HOT HOT HOT:

Sách CNGD xóa độc quyền, cớ sao không ủng hộ?

17/09/2018 10:43 GMT+7
Lâu nay, dư luận đòi hỏi ngành giáo dục phải đổi mới mạnh mẽ, xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa… Ấy nhưng, khi có người dày công nghiên cứu để tạo sự thay đổi, thì lập tức bị “ném đá”!

Giữa tranh cãi ồn ào về sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (CNGD) của GS. Hồ Ngọc Đại, tôi mạnh dạn hỏi ông rằng, dư luận đang đồn ông muốn duy trì CNGD để hưởng lợi từ bản quyền bán sách giáo khoa (SGK)? “Cha đẻ” của công trình này cười lớn: Bản quyền SGK CNGD tôi đã tặng Bộ Giáo dục và Đào tạo  (GDĐT) từ hơn 10 năm trước rồi!

Theo GS. Đại, sau khi đi khảo sát nhiều tỉnh về tình hình học sinh học xong mà vẫn không biết đọc biết viết, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận (khi đó) đã nói với ông về việc muốn triển khai rộng CNGD nhằm khắc phục tình trạng trên, nhưng vẫn còn băn khoăn. GS. Hồ Ngọc Đại bèn hỏi: “Ý anh băn khoăn về việc không có tiền trả bản quyền đúng không? Tôi “cho không” Bộ đấy”. Để vị Bộ trưởng yên tâm, GS. Hồ Ngọc Đại đã viết giấy tặng.

Ông cười sảng khoái: “Tặng Bộ để cho trẻ con ý mà. Cho đến nay tôi chưa bao giờ hối tiếc về việc đó”. Vị giáo sư nổi tiếng còn cho biết, từ khi có bản quyền SGK CNGD, duy nhất chỉ một lần ông được trả 5.000 đồng (năm nghìn đồng), từ cách đây rất nhiều năm.

Tôi tiếp tục hỏi ông về bài tập đăng hình ảnh con dơi, nhưng lại chú thích là “con rơi”, hay bài toán dành cho trẻ kiểu “bàn tay có 5 ngón, chặt một ngón hỏi còn mấy ngón”, có phải là của SGK CNGD như nhiều người đang lan truyền trên mạng xã hội hay không? GS. Hồ Ngọc Đại không giấu được bức xúc: “Sách của CNGD không thể có những thứ sai sót và nhảm nhí như vậy!”.

Mới thế thôi đã thấy, đang có nhiều thông tin không đúng, cố tình nhằm vào nhà khoa học đã ở tuổi 82 này. Nhưng, là người “có ý thức về xây dựng một nền giáo dục và sứ mệnh của tôi là tạo ra nền giáo dục chưa hề có trong lịch sử”, GS. Hồ Ngọc Đại tuyên bố “không chấp những người không biết gì mà chỉ trích”.

Quả thật, thấy nhiều ý kiến đúng là kiểu “dốt nhưng tỏ ra nguy hiểm”. Họ phê phán ông không hiểu tâm lý của trẻ, mà không biết rằng, ông chính là tiến sĩ tâm lý học đầu tiên của Việt Nam - tâm lý học khoa học trẻ em. Buồn cười nữa là nhiều người nhầm lẫn giữa công trình cải tiến tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền với CNGD.

Có người hoàn toàn không hiểu gì về sách Tiếng Việt lớp 1 CNGD, vẫn phê phán “như đúng rồi”, như có bài báo viết “cách đánh vần theo chữ ô vuông bắt học sinh tiểu học, người dạy và cả phụ huynh phải đối mặt với những khái niệm ngữ âm học, âm vị học tiếng Việt xa lạ và khó hiểu”. Ở đây, hoặc là người viết không nắm được bản chất vấn đề, hoặc cố tình hiểu sai. Bởi theo GS. Hồ Ngọc Đại, phương pháp sử dụng ô vuông này giúp trẻ khi bắt đầu đi học hiểu về “tiếng” trước khi nhận mặt chữ, do tiếng hay âm thanh phát ra là thứ có trước, chữ viết chỉ là các ký hiệu được quy ước mà thôi. Những buổi học sau, các cháu vẫn học theo bảng chữ Quốc ngữ. Khi trẻ bắt đầu đến trường, việc sử dụng hình khối thay cho chữ viết sẽ giúp trẻ dễ dàng làm quen và dễ nhớ âm của từ chứ không phải là nghĩa. Những bài học sau, trẻ sẽ được học về từ, về nghĩa, về chữ viết, trên cơ sở đã nắm vững khái niệm về âm thanh.

Bà Nguyễn Thị Bích Hiền - nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) - một trong các trường dạy theo CNGD, cho biết: So với phương pháp cũ, học sinh học CNGD nhanh biết đọc hơn, nắm chắc luật chính tả và viết đúng. Học xong lớp 1 lên lớp 2 học sinh học rất nhàn, vì vốn tiếng Việt đã chắc do đã nắm rõ nguyên âm, phụ âm, vần, tiếng và luật chính tả khi viết.

Không ít người đặt câu hỏi vì sao CNGD áp dụng 40 năm vẫn không được đánh giá, trong khi chính Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đã cho biết, từ kết quả thí điểm sách CNGD, 10 năm trước, Bộ đã đồng ý cho các địa phương có nhu cầu được áp dụng dạy học. Cuối năm 2016, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã nghiên cứu, đánh giá là có hiệu quả. Mới đây, Hội đồng quốc gia của Bộ GDĐT thẩm định tài liệu Tiếng việt CNGD cũng khẳng định tài liệu đảm bảo mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng và có thể “là một phương án lựa chọn cho học sinh và giáo viên trong tương lai”, đồng thời, kiến nghị Bộ GDĐT cho phép tài liệu trên tiếp tục được thực nghiệm.

Về thực tế, sau 40 năm triển khai, đã có hàng vạn học sinh học CNGD, trong đó nhiều người đã thành đạt như GS. Ngô Bảo Châu, PGS. Nguyễn Lân Hiếu… Theo GS. Hồ Ngọc Đại, trong tổng số hơn 1 triệu trẻ học lớp 1 hiện có tới hơn 800.000 em đang theo học CNGD ở 50/63 tỉnh, thành.

Lâu nay, công chúng vẫn phàn nàn về nền giáo dục Việt Nam quá “nát”, rồi độc quyền SGK, đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ. Có biết bao nhiêu từ ngữ nặng nề dành cho người đứng đầu ngành giáo dục. Ấy nhưng, khi có người dày công nghiên cứu để tạo sự thay đổi, thì lập tức bị “ném đá”, thậm chí vu cho đủ mọi chuyện!

Lẽ ra mọi người cần hiểu rằng, thêm một chương trình dạy học như CNGD, nền giáo dục Việt Nam sẽ càng đa dạng, phong phú hơn, các vị phụ huynh có thêm một lựa chọn cho con em mình và đương nhiên, các nhà khoa học ấy không ngu như nhiều người “lấy dạ tiểu nhân đo lòng quân tử”.

Do đó, cần kêu gọi các nhà khoa học tiếp tục có nhiều công trình nghiên cứu để có các chương trình dạy học mới, thay vì tấn công người khác với những lời lẽ vô văn hóa để trở thành “kỳ đà cản mũi”. Bởi việc tồn tại cùng lúc nhiều chương trình dạy học sẽ không chỉ giúp cho giáo dục phát triển, mà còn “khắc chế” được lợi ích nhóm do độc quyền.

Xóa độc quyền giáo dục, độc quyền tri thức chỉ mang lại sự tiến bộ cho xã hội, cớ sao lại không ủng hộ?

Thanh Hằng