Thông Tấn Thôn 23/3/2016: Những câu nói ấn tượng

31/12/2016 07:07 GMT+7

Con số khó tin
650
Kiểm tra sơ một vòng các lò giết mổ tại TP. HCM, có trường hợp tồn dư chất tạo nạc, tăng trọng trong thịt lợn cao đến 650 lần cho phép. Thịt kiểu này thì phải “thịt” thôi.

Những câu nói ấn tượng
- Người dân cần gì thì mình làm cái đó, chứ không ngồi trong phòng sáng tạo.
Tân Chủ tịch UBND quận 12 (TP. HCM) Trương Lê Hải Hiếu phát biểu trong những ngày đầu nhậm chức. Theo đó, chính sách, giải pháp, không thể ngồi trong phòng mà sáng tạo, hư cấu hay chế ra được.

- V-League chỉ có một thứ tăng: đó là lượng người quay lưng với bóng đá.
Sơ kết của một người hâm mộ bóng đá trước khi mùa giải V-League năm nay hạ màn.

- Làm cái gì cũng xin ý kiến ở trên thì mất hết cơ hội.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho rằng cần phải phân cấp về địa phương mạnh mẽ hơn nữa.

Một một nằm
Xưa nay, các đầu số gọi khẩn cấp như 113 (công an), 114 (cứu hỏa), 115 (cấp cứu) thường do các đơn vị nhà nước quản lý. Thế nhưng, từ nhiều năm qua, tại Nghệ An và Hà Tĩnh, tổng đài cấp cứu lại giao cho doanh nghiệp tư nhân. Tại Nghệ An, số này được cấp cho một bệnh viện tư nhân. Còn ở Hà Tĩnh, thì lại giao cho một đơn vị tư nhân hoạt động trong lĩnh vực cấp cứu. Chuyện này gây bất bình đối với người dân vì bị tước quyền lựa chọn nơi cấp cứu, khám chữa bệnh ban đầu. Chưa kể, nơi đây là đơn vị tư nhân. Ai dám chắc là tư nhân cả đời không gọi cấp cứu? Nhỡ khi chính họ cần cấp cứu, họ lại gọi cho chính họ à? Và hơn nữa, đây là tư nhân, đặt lợi nhuận lên trên đầu, miễn sao có tiền là làm, thành ra mới có chuyện có người thuê được cả xe cấp cứu đi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để rút hồ sơ xét tuyển đại học trong đợt tuyển sinh vừa qua.

Tấm lòng người thầy
“Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ”… biết bao câu thành ngữ, tục ngữ… dùng để nói lên tấm lòng của người thầy. Và thật sự, trong thời buổi hiện nay, để giữ được những nét đẹp, nét cao cả đó rất là khó. Khó, nhưng không phải không có. Chẳng hạn như một học sinh lớp 4 trường tiểu học Hàm Cường 1 (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) chỉ học được 2 tháng trong năm học 2014-2015. Thế là xong phim rồi, chẳng còn gì để nói, cả năm học chỉ có mặt được 2 tháng, bèo bèo cũng lưu bang, ở lại lớp, có khi còn bị hủy hồ sơ, khỏi đi học nữa luôn. Nhưng với tấm lòng người thầy, nhà trường vẫn được cho lên lớp. Mà nào phải muốn cho lên là lên? Phải có hồ sơ, bài thi, điểm thi đàng hoàng mới lên lớp được. Vậy là nhà trường lại một lần nữa liều mình vì học sinh, lập luôn hồ sơ khống, bài thi khống… để cho học sinh được lên lớp cho trọn vẹn, sạch sẽ. Quả là những tình cảm thầy trò cao đẹp không bút nào tả xiết.

Phát triển triết lý
Người dân xã An Hòa (An Lão, Bình Định) đang bức xúc vì chuyện bò bê này nọ. Vốn là một số hộ nghèo trong xã được nhận bò giống hỗ trợ từ Chương trình 30a. Tuy nhiên, xã cho rằng số tiền hỗ trợ không đủ mua bò, nên đề nghị các hộ được hỗ trợ đóng thêm 5 triệu đồng để được có bò ngon lành. Tất nhiên là phải đóng rồi, nhiều hộ không đủ tiền cũng phải chạy vạy khắp nơi. Song, đến hồi nhận bò thì hỡi ôi, toàn là bò gầy nhom, ốm nhách, đã thế còn phải bốc thăm chọn bò chứ chất lượng chẳng hề đồng đều. Ơ hay, thế thì đâu có gì phải bức xúc? Phát cho bò béo, mang ra chợ xẻ thịt bán quách thì còn gì gọi là hỗ trợ. Phải đưa bò gầy, để người dân bỏ công sức ra lao động, vỗ béo cho bò rồi mới được hưởng thành quả chứ. Ấy là phát triển triết lý “cho con cá chứ không cho cần câu” ở mức tột độ.

Nổi như hàng chợ
Mấy hôm nay, dư luận bức xúc khi trang web của Bộ VH-TT&DL lại có những sai lầm hết sức ngô nghê, sơ đẳng. Cụ thể là khi giới thiệu về hình ảnh chợ nổi Cái Bè, thì trang web lại minh họa bằng hình ảnh chợ nổi của Thái Lan. Chắc chắn, nhiều người vô tình xem trên mạng mà thấy điều này sẽ hết sức ngạc nhiên và khó chịu. Thôi thì, Bộ VH-TT&DL nào phải chỉ làm nghĩa vụ quốc gia, mà còn phải làm nghĩa vụ quốc tế nữa chứ, có giới thiệu hộ du lịch nước bạn cũng là chuyện bình thường. Còn chợ nổi Cái Bè, nằm trên sông Tiền, sông Tiền là một nhánh của sông Mekong, mà sông có chảy qua Thái Lan. Thế thì hình ảnh và nội dung đã có phần liên quan rồi đó. Và một vấn đề nữa, trang web của Bộ, thì không nên thả nổi như hàng chợ trong chuyện chợ nổi vừa qua.

Tên lạ
“Đường Ướp Lạnh” là tên con phố mới, dài khoảng 1 km, giao cắt với phố Hàm Nghi nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), có để biển tên đàng hoàng. Dĩ nhiên là chẳng ai có thể chấp nhận được cái tên kỳ cục như vậy. Có người tố lên, Sở VH-TT&DL vào cuộc, cũng bảo rằng trong tất cả các tên đường phố đã có tại Hà Nội, chưa hề có tên nào là “Ướp Lạnh” cả. Sở GTVT cũng thừa nhận rằng con phố này cũng chưa hề đặt tên. Thế tên này ở đâu ra? Té ra là Công ty Cổ phần Giao thông 2 (Sở GTVT Hà Nội), đơn vị quản lý con đường trên, đã tự tiện đặt cái tên như vậy cho con phố mới này. Thật là không thể chấp nhận được? Muốn đặt là đặt à? Đặt mà lại đặt lung tung, phản cảm thế à? Ai đời lại đặt là “Ướp Lạnh”. Phải đặt là “Lát xê”, nghe cho có vẻ tây tây, sang sang, chảnh chảnh, lại có người ù ù cạc cạc, không hiểu rõ nghĩa, sẽ không có chuyện phiền phức thế nữa.

Đục khoét
Rừng Phú Quốc (Kiên Giang) được xem như trái tim của hòn đảo này, mất rừng coi như mất tất cả, mất từ nguồn nước, mất cả môi trường sinh thái đảo. Nhưng hiện trạng hiện nay đã rất nguy cấp, khi rừng Phú Quốc đang bị bức tử hàng loạt với quy mô lớn chưa từng có tại đây. Nói thẳng là vụ việc diễn ra đã lâu, người dân bảo rằng trong nhiều khu vực, rừng trống như bãi sân banh. Còn hỏi đến cán bộ sở tại, họ thừa nhận thẳng thừng rằng mất rừng thì lỗi đầu tiên đương nhiên thuộc về cán bộ địa phương cấp cơ sở vì đã không đủ mạnh mẽ để xử lý dứt điểm. Rừng đương nhiên phải có cây, mất rừng là do mất cây. Vậy cứ xem chuyện mất rừng là do cây bị sâu bọ đục khoét thôi. Và chuyện sâu bọ đục khoét không chỉ ở Phú Quốc, mà còn ở nhiều nơi khác nữa. Ở những nơi khác, có thể không là mất rừng, nhưng sẽ là mất lòng tin.

Hội nhập mà chưa nhập hội
Nước ta hội nhập với nền kinh tế toàn cầu đã lâu, tổ chức này nọ đã tham gia, hiệp định đủ thứ cũng đã ký kết đâu đó. Nhưng đến giờ, những việc cần làm sau khi hội nhập vẫn còn nhiều bất cập. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng hội nhập cần đi liền với đổi mới, cải cách thể chế, nhưng chúng ta đổi mới bên trong chậm trễ quá. Mới chỉ giảm được thời gian thông quan ở hải quan mà thôi, những việc khác vẫn còn rất chậm. Còn ông đàm phán thì cứ đàm phán, ông ở nhà chẳng biết gì cả nên việc chủ động hội nhập mới chỉ ở người đi đàm phán. Hoặc những tưởng khi hội nhập, cơ chế xin cho sẽ giảm đi, nhưng ai dè lại tăng lên mới buồn cười. Ngặt nỗi, trước khi hội nhập là ta xin cho trong nhà với nhau, nhưng đã hội nhập ta lại xin cho đến đẳng cấp quốc tế. Chẳng hạn như lẽ ra ta phải làm gì để người ta thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, thì ta lại phải đi xin để được nước khác thừa nhận.

Xã hội hóa kỷ niệm
Trường THPT Tân Lâm (Cam Lộ, Quảng Trị) vào giữa tháng 9 này sẽ tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường. Dự chi tổ chức buổi lễ này khoảng 300 triệu đồng. Nghe nhắc tới tiền, là đã nghe oải oải rồi đó. Bởi vậy, nhà trường đã phát động xã hội hóa. Mà xã hội hóa chi đâu cho xa, bản thân trường học cũng đã là một xã hội thu nhỏ, nên nhà trường xã hội hóa bằng cách huy động mỗi học sinh đóng góp 100.000 đồng, được ghi hẳn vào phiếu danh mục các khoản nộp đầu năm và phát cho học sinh. Tất nhiên, học sinh mang về nhà rồi nã tiền bố mẹ. Bố mẹ chúng có người đồng ý, người không. Người không đồng ý thì bức xúc làm ầm lên. Thành ra hiệu trưởng phải nói lại cho rõ là: dự chi 300 triệu, thì trong đó có chỉ chi 110 triệu để làm lễ, còn để sửa chữa cơ sở vật chất đầu năm. Ngoài ra chuyện đóng góp cũng chỉ là tùy hỷ, nhưng mức tối thiểu là 100.000 đồng. Đã tùy hỷ mà còn có định mức thấp nhất, lý lẽ này kể ra cũng lạ.

Phôi pha
3.000 phôi giấy đỏ do Bộ TN&MT phát hành bị mất khi được chuyển phát nhanh từ Hà Nội vào Đà Nẵng và Phú Yên. Phôi giấy đỏ, cũng chỉ là tờ giấy, nhưng lại hơn các tờ giấy bình thường, đó là bằng khoán của cả một gia tài, chứ đâu phải ít ỏi gì. Nhỡ lọt vào tay nào đó ở Đà Nẵng chẳng hạn, người ta viết phết lên đấy, bảo rằng đất cấm trên rừng Hải Vân là đất của họ, họ tự do xây biệt thự, biệt phủ thì làm sao mà có thể thu hồi được? Thành ra chuyện mất phôi này hết sức nguy hiểm. Nhưng sự việc đã xảy ra hàng mấy tháng, có nghe thấy gì đâu. Yên tâm, Bộ TN&MT đã kỷ luật cục phó phụ trách vấn đề này và tiếp tục được cơ quan điều tra làm rõ. Chuyện mất phôi, tuyệt không để phôi pha được.

Trả lại quả
Chuyện Giám đốc Sở Y tế một tỉnh phía Nam được một cá nhân biếu những 400 triệu đồng, nhưng đã khẳng khái không nhận. Nhưng tiếng là không nhận thôi, nhưng ông này lại không báo cấp trên, mà mang thẳng đến cơ quan của ông, nộp vào quỹ của Sở Y tế và dự kiến được dùng làm kinh phí hoạt động của Sở. Ơ thế này là thế nào? Nhận không nhận thì phải rõ ràng, nam nhi làm việc quang minh lỗi lạc. Chuyện được người khác biếu tiền, không nhận thì trả lại, bảo trả lại nhưng lại nộp vào cơ quan để làm kinh phí hoạt động, cũng chẳng báo cáo cấp trên thì còn gì tôn ti trật tự. Ngặt nỗi giờ người được cho là mang tiền đi biếu lại bảo là không có biếu. Làm việc thiếu nguyên tắc, thiếu minh bạch sẽ phát sinh phiền phức. Chưa kể, có khi nào người biếu phủ nhận, bởi đơn giản là họ biếu hàng tỷ bạc chứ không phải vài trăm triệu như ông này khai báo thì sao? Hoặc nhân văn hơn, là do ông giám đốc sở quá hào phóng, biếu cơ quan vài trăm triệu xài chơi?

Lễ hội khui thùng
Ngay trong ngày khai giảng năm học mới, tỉnh Hà Tĩnh cũng diễn ra một lễ hội vô cùng to lớn. Này nhé, có công văn hỏa tốc do chánh văn phòng UBND tỉnh ký mời tham dự. Thành phần khách mời toàn là chức sắc hàng đầu trong tỉnh, từ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh. Phải nói rằng rất là hoành tráng. Lễ hội này thuộc hàng độc và lạ của cả nước, đó là lễ hội “Tôi yêu bia Sài Gòn”. Về tinh thần, đây là thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Về vật chất, tất nhiên đến là để uống bia, chứ chẳng phải uống nước lã, nước trà, hay nước suối gì cả. Sau này, sau bia Sài Gòn, để khỏi vi phạm luật cạnh tranh, tỉnh Hà Tĩnh chắc chắn còn phải tổ chức nhiều lễ hội yêu bia khác nữa, như yêu bia Hà Nội, yêu bia Kim Bài, yêu bia Phong Dinh, yêu bia tiến sĩ… Cứ yêu bia miết, suốt ngày say xỉn, cũng sớm đến ngày yêu bia mộ cả thôi.

Đi trước thời đại
Năm học mới vừa vào, phụ huynh bắt đầu chóng mặt, muốn ngất ngây với các khoản thu phí vào đầu năm học. Trong đó, bức xúc nhất là chuyện thu tiền Bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, năm nay số tiền đóng cho từng tháng là cao hơn, để đón đầu đợt tăng lương sắp tới, và số tháng phải đóng thay vì là 12 tháng như trước giờ chuyển sang phải đóng những 15 tháng. Thành ra tiền BHYT tăng lên gấp đôi so với năm ngoái, và xấp xỉ cả tiền học phí. Đây là áp lực rất lớn dành cho các hộ không khá gì, phải chạy ăn từng bữa. Theo như phía BHYT lý giải, làm vậy là vì độ tuổi học sinh rất hiếu động, cần phải có BHYT thường xuyên để đề phòng, và mua thêm vài tháng, thay vì 12 tháng, là để phòng hờ. Rõ ràng phía BHYT nói đúng. Nhưng làm vậy là chưa đúng. Theo đó, ngay khi học sinh vào lớp 1, cứ đè ra bắt đóng BHY cho tận 12 năm, trọn đủ 12 năm học, thậm chí bắt đóng luôn cho 15 năm cũng được, trừ hao những người có nguy cơ bị lưu ban. Và mức thu, nên đón đầu bằng cách tính theo lương dự đoán trong 15 năm tới. Thế mới là bảo hiểm thật sự, khỏi lo sảy đằng nào cả.

Trương Minh Hoàng