôi quặn đau. Đòn đánh bất ngờ phản bội tình anh em của chính quyền Trung Quốc khi ấy quả là ban đầu đã gây cho quân ta thiệt hại. Nhất là những đơn vị Công an Vũ trang, bộ đội biên phòng. Để bảo vệ quê hương, nhiều người lính biên phòng đã hy sinh khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. 

Bao nhiêu năm rồi cuộc chiến biên giới phía Bắc đối với tôi vẫn là những ngày không thể quên.

Bấy nay tôi viết nhiều bài ca ngợi hòa bình. Ấy là nhắc nhở mọi người trách nhiệm với con cháu mình, bằng mọi cách tốt nhất giữ yên an ninh chính trị trong nước, tranh thủ quốc tế để cố gắng gìn giữ hòa bình cho quê hương đất nước. Bởi chỉ có hòa bình mới có thể xây dựng quốc gia hùng cường, có đủ sức mạnh mà bảm đảm cho công cuộc bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, chỉ có hòa bình nhân dân mới được no ấm, các thế hệ con cháu tôi không phải hi sinh cả tuổi xuân, cả mạng sống như trong nhiều cuộc chiến đã xảy ra. Tôi ngày ngày biết ơn các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đang oằn mình ngày đêm canh giữ biên cương, biển trời, hải đảo cho đất nước an bình.

Trong tình hình dịch Covid-19 biến thế trong làn sóng dịch lần thứ ba thử thách đất nước ta, lực lượng vũ trang đã kích hoạt trạng thái "như thời chiến" để phòng, chống dịch. Tết Tân Sửu này, khi tôi và bao người được ăn Tết thanh bình trong thành phố, thì hàng vạn chiến sĩ quân đội vẫn ngày đêm mật phục trên mọi ngả biên cương để ngăn chặn dòng dịch xâm nhập đất nước. Những đợt lạnh khắc ngiệt, tôi nghe anh em bạn bè tại ngũ kể lại rằng, các chiến sĩ biên phòng con cháu tôi mặc kệ tuyết rơi, băng lạnh vẫn từng tổ ba người lập chốt mật phục canh mọi nẻo vào trên các vùng biên cương phía Bắc và phía Tây. Họ mang thân mình làm phên dậu cho đất nước. Họ đang thực hiện một điều rất quan trọng mà người dân Việt Nam luôn mong ước, ca ngợi, là giữ an dân, chính là giữ an bình cho Tổ quốc, đất nước yêu dấu của chúng ta.

Ngày 17/2 năm nay, không ai quên những người con đã ngã xuống biên cương phía Bắc, máu hòa tan vào đất mẹ làm nên cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước. Ngày lịch sử này nhắc nhớ mọi người rằng, ở một thời đại mà quyền lợi dân tộc được chú ý hơn bao giờ hết ta càng phải cảnh giác. Nó cũng nhắc nhớ chính tôi rằng, nơi biên cương đã từng xảy ra cuộc chiến năm  nao thấm máu đồng đội tôi, vẫn đang có những nỗ lực phi thường của anh em binh sĩ, những chiến sĩ biên phòng và bộ đội địa phương đang đêm ngày chịu đựng gian khổ để canh giữ  một cuộc sống thanh bình, ngăn chặn nạn dịch lần thứ ba cũng ác hiểm như giặc dã ngoại xâm.

Không khi nào quên họ, những đồng đội của tôi của ngày hôm qua và cả ngày hôm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem