HOT HOT HOT:

Thông Tấn Thôn 30/3/2016: Con số khó tin

31/12/2016 07:07 GMT+7

Con số khó tin
3,5 triệu đồng/tháng
Mức lương dành cho tiến sĩ tại một trường đại học danh tiếng của Hà Nội. Đúng là kẻ sĩ Việt Nam có khác. Chỉ cần lao động, cống hiến thôi. Chứ không cần phải lương cao gì cả.

Những câu nói ấn tượng

- Các anh nói nhiều đến tiền, nhưng khả năng đất nước không đáp ứng được. Chẳng khác nào các cháu học sinh nông thôn, bố mẹ làm ruộng nhưng ra Hà Nội học đại học lại muốn thuê nhà ở Royal City, đi xe Liberty.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, chỉ trích những đề án giao thông vẽ ra vốn cả triệu tỉ, vượt quá sức chịu đựng của đất nước.

- Các doanh nghiệp độc quyền không thể chết được. Người dân là con tin của ông rồi. Chỉ cần chậm nộp tiền điện 1 tuần là bị cắt điện. Còn ông lỗ nghìn tỉ hay vỡ ống nước thì không ai cắt ông được cả.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, lên tiếng về chuyện các tập đoàn lớn đòi bù lỗ do lỗ tỉ giá.

- Về kết quả chống tham nhũng không như mong muốn, trước chúng ta đổ lỗi cho cơ chế, bây giờ lại dùng từ thể chế.
Ông Nguyễn Công Hồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, khái quát những cách đổ lỗi cho việc chống tham nhũng thiếu hiệu quả như hiện nay: trước là cơ chế, nay là thể chế!

Phi lý
Nông dân nuôi tôm, cá tra tại Tây Nam Bộ lại một lần nữa đứng trước thử thách vô cùng to lớn. Nhiều hộ đã phải treo ao vì thua lỗ. Trong khi đó, giá nguyên liệu thức ăn cho tôm cá đều đã giảm, nhưng cái khó là thức ăn lại do doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ, thành ra không kiểm soát nổi. Mà giá xuất khẩu cũng liên tục giảm, lại còn bị qua trung gian nhiều lớp, nên chuyện thua lỗ phải treo ao là điều khó tránh khỏi. Nhưng ức một phát là đã có liên kết “bốn nhà” nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp mà lại để nông dân bị ép hoài là sao? Tỉ như người bán cám không chịu hạ giá, nông dân phá sản, thì khi đó cả nông dân lẫn ông bán cám đều phải đi ăn cám cả. Đằng này chỉ nông dân chết một mình thì phi lý thật.

Chẳng có gì khó
Chuyện người dân tự xử trộm chó, thậm chí hành hung đến chết trộm chó, những tưởng là chuyện bất lực, khó quản lý. Ấy vậy mà tại huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) lại giải quyết được vấn nạn này, thậm chí còn giải quyết rất êm đẹp là đằng khác. Đó là tại xã Hành Tín Đông, khi người dân phát hiện trộm chó, sẽ dùng mõ tre để báo hiệu, ngay lập tức, tín hiệu lan truyền khắp cả xóm. Nghe tín hiệu, trai tráng trong làng bịt mọi ngõ ngách lại, khi bắt được trộm bèn giao công an xử lý. Trước đó đã diễn tập nhiều lần và khuyến cáo không được hành hung trộm chó. Nên vừa qua, có 2 trộm chó tuy bị bắt nhưng chẳng hề bị người dân tự xử. Kẻ xấu không thoát được, mà hậu quả đáng tiếc cũng không xảy ra. Té ra chỉ cần quán triệt này nọ là xong. Như một cụ ông nói vui: “Bắt bọn trộm chó, có cái chó gì mà khó”.

Đao hạ lưu nhân
Xưa nay, học đại học ngành y thường có thời gian học lâu nhất, cụ thể là 6 năm. Ấy thế mà có người học đã tận 27 năm, theo đúng quy định thì đã quá hạn tốt nghiệp, tất bị buộc thôi học, và không có bằng tốt nghiệp. Ấy thế mà nhà trường đã định đánh rớt, nhưng còn có người kêu gọi “đao hạ lưu nhân”, gửi đơn xin nhà trường cứu vớt cho đậu tốt nghiệp. Ấy chính là Sở y tế của một số địa phương phía Nam, khi gửi “công văn xin đậu” trực tiếp cho trường Đại học Y Dược TP.HCM. Nói gì thì nói, tốt nghiệp đại học thể dục thể thao hay kinh tế, tài chính, ngân hàng gì đó... có lỡ cho cũng được. Chứ còn như y dược, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng của người khác, mà xin bằng tốt nghiệp thì mạo hiểm quá. Và những Sở Y tế đi xin xỏ thế này thực sự là không có lương tâm khi đề nghị cấp bằng tốt nghiệp cho những đối tượng không xứng đáng. Nhân từ với lương y dở khác nào tàn ác với bệnh nhân.

Mời tận nơi
Người dân làng nuôi cá bè Long Sơn vừa mang thủy sản chết hàng loạt đến tận trụ sở UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để bắt đền vì thủy sản chết do ô nhiễm môi trường nước. Rõ ràng, nhõng nhẽo như vậy là không đúng. Bởi vì sao? Thủy sản mang ra khỏi nước thì chết là cái chắc. Mang đến trụ sở cơ quan làm sao sống nổi, rồi ở đó bù lu rằng chết do ô nhiễm là không thuyết phục, không có cơ sở. Thủy hải sản chết trên bờ có đầy. Ai cũng mang đến bắt đền thì chẳng ai hơi đâu mà xem tới đâu. Thành ra, muốn bắt đền này nọ, phải thỉnh được các vị ấy đến tận nơi, xem xét đâu đó cẩn thận rồi mới đòi bắt đền được. Nhưng té ra là đã mời nhiều lần rồi, mà chẳng ai đến cả nên mới phải ra ủy ban ăn vạ như thế.

Thiếu cầu tiến
Sắp tới, nghe đồn chuẩn bị tăng lương tối thiểu. Ai cũng khấp khởi mừng thầm. Những người tư duy sâu xa hơn lại cho rằng tăng lương chưa chắc đã sướng. Vì có khi lương tăng 1 mà giá tăng 2, tăng 3. Nên về giá trị có thể tăng, nhưng giá trị thực tế tiền lương sẽ giảm. Mà thôi,, dù gì cứ có thêm tiền là thấy sướng trước mắt phát đã. Về phía các chuyên gia, họ cho rằng tăng là đúng, bởi hiện lương tối thiểu của ta cũng chỉ mới cao hơn Lào và Campuchia. Đấy mới là điều đáng bàn đây này. Ta đã nhìn thì nhìn xa ra hơn nữa, cứ bảo là hơn những nước này nước khác, ở đâu chẳng được? Tại sao động gì cũng bảo ta chỉ hơn Lào và Campuchia? Nước bạn có phải là điển hình chậm tiến đâu mà cứ lôi người ta ra so sánh hoài? Rồi chưa kể, hễ có thống kê gì mà ta thấp hơn Lào và Campuchia là tất cả mọi người lại cứ giãy đành đạch lên, như đĩa phải vôi, xem như tận thế đến nơi. Bạn hơn ta thì ta chúc mừng bạn, ta thua bạn thì nhìn đấy mà phấn đấu. Đấy mới là thái độ cầu tiến, cầu thị. Có thế thôi mà cứ phải xoắn lên.

Ra sách lộ mặt
Bộ sách tư liệu 13 tập về các sự kiện thành lập nước do Công ty Minh Thành và các nhà xuất nản danh tiếng như NXB Trẻ, Thanh Niên, Khoa học Xã hội, Văn hóa thông tin cùng nhau ấn hành là bộ sách thuộc loại sách gốc, để trong thư viện làm tư liệu cho toàn dân, cần có độ chính xác cao, nếu không nói là tuyệt đối. Ấy vậy mà, sai be bét cả. Từ sai lỗi chính tả, lỗi morasse, sai sự kiện, sai chú thích, tranh ảnh minh họa cũng nhập nhằng nốt ... Thành ra vừa phát hành đã bị thu hồi cả rồi. Góp phần làm thêm một tấm gương điển hình cho chuyện làm ăn bôi bác của ngành xuất bản. Mà đâu phải dạng vừa? Đứng tên toàn là giáo sư, tiến sĩ cả đấy, học hàm như sao, học vị như núi. Nhờ vậy, càng củng cố hơn nữa “thương hiệu” học hàm học vị nước nhà.

Tân quán quân
Chỉ số năng lực cạnh tranh của các tỉnh thành, là thước đo để đánh giá chính sách mở cửa đầu tư dành cho các địa phương. Và năm nay, chắc chắn vị trí quán quân toàn quốc sẽ khó thoát khỏi tay tỉnh Khánh Hòa. Đơn cử như trường hợp công ty CP Daewan Projects, tiền bạc chẳng được bao nhiêu, vốn điều lệ chẳng có, nhưng vẫn luôn được tỉnh ưu ái. Trước hết là cho thầu dự án bãi biển Phượng Hoàng, xong vì công ty nay xù góp vốn, nên đã bị rút giấy phép. Những tưởng như thế là xong, nhưng không, Khánh Hòa chẳng triệt đường tiến của ai bao giờ, luôn tạo điều kiện để người ta làm lại, nên tiếp tục giao thực hiện dự án đại học Khánh Hòa. Thấy chưa? Thông thoáng đến thế là cùng. Ưu đãi nhà đầu tư đến thế là tột bậc. Không vốn điều lệ còn thế, thì những đơn vị khác không cần nói chắc cũng rõ. Thành thử, năm nay Khánh Hòa nhất cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh nhé. Các địa phương khác coi đó mà học tập.

Lời hứa thân quen
Đã vào năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa nhấn mạnh rằng năm học mới sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngoài ra, giáo dục còn phải chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và luyện kỹ năng thực hành đồng thời vận dụng kiến thức kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh. Bộ còn cho hay sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án đổi mới sách giáo khoa, đồng thời hứa hẹn sẽ chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi sang năm. Nói chung, Bộ đã hứa rất nhiều, đảm bảo sẽ cải cách, đổi mới toàn diện. Nội dung hứa như trên năm nào cũng nghe, mà thực hiện có ra hồn vía gì đâu? Học sinh vẫn cứ lý thuyết suông, yếu thực hành – thực tiễn. Sách giáo khoa vẫn cứ sai be bét. Thi cử vốn đã loạn lại càng lộn hơn. Thành ra sợ quá rồi, đừng hứa gì nữa, làm thôi.

Tượng tưởng
Vừa qua, tại TP.HCM vừa diễn ra tọa đàm “Điêu khắc không gian công cộng tại TP.HCM”. Theo đó, TP.HCM hiện đang khát tượng, mới chỉ đáp ứng được 3% nhu cầu tượng hiện nay. Trong khi nhiều khu vực như công viên, bờ kè ... vẫn còn bỏ trống, chẳng có tượng đài tượng điêu khắc chi cả. Vậy là lãng phí, là chưa làm thỏa mãn được nhu cầu sáng tác của giới điêu khắc. Nói thật thì TP.HCM tượng có mà đầy. Nhiều là đằng khác. Thậm chí có cả quần thể tượng nữa cơ. Thế ở đâu ra? Cứ nhè vào giờ đi làm hoặc giờ tan sở, tức giờ cao điểm ấy, cả thành phố kẹt cứng, người đi đường không thể nhúc nhích, ai mà chẳng đứng im như tượng? Thế chẳng phải là tượng, là rừng tượng, là quần thể tiểu tượng chứ là cái nỗi gì? Đường đã tắc, xe còn trèo lên lề, lên công viên, lên bờ kè, còn đặt thêm tượng lên đấy chẳng choáng hết chỗ xe máy leo lề hay sao.

Biện pháp thiết thực
Năm học mới, ngành điện lực cũng có nhiều hành động dễ coi. Chẳng hạn như Tổng Công ty Điện lực TP. Hà Nội đã tổ chức trao tặng 16.000 cuốn vở cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các trường tiểu học thuộc các huyện Ba Vì, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thạch Thất, Phúc Thọ. Đây là chương trình tiếp bước các em đến trường mà ngành điện lực hy bọng góp phần động viên các em học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn tại các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội nhân dịp năm học mới. Nói chung vậy là được, nhưng cũng chưa thiết thực lắm. Thiết thực nhất ấy, là ngành điện lực bớt cắt điện đi. Để các em còn có ánh sáng, có quạt mát để tập trung học hành. Chứ cắt cà giật cà đùng, con em chẳng ai học hành, lao động gì được cả.

Nhất bác Formosa
Với hàng loạt thành tích bất hảo, như làm ăn chậm chạp, thi công ẩu tả gây chết người, vẫn được Hà Tĩnh đội cao lên trên đầu. Như luật pháp nước ta là thống nhất trên toàn quốc, thế nhưng Hà Tĩnh vẫn cho Formosa có luật riêng. Chẳng hạn như bảo vệ Formosa được quyền dùng súng bắn tốc độ và xử phạt xe chạy quá tốc độ trong khu vực dự án Formosa. Hoặc những chuyện xé rào khác như tự tiện xây dựng miếu thờ trong khu vực dự án dù không được cho phép. Quay lại chuyện Formosa tự tiện phạt xe quá tốc độ, thì đại diện Formosa cho rằng trong nhà họ, họ muốn quy định thế nào không cần phải xin phép. Điều đáng ngạc nhiên là một số quan chức Hà Tĩnh lại đồng tình với luận điệu khó nghe này. Rồi lại đến ngày Hà Tĩnh có luật riêng, quy định riêng vì trong tỉnh họ, họ muốn quy định thế nào cũng không cần phải xin phép cơ mà.

Không biết đổ
Chất lượng đường xá Việt Nam quá kém. Nhiều nhà thầu làm ăn chả ra gì cả. Vậy là Bộ GTVT tổ chức cuộc họp để kiểm điểm vấn đề này. Dĩ nhiên là có đại diện của các nhà thầu. Khi bị chất vấn vì sao đường nhanh hỏng, có ông còn mạnh dạn dám bảo rằng sở dĩ đường nhanh hỏng là do có nhiều xe đi. Ồ, té ra nguyên nhân là như thế. Đường nhiều xe thì nhanh hỏng. Nhưng ngặt nỗi, ở Việt Nam ta, chuyện kỳ lạ gì cũng có, thành ra lý lẽ này khó đứng vững được. Bởi, ngoài đường nhiều xe nên hỏng, còn có rất nhiều trường hợp sau đây: ít xe hỏng, vừa xây xong đã hỏng, đang xây cũng hỏng, cái gì cũng hỏng. Cho nên, ông bào chữa đường hỏng vì nhiều xe thật là bất trí quá. Đơn giản nhất, ta cứ đổ cho tại ông trời, tất nhiên với những luận điệu thật vĩ mô, thật đao to búa lớn như: do tình hình thời tiết bất ổn, biến đổi khí hậu toàn cầu, hiện tượng El Nino gây nhiều bất lợi cho đường xá ... Quá trời nhiều lý do để đổ thừa. Mỗi có chuyện đổ thừa cũng chẳng biết làm.

Hoàng Ba Đình