Quảng Trị: Tồn 1.000 tấn cá nục, kêu gọi Chủ tịch huyện đi bán cá

21/07/2019 10:11 GMT+7
Trước tình trạng cá nục hấp sấy khô của người dân bị tồn đọng khoảng 1.000 tấn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Nếu cá tôm của dân đọng lại không bán được thì chủ tịch huyện đi bán cá vẫn tốt”.

Hơn hai tháng trở lại đây, việc xuất khẩu cá nục hấp sấy khô sang Trung Quốc ở huyện Gio Linh gặp khó khăn. Phía Trung Quốc yêu cầu chủ hàng có giấy chứng nhận nguồn gốc cá và an toàn thực phẩm.

Cá nục hấp sấy khô của người dân huyện Gio Linh bị tồn kho khoảng 100 tấn, rất khó giải quyết. Ảnh: N.V

Tuy nhiên người dân cho biết, số cá này được thu mua trực tiếp từ ngư dân địa phương và sản xuất thủ công, không có nhãn mác nên không đáp ứng được yêu cầu của đối tác.

Theo thống kê sơ bộ, tại thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt (huyện Gio Linh) hiện tồn kho khoảng 1.000 tấn cá nục hấp sấy khô.

Ông Nguyễn Duy Liệu (trú Gio Việt) cho biết, hiện còn tồn kho khoảng 100 tấn cá nục khô do không tiêu thụ được, trong khi đó mỗi tháng ông phải trả 100 triệu đồng tiền điện để cấp đông, bảo quản số hàng này.

Bà Nguyễn Thị Non (trú Gio Việt) cho biết, cũng đang tồn kho 40 tấn cá nục hấp sấy khô, mỗi tháng tiêu tốn hơn 60 triệu đồng tiền ký gửi, tiền điện…

“Nếu tồn kho lâu tôi sợ hàng sẽ hư hỏng, không thể bán được nữa” – bà Non nói.

Cá không bán được, các lò hấp sấy khô ngừng hoạt động dẫn đến hàng trăm lao động tại địa phương mất việc làm. Giá cá nục cũng lao dốc không phanh, từ 15.000 đồng/kg xuống còn 7.000-8.000 đồng/kg, thu nhập của ngư dân giảm sút rõ rệt.

Các lò hấp sấy cá ngừng hoạt động khiến nhiều người mất việc làm, giá cá nục tươi cũng giảm nửa giá.Ảnh: Ngọc Vũ

Ông Nguyễn Thanh Thương, Chủ tịch UBND xã Gio Việt cho hay, đang kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị xây dựng thương hiệu sản phẩm để thuận lợi hơn trong việc xuất bán cá nục hấp sấy khô đi ra thị trường.

Trước thực trạng đáng buồn trên, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, lỗi là do các cơ quan chức năng không sớm hướng dẫn người dân làm thủ tục về xuất xứ hàng hoá, nguồn gốc sản phẩm. Khi Trung Quốc thay đổi phương thức nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc sản phẩm, bà con nông dân không có giấy tờ chứng minh nên không thể xuất hàng, dẫn đến tồn kho.

Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, nếu hàng tồn kho thì chủ tịch huyện cần tìm cách giải quyết cho dân. Ảnh: Ngọc Vũ

Theo ông Chính, các cấp ngành phải cùng nhau nghĩ cách để giải quyết cho bà con. Trách nhiệm đầu tiên là UBND huyện Gio Linh, cùng với Sở KHCN, NNPTNT tìm đầu ra cho sản phẩm; đồng thời hướng dẫn bà con về lâu dài phải làm các thủ tục liên quan đến nguồn gốc hàng hoá.

“Nếu cá tôm của dân đọng lại không bán được thì chủ tịch huyện đi bán cá vẫn tốt, không xấu hổ gì cả. Chủ tịch huyện không phải ra chợ bán mà đem sản phẩm để giới thiệu ở những thị trường có thể sử dụng được. Ngay cả chủ tịch, bí thư tỉnh, nếu có nhiều sản phẩm ế đọng thì chúng tôi cũng đi bán, đi để giới thiệu, quảng bá” – ông Chính nói.

Theo ông Chính, từ một vấn đề như giải quyết hàng tồn đọng cho bà con nông dân sẽ tạo thành thói quen nhanh nhạy cho chính quyền địa phương, các cấp sở ngành trong xử lý vướng mắc giúp nhân dân.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục