Người thu mật hoa dừa ở Trà Vinh, người trồng sầu riêng ở Bình Phước, cả hai đều thành doanh nhân thành đạt

Thiên Hương Thứ tư, ngày 01/05/2024 12:42 PM (GMT+7)
Nông nghiệp Việt Nam đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng tăng trưởng và tiêu dùng xanh, đó là nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải. Mô hình của hai doanh nghiệp trẻ ở Trà Vinh và Bình Phước là một ví dụ.
Bình luận 0

Dấu chân các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp nông nghiệp xanh

Khởi đầu từ vùng đất Tiểu Cần (Trà Vinh), nơi có diện tích trồng dừa lớn thứ hai cả nước, Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) đã khôi phục lại kỹ thuật thu mật hoa dừa, một trong những nghề truyền thống của người Khmer ở Trà Vinh. 

Từ nguồn nguyên liệu đầu vào là mật hoa dừa, doanh nghiệp chế biến thành các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện nay, như mật hoa dừa cô đặc hoặc đường hoa dừa hữu cơ, có vị ngọt nhẹ thanh. 

Đặc biệt, sản phẩm nước tương mật hoa dừa của Sokfarm được chế tạo từ 2 nguyên liệu là mật hoa dừa và muối biển, không có chất bảo quản, chất điều vị… nên phù hợp với xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ, được khách hàng thế giới tìm mua nhiều.

Người thu mật hoa dừa ở Trà Vinh, người trồng sầu riêng ở Bình Phước, cả hai đều thành doanh nhân thành đạt - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Thế Tùng - Tổng Giám đốc Queen Farm chụp ảnh cùng công nhân người S’tiêng tại trang trại. Ảnh: Minh Huệ

Anh Phạm Đình Ngãi – Tổng Giám đốc Sokfarm chia sẻ: "Tính bản địa trong khởi nghiệp nông nghiệp là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp chiến thắng trên thị trường. Cây dừa là loại cây bản địa của Trà Vinh, giúp Sokfarm có lợi thế về vùng nguyên liệu và đủ sức để phát triển lớn trong tương lai. Nhờ lợi thế này, Sokfarm có thể xuất khẩu sang các quốc gia không có trái dừa như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu…, bởi họ có nhu cầu lớn hơn và sự cạnh tranh thì ít hơn".

Sau 4 năm khởi nghiệp, các sản phẩm hữu cơ từ mật hoa dừa của Sokfarm đã có mặt tại các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Đức và Hà Lan. Mỗi tháng doanh nghiệp của anh Ngãi thu về hơn 1 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 26 công nhân (hầu hết là người Khmer trên địa bàn).

Trong khi đó, anh Nguyễn Thế Tùng (sinh năm 1983) - Tổng Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp sinh thái Queen Farm, cho biết, anh từng học thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh tại Vương quốc Anh. Sau gần 10 năm kinh doanh các ngành nghề khác nhau, anh lại tìm thấy tình yêu với nghề nông và dành nhiều tâm huyết, nguồn lực để xây dựng trang trại trồng sầu riêng công nghệ cao theo hướng hữu cơ ở huyện Bù Đăng (Bình Phước).

Tại trang trại 55ha, anh Tùng đang trồng 3 giống sầu riêng chủ lực là Musang King, Ri6 và sầu riêng Monthong. Gần 10.000 cây sầu riêng được trồng theo lô có đánh số, khoảng cách giữa các cây đều tăm tắp. 

Chỉ những hàng sầu riêng xanh tốt, anh Tùng cho biết, trước đây toàn bộ khu vực này trồng cao su, đất đai sau nhiều năm bón phân hóa học đã bị chai cứng, khô cằn, nhan nhản đá tảng. Anh Tùng thuê máy xúc san lấp mặt bằng, đào hồ trữ nước, tiến hành cải tạo đất bằng những phương pháp truyền thống như cày xới, phơi đất, rải vôi bột để loại trừ các mầm bệnh.

Người thu mật hoa dừa ở Trà Vinh, người trồng sầu riêng ở Bình Phước, cả hai đều thành doanh nhân thành đạt - Ảnh 3.

Trang trại sầu riêng công nghệ cao của anh Nguyễn Thế Tùng tại huyện Bù Đăng (Bình Phước). Ảnh: Minh Huệ

Sau khoảng 6 tháng phơi đất, anh Tùng bổ sung phân bò ủ hoai mục và các loại vi sinh rồi trồng đậu phộng (lạc) để làm phân xanh bón cho đất. Sau đó tiếp tục phủ xanh đất bằng cây lạc dại, cỏ trai, xuyến chi, rồi trồng cỏ Vetiver để chống xói mòn, rửa trôi...; lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây trong trang trại.

Anh Lê Văn Hiền – quản lý trang trại cho biết: "Ở đây chúng tôi không dùng thuốc diệt cỏ, thậm chí còn phải nuôi cỏ để giữ ẩm cho đất. Khi cỏ lên cao, sắp ra hoa thì chúng tôi dùng máy cắt sát gốc. Máy vừa chạy vừa băm cỏ tự động rồi rải đều trên mặt đất làm phân hữu cơ tự nhiên. Nhờ áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp cải tạo, hiện nay độ pH trong đất đã tăng lên 5,5 - 6, rất thích hợp cho cây sầu riêng phát triển".

Để đề phòng biến đổi khí hậu, hạn hán trong mùa khô, anh Tùng đã cho đào 2 hồ chứa nước, trong đó có 1 hồ lớn nằm giữa trang trại rộng 1,2ha, có thể chứa được lượng nước đủ tưới cho toàn bộ 55ha cây trồng trong 6 tháng mà không cần mưa. 

Anh Tùng cho biết, trang trại đã thu hút nhiều đoàn công tác đến tham quan, tìm hiểu và anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cũng như truyền cảm hứng làm nông nghiệp hữu cơ đến những bạn trẻ có đam mê làm nông.

Đánh giá về các mô hình này, TS. Trịnh Việt Tiến (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, tại nhiều địa phương, các chủ thể sản xuất đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. 

Các phương pháp giảm lượng giống gieo sạ trong trồng lúa, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo "4 đúng", giảm lượng phân bón vô cơ… đang được phổ biến rộng rãi tới bà con nông dân.

"Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường. Những nghiên cứu đã chỉ ra, ruộng lúa bị ngập nước càng lâu thì lượng khí methane sinh ra càng nhiều. Các ruộng lúa được áp dụng kỹ thuật tưới nông - lộ - phơi giúp giảm khoảng 3,5 lần lượng phát thải khí nhà kính so với các ruộng lúa để ngập nước suốt cả vụ. Hay như trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau, giúp giảm chi phí chăn nuôi, giảm tác hại đến môi trường" – TS Tiến nhận định.

Tháo gỡ các "điểm nghẽn" cho nông nghiệp xanh

Cũng theo TS. Trịnh Việt Tiến, nông nghiệp xanh tại Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn tồn tại một số "điểm nghẽn" cần được tháo gỡ, đó là: Chưa có quy hoạch về sản xuất hữu cơ, chưa có các cơ chế, chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ mà chủ yếu là lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác như: chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản…

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là "rào cản" cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn. Người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng và chưa có kinh nghiệp phân biệt giữa sản phẩm sản xuất hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác. Trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế, dẫn tới quá trình phát triển nông nghiệp xanh còn chậm. Người nông dân vẫn ngại thay đổi thói quen sản xuất…

PGS - TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, nông nghiệp xanh là cách tối ưu hóa nguồn lực. Làm thế nào để sản xuất nhiều thực phẩm hơn, chất lượng hơn nhưng tiêu tốn nguyên liệu đầu vào ít hơn, đóng góp ít hơn lượng phát thải khí nhà kính? 

"Đầu tiên là cần thay đổi tư duy và thói quen của nông dân. Việt Nam có khoảng 10 triệu hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ nên cần có sự hướng dẫn, đào tạo để thay đổi tư duy, thói quen sử dụng nhiều hóa chất sang sản xuất sinh thái, tuần hoàn, tạo thêm giá trị gia tăng mà lại giảm được phát thải khí nhà kính" – ông Thế Anh nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem