HOT HOT HOT:

Nhà trường, Nhà chùa, Nhà mình

25/03/2019 13:59 GMT+7

1. Đầu tiên là nhà trường với câu chuyện những đứa trẻ ở trường mầm non Thanh Khương (Thuận Thành - Bắc Ninh) phải ăn những miếng thịt lợn nhiễm sán. Nhìn hình ảnh những miếng thịt với những đốm trắng lổm nhổm được lan truyền trên các phương tiện truyền thông, chúng ta tự hỏi: Động cơ thực sự nào khiến người ta nhẫn tâm đưa cái thứ kinh khiếp, hãi hùng ấy vào miệng những đứa trẻ?

Câu trả lời chắc chắn là lòng tham! Nhưng lòng tham của ai? Của công ty cung cấp thức ăn cho trường học hay của những người nhìn thấy hàng lố thức ăn nhiễm bệnh chui vào nhà bếp của trường học mà không chịu tố giác tức thời?

Có lẽ là cả hai! Nhưng cả hai vẫn là chưa đủ khi chúng ta biết rằng một công ty vốn hoạt động trong lĩnh vực tài chính lại trở thành đơn vị cung cấp thức ăn cho trường học, và lại tiếp tục biết thêm rằng, không chỉ duy nhất trường Thanh Khương, công ty này còn cung cấp thức ăn cho 19 trường học khác trên địa bàn.

Từ lòng tham của những ai mà một công ty tài chính lại được ưu ái cung cấp thức ăn cho tới 20 trường mầm non như vậy? Sự cộng hưởng của một chuỗi “mắt xích” lòng tham đã khiến những miếng thịt nhiễm sán vô tư chui vào miệng những đứa trẻ thơ vô tội.

Cái ăn ở trong trường học lẽ ra phải là cái ăn sạch nhất. Cái uống ở trong trường học lẽ ra phải là cái uống trong lành nhất. Nguồn năng lượng ở trong trường học, kể cả năng lượng vật chất lẫn năng lượng tinh thần lẽ ra phải là một nguồn năng lượng an yên nhất. Thế mà vì lòng tham, vì lợi ích, vì hàng loạt những mắt xích liên kết nào đó mà nguồn năng lượng này lại trở thành một nguồn năng lượng nhiễm sán.

Với một nguồn năng lượng nhiễm sán, liệu chúng ta có thể hy vọng (trong ảo vọng) rằng ở đây, những đứa trẻ vẫn sẽ hấp thu được những điều thật sự hay ho, tử tế?

2. Nếu câu chuyện về một ngôi trường nhiễm sán ở Bắc Ninh giống một nhát kiếm tàn độc chém thẳng vào cơ thể của những đứa trẻ thì câu chuyện về ngôi chùa "bắt vong - giải nghiệp" ở Quảng Ninh lại giống mồi lửa ma quái thiêu đốt rất nhiều người trưởng thành vào vòng cháy của sự u mê.

Ngôi chùa ấy - chùa Ba Vàng đã được nhận bằng kỷ lục là "Ngôi chùa trên núi có chính điện lớn nhất Đông Dương". Có nghĩa, ngôi chùa ấy không phải là ngôi chùa hẻo lánh, hoạt động trong vòng bí mật, mà là một ngôi chùa đồ sộ, uy thế, vua biết mặt chúa biết tên. Vậy mà ngôi chùa ấy lại công khai thực hiện những hoạt động tâm linh khiến tất cả các vị chân tu trên đất nước này đều giật mình kinh ngạc.

Trong giáo lý của nhà Phật có nói đến "nghiệp" không? Phải thừa nhận là có! Và những phạm trù như "nghiệp" -"nhân" - "quả" không phải là sáng tạo riêng của Đức Phật, mà đã có từ trong truyền thống của những tôn giáo bản địa Ấn Độ trước thời Đức Phật. Theo những tôn giáo bản địa này, nếu ở kiếp trước con người trót tạo nghiệp xấu thì kiếp này chắc chắn bị trả giá, và như thế có nghĩa con người bất lực trong việc thay đổi nghiệp số của mình.

Đức Phật đã “sao chép” lại những phạm trù "nghiệp" - "nhân" -"quả" của những tôn giáo này nhưng lại tạo ra một sáng tạo độc đáo, đó là đặt giữa hai phạm trù "nhân" - "quả" một chữ "duyên".

Có nghĩa là nếu kiếp trước con người trót tạo nghiệp xấu, gieo nhân xấu nhưng kiếp này biết khởi những duyên tốt thì hoàn toàn có thể tự cải nghiệp cho mình, để đạt được "quả" tốt, ngay trong kiếp này. Với sáng tạo này, Đức Phật đã chuyển tư tưởng "định mệnh luận" của tiền nhân sang tư tưởng "quyết định luận", nhằm lấy lại phần chủ động trong việc kiến tạo số phận cá nhân cho con người.

Điều đó có nghĩa, chỉ có bản thân mình, thông qua thực hành bát chánh đạo (8 con đường tu tập) mới có thể cải nghiệp cho mình. Chẳng có ông phật nào có thể làm thay mình điều này. Chẳng có vị bồ tát nào có thể làm giúp mình điều này.

Ấy thế mà thay vì lan toả những nguyên lý rất nhân văn này, chùa Ba Vàng lại thực hiện cái gọi là "bắt vong - giải nghiệp", những hoạt động vốn chỉ tồn tại trong quan điểm của một số tín ngưỡng dân gian, chứ không hề tồn tại trong nhân sinh quan phật giáo. Vậy thì, cho dù có là ngôi chùa được công nhận là "có chính điện lớn nhất Đông Dương" đấy có thực sự là một ngôi chùa đúng nghĩa nữa không?

3. Những người góp phần thực hiện cái việc bắt vong - giải nghiệp trái với giáo lý nhà phật kia hẳn đã và đang có một ngôi nhà - một gia đình của riêng mình. Cũng như thế, những người vì lòng tham đã rắp tâm đưa những miếng thịt lợn chi chít sán vào một trường học ở Bắc Ninh cũng có những ngôi nhà của mình.

Chúng ta thắc là ở những ngôi nhà mà những người này đã sống và đang sống thì câu chuyện nào, vấn đề nào, tư tưởng nào là cốt lõi, thường trực, diễn ra từng ngày, từng tháng, từng năm?

Mà cũng không riêng gì những người này, chúng ta hãy thử bình tĩnh hỏi lại chính chúng ta xem trong ngôi nhà của chúng ta, thứ ngôn ngữ nào đang trở thành ngôn ngữ chính?

Ở quanh mâm cơm, ở bên bàn nước, thậm chí ở trên giường ngủ, chúng ta thường nói với nhau về những rung động đẹp đẽ hay những bon chen đố kỵ trong cuộc sống hiện đại này?

Chúng ta đủ bình tĩnh ngồi kể lại cho nhau một giấc mơ tuyệt đẹp hay chỉ tranh thủ bàn bạc với nhau xem phải làm gì để có thể kiếm thật nhiều tiền, phải làm gì để sớm mua được một cái ô tô, phải làm gì để sớm thăng quan tiến chức?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể rằng, gần chục năm về trước ông từng làm một khảo sát xã hội học với những bạn sinh viên quanh câu hỏi: Thứ ngôn ngữ chính mà bạn nghe được trong nhà mình là gì? Câu trả lời: Ngôn ngữ thực dụng!

Cảm giác như đời sống hiện đại hôm nay, sự thực dụng đang bủa vây chúng ta, khiến thứ ngôn ngữ mà chúng ta thường xuyên nói với nhau trong ngôi nhà mình là thứ ngôn ngữ thực dụng tối cao. Và thứ ngôn ngữ ấy đã "thắt cổ" chúng ta mà chúng ta không hề hay biết?

Có phải chính thứ ngôn ngữ này đã kích hoạt lòng tham - sự ích kỷ bản chất trong "động - vật - người" chúng ta, khiến chúng ta có thể dễ dàng đưa những miếng thịt lợn đầy sán vào một trường mầm non, đưa chuyện "bắt vong" phi giáo lý vào một nơi mà giáo lý lẽ ra phải được bảo vệ tới cùng?

Nếu đúng như thế thì chính cái ngôn ngữ thực dụng bủa vây kia mới là loại sán đáng sợ nhất, mới là những vong linh ám ảnh khủng khiếp nhất, và cần phải loại trừ nhiều nhất.

4. Chúng ta sẽ nói với nhau rằng, câu chuyện về một trường học ở Bắc Ninh, một ngôi chùa ở Quảng Ninh chỉ là những câu chuyện cá biệt. Đúng! Vì vẫn có những ngôi trường tử tế với những thầy/cô giáo hy sinh cả tuổi trẻ để bám làng, bám bản.

Vẫn có những ngôi chùa tử tế với những vị trụ trì kiên quyết nói "không" với những dự án xây chùa nhằm rửa tiền hoặc giải ngân mà mình được "ướm lời". Có nghĩa, vẫn có những nhà trường đã và đang kiến tạo những giá trị tốt đẹp cho nền giáo dục, vẫn có những nhà chùa mà khi bước chân vào đó chúng ta thực sự cảm thấy tâm hồn mình an trú.

Nhưng còn nhà mình, ngôi nhà mà chúng ta đang sống thì sao? Chúng ta vẫn có thói quen phê phán người này người kia, chỉ trích nhà này, nhà kia, nhưng chúng ta có dám chắc là ở trong nhà mình, những ngôn ngữ thực dụng (nếu có) chỉ là cá biệt? Và chúng ta có dám chắc rằng trong thời buổi hôm nay, những ngôi nhà vốn tràn ngập thứ ngôn ngữ thực dụng cũng chỉ là những ngôi nhàcá biệt?

Thành thử, khi nhìn thấy những con sán trong những miếng thịt ở nhà trường, rồi nghe thấy những chuyện "bắt vong" hoang đường ở nhà chùa, chúng ta nên/và cần nhìn lại chính nhà mình.

Nếu không thể làm sạch nhà mình thì chưa biết chừng từ chính cái bệ phóng "nhà mình" - tế bào của xã hội - rồi sẽ lại có những "sán" mới, "vong" mới, đáng sợ chẳng kém gì những "sán" những "vong" mà hôm nay chúng ta đang ghê sợ và phê phán.

Phan Đăng