HOT HOT HOT:

Thông Tấn Thôn 16/3/2016: Ngập mà còn lấp

31/12/2016 07:07 GMT+7

Con số khó tin
1 tạ muối = 2 tô bún
Đó là thực tế đang diễn ra tại Bình Định, khi muối giờ chỉ bán được 400-500 đồng/kg. Cứ vậy hoài, diêm dân chắc sớm đi chầu Diêm vương quá.

Những câu nói ấn tượng

- Tới đây chúng ta có chương trình giám sát về rừng. Nghe báo cáo thì số liệu đẹp lắm, còn nhiều rừng lắm. Nhưng vào rừng mới thấy rừng rỗng hết rồi.
Tâm sự đắng lòng của đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Bình Phước trước mỗi dịp bước chân vào rừng).

- Người Việt Nam chém gió trong nước rất giỏi. Lãnh đạo chém gió còn giỏi hơn bọn tôi.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung Ương chém gió về tài chém gió của dân Việt. Có điều ông còn bồi thêm rằng khi ra nước ngoài thì chẳng ông nào thể hiện được tí gì.

- Tham nhũng cần gì phải bắn, chỉ cần làm cái lồng thật đẹp cho vào đấy để vợ nuôi là đủ, nỗi khổ sở ấy còn khủng khiếp hơn là bị bắn.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nói khi hội nghị ĐBQH chuyên trách tiếp tục thảo luận bộ luật Hình sự sửa đổi. Thì cái lồng đấy chính là nhà tù đấy. Liệu có phải chăng là một ý kiến đề nghị hủy án tử với tội tham nhũng?

Ai mới là vua?
Dạo gần đây, rộ lên chuyện “logo xe vua”. Tức là sao? Giải thích cho dễ hiểu là cứ dán những logo này lên xe, thì cảnh sát giao thông sẽ ngó lơ, hoặc có lỡ thổi thì sẽ làm nhẹ. Nói chứ, ra đường chưa biết trước được điều gì, có mấy cái bùa hộ mạng này kể ra cũng khỏe. Một trong những đối tượng bướng bỉnh, không chịu dán logo, thành ra bị phạt vạ tiêu biểu đó chính là xe chở cá tươi bị công an huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) giam xe hết mấy ngày. Bởi vậy, trước ít thì nay nhiều, cầu vượt cung, nên có người đứng ra móc nối, làm ăn quy củ để tạo thành ám hiệu riêng dán lên xe. Mà nhiều quá, không cung ứng nổi, thì lại lại có cả làm giả nên mới có chuyện ầm ĩ “logo xe xua” như vừa qua. Mà dư luận cứ nói đùa “logo xe vua”, vua cái nỗi gì? Ai mới là vua thực sự? Không có những ông vua tiêu cực trong ngành CSGT thì làm gì có chuyện vua chúa gì ở đây? Nếu người thực thi pháp luật luôn xem mọi người bình đẳng trước pháp luật là đã khác rồi.

Báo rồi cáo
Nói thật, nhiều khi người dân đến UBND các cấp, bị các cán bộ lờ đi, không phải vì họ thiếu nhiệt tình hay này nọ kia gì cả. Thật sự là các cán bộ rất là bận, chẳng hạn riêng một UBND cấp huyện thôi đã phải phải xử lý 100 báo cáo hàng ngày. Mà những báo cáo này có gọn ghẽ gì cho cam, toàn là dài lê thê, nội dung cũng chẳng có gì cả, thậm chí có báo cáo đọc xong chẳng hiểu là báo cáo gì, cứ như là chưa hề báo cáo. Thành ra hết nửa thời gian làm việc là để đọc báo cáo rồi, thời gian còn lại để xử lý công việc cũng không nhiều nhặn gì cả, nên nhiều khi gặp người dân cứ lướt lướt vậy thôi. Cho nên, phải giảm số lượng báo cáo lại. Giảm số lượng báo cáo, vừa gọn việc, vừa gọn bộ máy, trước hết là giảm được cán bộ ở khâu viết báo cáo và đọc báo cáo. Nhưng việc này, có lẽ còn phải chờ báo cáo thôi. Báo cáo hết.

Dầu rơi
Giá dầu thế giới đã giảm sâu, đạt mức giảm thấp nhất trong gần 10 năm nay. Tuy vậy, giá xăng dầu trong nước vẫn chưa giảm ở mức tương ứng. Tính ra, giá xăng ta nhập vào khoảng 9.000 đồng/lít, mà giá bán lẻ ở mức 18.000 đồng/lít thì người tiêu dùng khó có thể hài lòng hay chấp nhận được. Nhưng giá xăng giảm là một chuyện, còn các loại giá khác có giảm hay không lại là chuyện khác. Mà các loại giá khác này ngộ lắm nhé, khi giá xăng tăng đương nhiên phải tăng theo, bởi lý do là giá xăng tăng luôn luôn ảnh hưởng đến các mặt hàng khác. Ấy thế mà giá xăng giảm cứ bình chân như vại, cứ như là chuyện ở đâu đâu. Tính đi tính lại, chịu khổ vẫn là người tiêu dùng. Mà người tiêu dùng là ai? Chính là quảng đại quần chúng.

Xã hội và Nhân văn
Chúng ta có chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho các sinh viên là người dân tộc và thuộc hộ nghèo. Ấy mà đã qua 3 học kỳ, mà các sinh viên thuộc diện trên thuộc Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội vẫn chưa nhận được số tiền hỗ trợ trên. Tính ra cũng đâu có ít, giờ đã là 6 tỷ đồng rồi. Sẽ có người bảo 6 tỷ nghe có vẻ lớn, nhưng chia ra cho từng sinh viên thì cũng có bao nhiêu. Nhưng không là bao nhiêu với người này, có thể là rất nhiều với người khác. Mà nói chung, đã là chính sách, tiền trên bổ xuống, nhà trường có nghĩa vụ cấp phát cho sinh viên thì cứ làm, một đồng cũng không được nợ. Nhưng thôi, học phải đi đôi với hành, học xã hội – nhân văn phải biết thế nào là nhân văn – xã hội chứ. Chính sách hỗ trợ thì rất nhân văn rồi đấy, còn chuyện nợ tiền tuy chưa nhân văn nhưng lại rất xã hội.

Trả tuổi cho em
Phó phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tỉnh Hậu Giang, theo đúng giấy tờ hộ tịch, sẽ nghỉ hưu vào tháng 10/2015. Nhưng trước hạn nghỉ hưu này, ông lại làm giấy tờ xin cải chính lại là ông sinh năm 1963, thay vì 1957 như trước. Rồi, tham quyền cố vị, ham ghế giữ ghế, trẻ lại 6 năm đặng lân la cả khóa sau. Nhiều người bàn tán ra vào như thế. Nhưng lầm rồi, ông này sau khi trải qua nhiều công đoạn phiền phức, rốt cuộc cũng được công nhận sinh năm 1963 như ông mong muốn. Vậy mà ông nộp đơn sinh hưu non cái rụp, chẳng nói chẳng rằng gì cả. Té ra là quân tử, chỉ cần làm đúng sự thật, và chỉ cần có sự thật? Cũng chưa chắc, bởi ông này bị phát hiện quan hệ bất chính với một phụ nữ đã có chồng. Không xin hưu non chắc trước sau gì cũng ăn kỷ luật hoặc đuổi khỏi ngành thôi. Ông làm bên cảnh sát môi trường mà, phải biết những đối tượng nào sẽ bị loại bỏ để cho sạch môi trường.

