Rét run cầm cập, dân một nơi ở Phú Thọ đang tính nấu cháo nóng cho trâu, bò ăn ấm bụng

Hoan Nguyễn Thứ bảy, ngày 23/12/2023 05:50 AM (GMT+7)
Để phòng chống rét run cầm cập, duy trì đàn vật nuôi bán Tết Nguyên đán 2024, người dân nhiều nơi ở tỉnh Phú Thọ đã nhốt chuồng kín, che chắn bằng bạt; dự trữ rơm, cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Nếu thời tiết quá lạnh bà con sẽ nấu cháo nóng cho trâu, bò ăn ấm bụng...
Bình luận 0

Phú Thọ hiện có trên 55.000 con trâu, 95.000 con bò; 767.000 con lợn và 16 triệu con gia cầm các loại. Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nền nhiệt xuống thấp từ 12 đến 19 độ C, khu vực vùng núi cao có nơi xuống dưới 10 độ C. 

Để chủ động phòng, chống rét cho đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ và các địa phương đang tích cực hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp phòng chống, tránh thiệt hại xảy ra cho người dân

Người dân nhốt chuồng, che bạt, đun cháo nóng cho đàn gia súc ăn để tránh rét - Ảnh 1.

Người dân ở huyện miền núi Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã di chuyển đàn trâu, bò ra khỏi khu vực đồi núi; đưa trâu, bò thả rông về chỗ nuôi nhốt; cung cấp thức ăn đầy đủ trong thời tiết rét run cầm cập... Ảnh: H.N

Tân Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ với tổng đàn gia súc gần 20.000 con. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra cho đàn vật nuôi, ngay khi mùa đông đến, các địa phương của huyện Tân Sơn đã triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn gia súc.

Để phòng chống rét, người dân nhiều nơi trên địa bàn huyện Tân Sơn đang chủ động các biện pháp giữ ấm cho đàn gia súc như che chắn chuồng trại bằng bạt hoặc tấm đan phên, hạn chế thả rông trâu, bò. Nguồn thức ăn cũng được bổ sung đủ chất dinh dưỡng, nhiều gia đình đã chủ động trồng cỏ voi hay tích trữ rơm cho gia súc.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Văn Luông (huyện Tân Sơn) cho biết, để chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, xã Văn Luông đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác tiêm phòng, phòng rét nhằm bảo vệ đàn vật nuôi. 

Người dân nhốt chuồng, che bạt, đun cháo nóng cho đàn gia súc ăn để tránh rét - Ảnh 2.

Nhiều hộ đã che chắn kỹ chuồng nuôi bằng bạt; thường xuyên rắc vôi bột để khử khuẩn, đảm bảo môi trường không bị dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời tiết giá rét. Ảnh: H.N

"Nhiều gia đình đã mua bạt về che chắn chuồng trại giữ ấm cho vật nuôi, tận dụng tối đa các loại thức ăn như rau vụ đông, ngô sinh khối, rơm về cho trâu, bò ăn tại chuồng. Chuẩn bị thức ăn thô, thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi. Điều này không chỉ giảm được thiệt hại về kinh tế của các hộ mà còn tác động tích cực đến việc duy trì đàn gia súc, gia cầm để xuất bán trong dịp tết Nguyên đán 2024", bà Hoa nhấn mạnh.

Chị Hà Thị Linh, Chi Hội trưởng Chi hội chăn nuôi bò sinh sản, cũng là người tham gia nuôi bò quy mô lớn ở khu Đồng Gạo, xã Văn Luông cho hay, gia đình nuôi 20 con bò sinh sản, mấy ngày gần đây khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại gia đình đã chuyển sang chế độ chăm sóc tại chuồng, không thả gia súc sớm khi thời tiết nhiều sương, lạnh buốt.

Đồng thời, thường xuyên cắt lá ngô, cỏ về cho bò để bổ sung nguồn dinh dưỡng, thức ăn tinh, thô, quây bạt để tránh gió lùa. Nhờ chú trọng việc chăm sóc tốt nên nhiều năm nay, đàn trâu của gia đình luôn vượt qua được những đợt rét của năm.

Người dân nhốt chuồng, che bạt, đun cháo nóng cho đàn gia súc ăn để tránh rét - Ảnh 3.

Ở Phú Thọ, việc chủ động tránh rét cho đàn nuôi không chỉ giảm được thiệt hại về kinh tế mà còn tác động tích cực đến việc duy trì đàn gia súc, gia cầm để xuất bán trong dịp tết Nguyên đán 2024. Ảnh: H.N

Còn anh Nguyễn Công Tính (khu Đồng Gạo) chia sẻ, mấy hôm nay, thời tiết có rét đậm, rét hại, gia đình đã chủ động quây chuồng trại để bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi (lợn, gà, trâu, bò). Bên cạnh đó, gia đình cũng đã chủ động thu gom rơm rạ về làm thức ăn dự trữ. Trường hợp thời tiết tiếp tục xuống quá sâu, gia đình sẽ đun cháo nóng để giữ ấm cơ thể, tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi tại gia đình…

Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Sơn, huyện Tân Sơn, hiện nay hầu hết người dân đã chủ động và có kinh nghiệm trong việc phòng chống rét cho đàn vật nuôi. Các hộ đã biết cách chăm sóc và bảo vệ đàn vật nuôi khi nhiệt độ thời tiết xuống thấp, kéo dài. 

Thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn huyện đã chủ động được nguồn thức ăn dự trữ như rơm, ngô sinh khối; chủ động việc bổ sung thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi. Nhờ đó, nhiều năm nay trên địa bàn huyện không có tình trạng đàn gia xúc, gia cầm bị chết do rét… 

Ông Nguyễn Tất Thành, Chỉ cục trưởng Chi cục chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Thọ cho biết, để kịp thời ứng phó với các tình huống thời tiết bất thường xảy ra, nhất là rét đậm, rét hại kéo dài với nền nhiệt thấp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống đói rét cho vật nuôi. 

Trên cơ sở đó, các địa phương liên tục cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Tập trung gia cố, sửa chữa chuồng trại, giữ khô nền chuồng, che chắn kín để tránh gió lùa, mưa hắt; giữ ấm cho gia súc, không cho gia súc làm việc, chăn thả tự do khi xảy ra rét đậm, rét hại.

Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Cán bộ chuyên môn bám địa bàn hướng dẫn hộ chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn khô (rơm, rạ, cỏ khô...), thức ăn ủ chua, bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Đối với gia cầm phải có đèn sưởi, củng cố chuồng trại chăn nuôi, che chắn giữ khô nền chuồng, kín, ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem