Người mang hồn dân tộc Việt sang châu Mỹ Latinh

Thứ ba, ngày 12/02/2013 07:42 AM (GMT+7)
BẠN ĐỌC LÀM BÁO - Hiếm có người nào tôi từng gặp tâm huyết với việc quảng bá hình ảnh văn hóa – con người Việt Nam như chị Lê Thị Bích Hường, hiện đang làm giám đốc dự án hợp tác Italia-Brazil-Mozambique về Giáo dục Phát triển do cộng đồng châu Âu tài trợ tại thành phố Belo Horizonte, thủ phủ bang Minas Gerais ở tây nam Brazil.
Bình luận 0

Đã từng đặt chân đến nhiều miền đất trên khắp thế giới, nơi đâu chị cũng cố gắng giới thiệu những nét đẹp văn hóa của Việt Nam với người bản xứ bằng tất cả nhiệt huyết của mình.

img

Đợt Tết Nguyên đán năm nay do yêu cầu công tác, chị Hường sẽ đón Tết tại Colombia. Cuộc trò chuyện qua Internet với tôi ngay trước ngày chị rời Brazil thỉnh thoảng phải dừng lại để chị Hường đảo qua bếp xem nồi bánh chưng chị đang luộc. Chị tâm sự Tết này chị không ở Brazil đón Tết cùng chồng và các con được nên chị phải chuẩn bị sẵn bánh chưng để trong ngăn đá để chồng con chị ăn trong những ngày Tết.

Dù chồng chị là người Italia và các con chị sống ở nước ngoài đã lâu, nhưng tình yêu Việt Nam mạnh mẽ của chị Hường đã lan tỏa sang các thành viên khác trong gia đình. Đón Tết trở thành một “nếp nhà” trong gia đình chị ở bất cứ nơi nào.

img

Chị Hường cho biết đối với chị bánh chưng không thể thiếu được trong các dịp Tết nên suốt 12 năm chị sống xa nhà năm nào chị cũng tự gói bánh chưng cho gia đình và nhiều khi cho cả bạn bè. Sự cầu kỳ này gắn với những kỷ niệm về một thời thơ ấu khốn khó của chị.

Chị nhớ lại thời đó bánh chưng ít nên lúc nào cũng thèm và luôn lo sẽ hết bánh chưng. Chị không khỏi bật cười khi nhắc lại kỉ niệm khi chị còn bé, khách đến chơi nhà chị chỉ mong họ từ chối không ăn bánh chưng để mình càng có phần. Bây giờ ở trời Tây, có của ngon vật lạ nào của Việt Nam, chị cũng mang ra đãi khách.

Năm nay, chị dự định mang cả gạo, nếp, đỗ, lá dong dại từ Brazil sang Colombia. Giọng hồ hởi, chị Hường tin tưởng các bạn bè Colombia chắc chắn sẽ rất vui vì lần đầu tiên được biết hương vị của bánh chưng Việt Nam do đích tay chị làm.

img

Các năm trước, khi chị đón Tết ở Brazil, chị thường tổ chức một buổi lễ đón Tết thật hoành tráng để mời các bạn bè đến dự. Không đơn thuần chỉ là tự tay vào bếp nấu các món ăn Việt, chị còn tạo dựng lại không khí đón Xuân của làng quê Bắc bộ. Chị đã cho vẽ trên tường xung quanh vườn những hình ảnh Việt Nam thân thuộc như ấm chè tỏa huơng nghi ngút bên cạnh cành hoa đào, hoa sen, cảnh làng quê Việt Nam với lũy tre xanh bao bọc, với người dân đang cày trên cánh đồng hay chú bé chăn trâu thổi sáo.

Có năm có đến 70 người bao gồm bạn bè và quan chức địa phương đến dự, hôm đó trời mưa, gia đình chị còn phải dựng rạp cho quan khách ngồi không khác gì cảnh đám cưới ở Việt Nam. Bạn bè rất ngưỡng mộ sự nhiệt tình, chu đáo của chị và càng thêm yêu mến các phong tục tập quán tốt đẹp Việt Nam.

Tham gia buổi tiệc, các thực khách được nghe chị kể chuyện về sự tích bánh chưng bánh dày,về sự vất vả của nguời nông dân chân lấm tay bùn đầu tắt mặt tối quanh năm để làm ra hạt gạo trắng ngần, để ai ai cũng có được những hạt gạo nếp thơm lừng trong các dịp lễ Tết.

 img

Tất cả được vẽ trên nền phông màu xanh tuợng trưng cho nuớc, một yếu tố quan trọng đối với người nông dân Việt Nam. Khách đến dự được con gái chị mặc áo dài mời nước chè sen trong tiếng nhạc du duơng của làn điệu quan họ mời trầu mời nuớc, trong mùi thơm của nén hương trầm trên mâm ngũ quả, được thưởng thức các món ăn dân tộc như nem, măng, thịt đông, bánh chưng trong mâm cỗ được trang trí bằng hoa quả cắt tỉa trông thật bắt mắt.

Ngoài những dịp Lễ tết, chị Hường cũng thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện giới thiệu về lịch sử và văn hóa Việt. Chị nhớ lại thời gian chị công tác ở Italia do yêu cầu của các bạn bè Italia muốn biết về Việt Nam nên chị đã tự tìm tòi, đọc sách rồi mỗi lần về Việt Nam lại sưu tầm các đồ ở nhà để mang sang như quang gánh, thúng mủng nong nia bằng tre, gầu tát nước, nón, áo dài, váy áo múa để minh họa cho bài nói chuyện của mình.

Khi di chuyển sang Brazil, chị cũng tổ chức các hoạt động tương tự, có nhiều buổi chị kiêm nhiệm hát, múa, đọc thơ, kể chuyện, trình diễn thời trang với hình thức độc đáo là tái tạo lại cảnh đời thường như tát nước, gồng gánh, bán hoa đặc trưng của Việt Nam. Không ngạc nhiên vì chị Hường xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, chị chính là dì ruột của ca sĩ Tùng Dương.

Một điều rất đáng trân trọng là các hoạt động văn hóa này chị Hường làm đều xuất phát từ cái tâm của một người con đất Việt luôn hướng về cội nguồn với mong muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa cho những người thân của mình và cho đất nước. Chị tranh thủ thời gian rảnh rỗi hiếm hoi của mình để tổ chức các hoạt động văn hóa trên và hoàn toàn không có thù lao.

Những nỗ lực của chị Bích Hường đã được Nhà nước Việt Nam ghi nhận. Năm 2009, Bộ trưởng Bộ ngoại Giao khi đó là Phạm Gia Khiêm tặng bằng khen vì đã có thành tích nổi bật trong việc truyền bá văn hóa Việt Nam và đóng góp tích cực cho các hoạt động đối ngoại của cơ quan đại diện Việt Nam tại Brazil.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem