HOT HOT HOT:

Thông Tấn Thôn 9/3/2016: Câu hỏi chưa có lời đáp

31/12/2016 07:07 GMT+7
Tôi đang ngồi trước màn hình máy tính, nối mạng 24/7. Bên cạnh là thuốc trợ tim.

Con số khó tin
5 trạm thu phí / 10 km.
Tức trung bình cứ 2 km lại có 1 trạm thu phí. Đó là đoạn đường từ Tân Vạn (Đồng Nai) về Tân Uyên (Bình Dương). Lý ra là chỉ để 1,2 trạm mà thôi, và có thể thu phí cao một chút để tránh phiền hà cho người dân. Nhưng lại không làm vậy, có lẽ để tận thu, tránh bỏ sót.

Những câu nói ấn tượng
- Dân đã tìm đến Nhà nước thì đừng đuổi dân về.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo như vậy tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, khi thảo luận về Bộ luật Dân sự sửa đổi.

- Xuống trại giam ăn cơm xem có thiu không thì giám sát mới... trúng.
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng đi giám sát không chỉ nghe báo cáo suông mà cần phải sâu sát hơn nữa.

- Tôi đang ngồi trước màn hình máy tính, nối mạng 24/7. Bên cạnh là thuốc trợ tim.
Một độc giả tên Long Xuyên kể về tình cảnh hãi hùng trong đợt xét tuyển đại học đợt 1 vừa rồi. Hy vọng là bạn vẫn khỏe để tiếp tục đồng hành trong đợt xét tuyển đợt 2, đợt 3 sắp tới.

Dũng cảm kiểu mới
Vài ngày nay, nhiều phụ huynh và học sinh khá ngạc nhiên khi chứng kiến một phần nội dung sách dạy kĩ năng sống cho trẻ lớp 1 có cách tăng lòng dũng cảm bằng việc đi trên thuỷ tinh. Theo đó, phần nội dung gây xôn xao dư luận nằm trong cuốn sách: “Thực hành kĩ năng sống cho học sinh lớp 1”, với câu chuyện “Bạn An dũng cảm” được viết: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi! An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh, nhờ vậy mà An đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi, An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng, cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh”. Câu chuyện dũng cảm này đã nhanh chóng được cư dân mạng chế lại với nhiều version khác nhau: bạn Nam cưa bom, bạn Bình nốc hết cả thùng bia, bạn Hoa nhảy cầu cao 10m... Trước tình hình trên, Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng thu hồi ấn phẩm này. Âu cũng là chuyện dũng cảm.

Phái Cổ Mộ Việt Nam?
Nhiều người dân ở Phan Thiết (Bình Thuận) vừa tá hỏa khi bất ngờ nhìn thấy một đám tang dành cho đến tận 6 người. Tưởng như là có thảm sát, bệnh dịch hoặc tai nạn bất ngời gì đó mà đi luôn một lúc 6 người một nhà. Té ra là gia chủ tự tổ chức làm tang lễ cho các thành viên đang còn sống khỏe mạnh trong gia đình mình. Lý giải về việc mặc đồ tang, treo cờ, dán bảng cáo phó... bà chủ nhà cho biết đang tổ chức tang lễ cho 6 người còn sống vì tin lời thầy bói bảo rằng nếu không làm thế thì sẽ bị chồng giết. Quả là có một không hai. Xưa ta chỉ có làm truy điệu sống cho những người trước khi làm những nhiệm vụ cực kỳ nguy hiểm... Nay lại có người làm lễ tang cho người còn sống. Chuyện này làm người ta nhớ phái Cổ Mộ chuyên sống trong hầm mộ như truyện kiếm hiệp Thần Điêu Đại Hiệp của bên Tàu.

Mông má trái cây
Đang nhỏ xíu, bơm thuốc vô bỗng to lên thấy rõ. Đang thâm quần, cũng bơm thuốc vào lại trở nên tươi rói. Đừng tưởng đang quảng cáo cho các thẩm mỹ viện chuyên phẫu thuật thẩm mỹ nâng cấp hàng họ cho chị em. Mà ở đây, chính là chuyện làm đẹp cho cây trái. Nhiều loại trái cây chưa chín, hoặc phía ngoài sần sùi không bắt mắt, qua vài công đoạn bơm, ngâm, hút... đã đạt được độ chín bên trong cũng như tươi đẹp bên ngoài, dễ dàng xuất ra thị trường để bán được giá cao. Mặt khác, nhờ những loại thuốc bơm ngâm này mà các loại cây trái tươi rất lâu, chuyện táo để hàng năm, dưa hấu để cả nửa năm không hề suy suyển là chuyện bình thường. Tất nhiên những loại thuốc được bơm vào, không phải là thuốc bổ, cây trái tiêm vào thì hồng hào tươi đẹp, còn người ăn vào thì chắc không được tốt đẹp như vậy, có khả năng chết rất cao. Có điều chết cái nào cũng được, mà chết vì ăn trái cây bẩn thì ức lắm. Bởi chết, lên bàn thờ, lại tiếp tục được cúng tế cho mấy loại trái cây này thì ức... chết đi được.

Lò đốt – đốt lò
Thời gian qua, nhiều tỉnh như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang... ồ ạt nhập lò đốt rác thải cỡ nhỏ để xử lý rác thải sinh hoạt địa phương. Trong khi đó, các chuyên gia môi trường lại cảnh báo rằng tuy giải pháp này đạt được hiệu quả trước mắt nhưng sẽ gây hại khôn lường về sau. Và hiện nhiều nước đã ngưng sử dụng việc xử lý rác thải như trên. Thực sự thì nhiều nước như Bỉ và Nhật Bản đã phải trả giá rất đắt khi ham lò đốt kiểu này. Trong tình hình hiện tại, khó có thể xử lý rốt ráo chất thải nếu không có phương pháp thiêu hủy. Nhưng người khác thiêu hủy tập trung, phân loại rác nào nên đốt rác nào không mà cần có phương pháp xử lý khác... Chứ không phải bạ đâu cũng đốt đó như kiểu các lò đốt rác cỡ nhỏ mà các địa phương đang sử dụng. Thành ra, có đốt, là đốt luôn cái lò, dẹp luôn cho khỏe.

Câu hỏi chưa có lời đáp
Bước vào các bệnh viện lớn, thấy người người chen chúc chật ních, xếp hàng dài dằng dặc chờ khám bệnh, phát thuốc, lại tình trạng 3-4 người cùng nằm một giường... Chắc ai cũng đánh giá là ngành y nước ta đang quá tải. Rõ ràng rồi, như thế là quá tải cái chắc, không nói khác được. Nhưng đấy chỉ là một số bệnh viện thôi. Còn những bệnh viện khác thì sao? Vắng như chùa bà Đanh. Có những bệnh viện với 400-500 giường bệnh nhưng chỉ lèo tèo sử dụng chưa tới 50 giường bệnh. Các bệnh viện tuyến dưới cũng gặp tình trạng ế bệnh nhân tương tự. Thành ra quá tải chỉ là cục bộ, trong khi đó, việc phân luồng phân tuyến chưa tốt khiến bệnh nhân cứ chạy lên tuyến trên. Mà cũng phải thôi, do bệnh viện tuyến dưới làm ăn thế nào mà người ta lại không dám đến chữa trị? Loay hoay hỏi qua hỏi lại cũng toàn là những câu hỏi hóc búa mà ngành y tế chưa có lời đáp.

Kiểu mẫu ngược
Cách nay vài năm, TP. HCM bày ra vụ đường kiểu mẫu, theo đó nhiều tuyến đường được chọn để xây dựng đường kiểu mẫu về văn minh đô thị. Nếu xây dựng xong những con đường hạt giống này, sẽ tiếp tục nhân rộng ra những nơi khác, xây dựng thêm lên, rồi theo đó, tất cả các con đường ở TP. HCM sẽ lần lượt đều là đường kiểu mẫu cả. Ý định là vậy, nhưng thực tế sau những năm xây dựng thì 159 tuyến đường đăng ký làm đường kiểu mẫu đã kiểu mẫu đến đâu? Xin thưa là đa số là càng lúc càng nhếch nhác. Nhẹ nhàng thì dán quảng cáo rao vặt khắp nơi, nặng đô hơn chút xíu là trở thành tổng hành dinh của các quán nhậu, và hết nói nổi đến mức bốc mùi là trở thành nhà vệ sinh công cộng của dân đái đường đến phóng uế bừa bãi. Mà nói thật, nước mình có thói quen làm ngược, đăng ký làm kiểu mẫu văn minh đô thị thì nhất định sẽ là kém văn minh đô thị. Giờ ta lại làm kiểu mẫu ngược, ngay đầu các tuyến đường cứ trương bản đại loại “đây là con đường kém văn minh đô thị” thì chắc chắn tự động nhột mà dẹp bỏ một số hình ảnh không đẹp đang tồn tại tại đây.

Tiếng hát át đủ thứ tiếng
Nghe đồn nhiều tổ chức, đơn vị đang chung tay thực hiện chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện”. Theo đó sẽ có ca hát, quà tặng này nọ để hỗ trợ bệnh nhân, an ủi bệnh nhân... Nói chung cũng có ý tưởng, có ý đồ tốt, nhằm xoa dịu nỗi đau, cải thiện về tâm lý để chống chọi bệnh tật... Nhưng thiết nghĩ cái gì cũng nên ra cái đó. Bệnh viện đâu phải là nơi để vào đó ca hát nhảy múa, múa may quay cuồng. Tâm lý người bệnh rất phức tạp, có người nghe nhạc thấy thư thái, cũng có người nghe xong lại quạu quọ, không chừng bệnh lại càng thêm bệnh. Chưa kể, phải kiểm soát, biên tập âm nhạc sao cho phù hợp. Nhiều chương trình lớn từng để sổng nhiều bài hát không phù hợp cho lên chương trình. Tưởng tượng xem người nào đó đang bệnh thập tử nhất sinh, mà ca sĩ lại cứ rên rỉ mấy bài đại loại “Đồi thông hai mộ”, “Một mai tôi qua đời”, “Cát bụi”... chắc còn sớm lên đường hơn nữa. Dẫu biết là tiếng hát át đủ thứ tiếng, nhưng hát mà gây hậu quả thì đến tiếng chửi lên ngôi.

Coi chừng lộn
Từ năm 2011, hiệu trưởng trường mầm non Ngân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) chỉ đạo thủ quỹ và kế toán lập hồ sơ các đối tượng cần được hưởng chế độ hỗ trợ chính sách của Nhà nước. Đến tháng, học sinh, giáo viên nào trong danh sách hỗ trợ này đều được ký tên đàng hoàng. Nói thật, nghe qua, ai cũng thấy hiệu trưởng như vậy là có tâm, biết giúp đỡ học sinh, biết giúp đỡ giáo viên, hẳn ai ở dưới trướng bà hiệu trưởng này chắc sướng lắm, tuy trợ cấp chưa nhiều, nhưng chắc chắn cũng đỡ đần phần nào đó. Nghe cũng cảm động thật. Vậy mà giờ bà lại bị đình chỉ chức vụ, thậm chí là chuyển hồ sơ sang công an chờ ngày xộ khám, thế có ức không? Thì đúng là có lập danh sách hưởng chính sách thật, có ký tên thật, nhưng tiền trợ cấp thì hiệu trưởng lãnh dùm luôn và hiện đã cất két được 260 triệu đồng từ 2011 tới giờ. Nhưng biết đâu, với tấm lòng của người phụ nữ, tấm lòng của người thầy, không chừng là cô hiệu trưởng giữ dùm, đợi gom một cục kha khá rồi mới phát cho các đối tượng thì sao?

Du lịch ngủ
Du lịch hiện đã phát triển lắm rồi, với đủ thứ thể loại: du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch mua sắm, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá... Nhưng có thể nói, trong khu vực, chỉ mỗi riêng Việt Nam là có một loại hình du lịch độc nhất vô nhị: du lịch ngủ sớm. Chắc chắn nghe vậy có người vỗ ngực tự hào rằng: Việt Nam với nền chính trị ổn định, bình yên vốn có... luôn khiến cho du khách ngủ ngon mỗi khi ghé thăm. Xin thưa, hoàn toàn không phải như thế. Ta có du lịch ngủ sớm đơn giản vì tại các thành phố du lịch chẳng biết làm gì vào buổi tối cả. Hầu như chỉ là đi uống bia rồi về. Thậm chí như Hà Nội, cứ 12h đêm là quán xá dẹp hết. Du khách chỉ còn nước về ngủ sớm mà thôi. Nhưng cũng may, ta biết cách biến bất lợi thành thuận lợi, thành điểm nhất, thành nét đột phá, để mỗi du khách đến với ta đều ấn tượng với du lịch ngủ sớm này.

Giải trẻ cứ trẻ là thi
Chuyện xảy ra tại giải điền kinh trẻ quốc gia, khi hàng loạt tuyển thủ từng tham dự, có huy chương tại các giải thi đấu khu vực và quốc tế thi nhau đầu quân về các đoàn địa phương. Các chuyên gia lập tức phản bác tùm lum. Họ cho rằng các tuyển thủ mà đi thi đấu tại các giải trẻ thì khó có thu hoạch gì về thành tích chuyên môn, lại còn đạp giò, làm kỳ đà cản mũi các vận động viên trẻ. Rõ ràng các chuyên gia đi chỉ trích như thế là hoàn toàn sai lầm. Đi thi giải trẻ thì chỉ cần đúng tuổi quy định là được, nên những người tạm gọi là lấn sân này có thể nói là không vi phạm tư cách vận động viên. Giống như học sinh giỏi quốc gia, quốc tế gì ấy... có là học sinh giỏi ở trường, ở lớp là bình thường. Không lẽ bảo mày đã học sinh giỏi quốc gia, thôi khỏi cần học giỏi ở lớp? Mặt khác, tuy các tuyển thủ khó thu được thành tích gì đáng kể, nhưng đó sẽ là tấm gương, là mục đích cho những vận động viên khác noi theo, hướng tới. Nên thành ra chỉ trích kiểu ấy là bạ đâu nói đấy, nói cho sướng miệng mà thôi.

Thiếu tư thông
Người dân thắc mắc tại khu vực các công viên trên địa bàn phường 1 (TP Vũng Tàu, BR-VT) đã trở thành bãi đỗ của các hãng xe vận tải hành khách, trong khi bến xe Vũng Tàu rất đẹp thì không chịu đỗ. Cũng bởi tình trạng này mà các công viên luôn nhếch nhác, kém vệ sinh. Qua quan sát tại thực địa, thì khu vực này rõ ràng có kẻ vạch cho xe ô tô đỗ đàng hoàng, lại cũng chẳng có biển cấm dừng cấm đỗ chi cả, thì các hãng xe có dừng đỗ đón khách cũng không có gì sai. Nhưng, với việc quản lý, thì cần thiết phải đưa các xe này vào bến đàng hoàng chứ không cho chạy rông như thế được. Thành ra phải nhờ vào các cơ quan chức năng thôi. Và té ra thì UBND TP Vũng Tàu cứ tưởng rằng Sở GTVT đã cấp phép, còn Sở GTVT cũng đinh ninh rằng UBND TP Vũng Tàu đã cho phép tồn tại bến cóc như trên, thành ra bến cóc cứ vô tư tồn tại. Đã là cơ quan hành chính, có gì thì cứ có thông tư mà liên hệ qua lại. Làm quản lý mà lại chẳng tư thông hay thông tư gì cả.

Hết đường – bán trường
Đại học An Giang là đơn vị trực thuộc tỉnh An Giang quản lý. Nhưng có lẽ tỉnh đã gồng hết nổi hay sao ấy, mà đã đồng ý bán lại cho một doanh nghiệp lớn ở tỉnh này. Mềm nắn, rắn buông, làm không nổi thì để người khác làm, còn hơn ôm khư khư rồi lại để chẳng đâu vào đâu. Không nổi, buông, âu cũng là cái dũng mà không phải ai cũng có. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn lo ngại giao lại cho doanh nghiệp thì e là doanh nghiệp kinh doanh giáo dục, bắt buộc phải thu học phí cao để có lợi nhuận thì ảnh hưởng đến chính sách giáo dục. Được biết, An Giang là một trong những địa phương có đại học cấp tỉnh đầu tiên, sau đó là hàng loạt đại học cấp tỉnh khác ra đời, theo cái trào lưu “một nhà máy đường, một trường đại học” cách nay gần chục năm. Và hiện nhiều nhà máy đường đã đổ vỡ, nói chung là banh xác. Liệu đây có phải là tín hiệu cho thấy trước khủng hoảng sắp tới của các trường đại học cấp tỉnh? Hy vọng rằng không phải là thế.

Trương Minh Hoàng