Lại lỗi phần mềm
Mấy hôm trước, có chuyện một số doanh nghiệp bị Tổng Cục Thuế bêu tên nợ thuế oan vì sai lỗi phần mềm. Giờ lại thêm một chuyện lỗi phần mềm nữa. Đó là chuyện nhiều thí sinh đinh ninh là đậu đại học, chỉ đển khi không thấy tên trong danh sách trúng tuyển mới té ngửa ra là rớt. Sự việc này vừa xảy ra với nhiều thí sinh tham gia xét tuyển nguyện vọng 1. Thành ra cái chuyện tuyển sinh năm nay, dù Bộ đã nhận sai, đã mong dư luận bớt rủa xả để rút kinh nghiệm, nhưng cứ trục trặc như thế thì lại còn có nhiều thứ khác để bàn tới bàn lui. Lỗi cụ thể ở đây là gì? Đó là cái phần mềm mắc toi bỗng dưng lại đi xóa dữ liệu của thí sinh. Thành ra thí sinh cao hơn điểm chuẩn, đã nộp hồ sơ rồi, nhưng mất dữ liệu nên thành ra không trúng tuyển. Mà cũng không thể khắc phục bằng cách loại ra những người đã được công bố trúng tuyển được. Riêng gì, chứ khả năng công nghệ thông tin của các bác ngành giáo dục ta hãy còn hạn chế lắm. Nhớ hồi trước, có cả ông nỡm học sinh còn thay được cả ảnh bộ trưởng bằng ảnh của hắn trên trang web chính nữa cơ mà.

Ngập mà còn lấp
Biên Hòa (Đồng Nai) dạo gần đây thường bị ngập nặng sau những trận mưa lớn. Mưa có lớn thật, nhưng ở chỗ khác chỉ ngập lấp xấp hoăc ướt đường là thôi, sau cơn mưa trời lại sáng và đường lại ráo. Nhưng ở Biên Hòa lại ngập những nửa xe, đã thế còn ngập dai. Mà ở miền Nam, mưa xong lại nắng ráo là bình thường. Cứ tưởng tượng đang di chuyển mà dưới chân thì nước ngập lênh láng, trong khi nắng chói trên đầu. Ai chịu cho nổi. Vậy mà tỉnh lại có chủ trương lấp bớt sông Đồng Nai để làm dự án nữa chứ. Khơi thông sông suối cho mau thoát nước không lo, lại lo đi lấp sông. Chưa lấp đã thế. Lấp rồi sẽ ra sao?

Hút
Ở nước người ta giàu có tài nguyên lắm, chắc gì mình đã hơn, thế nhưng chỉ riêng mình ta là tự nhận rừng vàng biển bạc. Thấy ta tự sướng như thế, nhiều nơi khác cũng hùa vô, khen lấy khen để Việt Nam lắm tài nguyên, giàu có sản vật, chất lượng này nọ tốt nhất thế giới. Được khen lắm, nên mờ mờ mịt mịt, rơi vào mê hồn trận, có bao nhiêu thứ ngon lành móc mang bán cả. Cụ thể là ở Khánh Hòa, bỗng dưng được nghe cát biển ở đây chất lượng tốt nhất thế giới, thế là lập luôn dự án hút hơn 45 triệu m3 cát để thu về 2.754 tỉ đồng. Dĩ nhiên là dân chúng la làng, mới triển khai sơ bộ đã khiến nhiều nhà dân bị sụt lún nghiêm trọng. Tỉnh bảo rằng hút cát này vì đây là cát nhiễm mặn. Nói thế thì hút cả bờ biển Việt Nam à, bởi cát biển thì đương nhiên phải nhiễm mặn rồi. Tiền thì nhiều thật, cũng cần thật đấy. Nhưng hút với số lượng lớn như thế, chắc chắn có vấn đề. Hút thai còn phải hạn chế nữa là hút tài nguyên.

Chậm mà chắc
Đã vào thu, theo thông lệ có Diễn đàn Kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức. Và tại diễn đàn năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nước ta còn cải cách quá chậm, khiến chưa tận dụng tốt cơ hội mà hội nhập mang lại, dẫn đến nhiều nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới. Chỉ ra rất nhiều dẫn chứng như công nghệ lạc hậu, mức sống chưa cao… Tất nhiên ý kiến chuyên gia là phải lắng nghe, nhưng chưa hẳn đã là đúng hết. Cái gì cũng có quá trình cả. So với 20-30 năm trước, ta đã đi một bước rất dài. Trước ti vi, điện thoại, xe máy… là niềm mơ ước của mọi gia đình, nhưng giờ hầu khắp đều đã có. Trước chạy ăn từng bữa, giờ đã là cường quốc lương thực. Nói chung thành tựu cũng có, mà hạn chế cũng còn. Thôi thì cứ từ từ như trước. Giờ đang ước nhà lầu xe hơi, chắc cũng tầm vài chục năm nữa cũng phổ biến cả thôi. Hy vọng ước không chỉ là ước.

Lỗi lớn khó nói
Công an TP. HCM chẳng hiểu sao lại cấp trùng số hơn 7.200 chứng minh nhân dân cho người dân. Sự việc phát hiện, ngay lập tức chỉ đạo này nọ, chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Vậy là chỉ vài tuần sau, có đại diện của công an đến tận nhà xin lỗi và cấp mới CMND. Ổn, hành xử vậy là mẫu mực. Chuyện lỗi phải này nọ, không ai, không tổ chức nào có thể tránh khỏi. Quan trọng là sửa chữa như thế nào. Chỉ vì trùng CMND mà đến tận nhà xin lỗi và khắc phục hậu quả thì không ai không phục cả. Có điều, CMND là chuyện nhỏ, xin lỗi cũng dễ. Còn mấy chuyện lớn, như chuyện giam oan ông Trương Bá Nhàn hơn 1.300 ngày, mà lại xin lỗi chỉ có 1 phút 30 giây là khiến người ta còn lợn cợn. Lỗi nhỏ xin rất dễ, chứ lỗi lớn, lời xin lỗi xem ra vẫn còn nặng lắm.

Khuyến
Dân ta quả thật có truyền thống khuyến học và hiếu học. Học không được cũng cố gắng đẩy đi học. Con không chịu đi học thì cha đưa đến tận lớp. Nhận thức cao độ về truyền thống khuyến học cao quý đó, nên ở một số huyện miền núi Nghệ An, miễn các em nào thi không bị điểm liệt (0 điểm), tức từ 0,25 điểm/môn là vô tư được vào cấp 3. Vảo được cấp 3, sau lại thi tốt nghiệp, cho thi trắc nghiệm, cộng điểm ưu tiên này nọ, lại thêm chuyện hỗn loạn thi cử, biết đâu may mắn lại vào được cao đẳng – đại học. Sau cũng có mác trí thức đàng hoàng, vinh quy bái tổ, về huyện lại làm chức cao. Đấy, tuy nói chưa chắc làm được nhưng không phải là không thể. Thành ra khuyến học kiểu này phải chuyển thành khuyến cáo thôi.

Nhịn mồm
Thủy sản nước nhà, xin lỗi không phải nổ, chứ thuộc hàng ngon có tiếng trên thế giới. Trái cây, hoa quả cũng không phải dạng vừa đâu, có số má cả đấy. Nhưng nghịch lý rằng, những hàng ngon lành nhất, tươi xanh nhất thì người tiêu dùng trong nước lại không được sử dụng. Toàn là xuất ra nước ngoài, để thu về ngoại tệ cho đất nước. Bởi thế mới có chuyện hoa quả Trung Quốc, trái cây Thái Lan làm chủ thị trường Việt Nam. Bởi thế mới có chuyện dân ta chỉ được ăn thủy hải sạn hạng thứ. Thôi, ta vẫn là con nhà nghèo, nhịn mồm đi để đãi khách vậy.

Trương Minh Hoàng