Ông Đinh La Thăng đối diện tổng hợp hình phạt bao nhiêu năm tù?

PV Thứ ba, ngày 19/06/2018 06:28 AM (GMT+7)
Sáng nay (19.6), Tòa phúc thẩm TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn và làm mất 800 tỷ đồng tại OceanBank.
Bình luận 0

img

Ông Đinh La Thăng tại phiên tòa sơ thẩm (ảnh TTXVN).

Đây là lần thứ 4 trong vòng 6 tháng ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên của PVN phải hầu tòa.

Vào tháng 1.2018, ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm hầu tòa sơ thẩm vụ án sai phạm trong đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Trong vụ án này ông Đinh La Thăng bị tuyên 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Sau đó ông kháng cáo.

Đến tháng 3.2018, ông Đinh La Thăng hầu tòa sơ thẩm lần thứ 2 trong vụ PVN góp vốn và làm mất 800 tỷ đồng tại OceanBank. Trong vụ án này ông Đinh La Thăng bị tuyên phạt 18 năm tù cũng về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bồi thường 600 tỷ đồng. Ông Thăng cũng kháng cáo bản án này.

Tại kỳ họp thứ 24 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (tháng 4.2918), cơ quan này đã đề nghị Ban chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng với hình thức cao nhất.  Sau đó, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 7 khóa XII (tháng 5.2018), ông Đinh La Thăng bị khai trừ khỏi Đảng.

Tháng 5.2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với ông Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án sai phạm trong đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Ông Thăng bị tuyên y án sơ thẩm (13 năm tù).

Ngay sau khi bản án phúc thẩm được tuyên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra thông báo ông Đinh La Thăng mất quyền đại biểu Quốc hội (ông Thăng trước là đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa). Theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội: Đại biểu Quốc hội bị kết tội bằng bản án, quyết định của tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, án phúc thẩm là có hiệu lực pháp luật kể từ khi tuyên.

Trở lại với vụ án PVN góp vốn và làm mất 800 tỷ đồng tại OceanBank, trong kháng cáo, ông Đình La Thăng cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc OceanBank là nguyên nhân dẫn tới việc PVN bị thiệt hại 800 tỷ đồng nhưng việc này đã không được bản án sơ thẩm xem xét đến. Về trách nhiệm dân sự (bồi thường 600 tỷ đồng), ông Thăng cho rằng ông đã rời khỏi PVN từ đầu tháng 8.2011 để nhận trách nhiệm mới nên bị cáo không thể chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra đối với PVN ở thời gian sau đó.

Tại phiên tòa này nếu Hội đồng xét cho rằng, tòa cấp sơ thẩm đã tuyên phạt ông Đinh La Thăng là có căn cứ, đúng cơ sở pháp luật, điều đó đồng nghĩa với việc kháng cáo của ông Thăng không được chấp nhận. Khi Hội đồng xét xử tuyên án sẽ tổng hợp cả bản án mà ông Đinh La Thăng bị tuyên phạt 13 năm tù trước đó. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đối với hình phạt tù có thời hạn sẽ không quá 30 năm tù.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem