HOT HOT HOT:

Thông Tấn Thôn: Doanh nghiệp như đội thuyền thúng bơi ra khơi

31/12/2016 20:58 GMT+7

Con số khó tin
33
Chỉ riêng quận Bình Thạnh (TP HCM) thôi mà đã có đến 33 điểm ngập. Không khéo thì chỉ còn một điểm ngập duy nhất là ngập toàn quận thì chết.

Những câu nói ấn tượng

- Các đoàn của ta khi đi ra nước ngoài đông hơn rất nhiều so với các nước. Đi đông nhưng có để làm gì đâu, mà rất tốn kém.
Ông Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho rằng bệnh hình thức, lãng phí có khi còn hại lớn hơn cả tham nhũng.

- Tôi không tác động để con mình làm Giám đốc sở.
Ông nguyên bí thư tỉnh ủy của tỉnh nọ trần tình về chuyện con ông mới được bổ nhiệm làm Giám đốc sở.

- Doanh nghiệp Việt Nam như đội thuyền thúng bơi ra khơi.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam ví von.

Xin đểu
Ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), mỗi khi có đám hiếu hay đám hỷ, thì người nhà phải vác đơn lên xin công an xã, được công an xã chấp thuận thì mới có thể tổ chức đám ma, đám cưới. Theo giải thích của lãnh đạo huyện, làm như thế để chính quyền biết có đám trên địa bàn, nhằm có thể bố trí lực lượng trông chừng an ninh trật tự, đảm bảo ứng phó kịp thời mỗi khi có chuyện phiền phức xảy ra. Nghe qua thấy cũng hay đấy, nhưng ngẫm lại thấy kỳ kỳ. Hôn nhân là được pháp luật bảo hộ, chỉ cần có giấy kết hôn là đủ, chuyện tổ chức cưới xin là chuyện riêng của gia đình. Còn đối với phía công an, pháp luật không trao quyền cho phép để ai đó tổ chức đám cưới, đám hỏi. Và theo nguyên tắc “người dân được làm những gì pháp luật không cấm, cơ quan công vụ không được làm những gì pháp luật chưa cho phép”, thì chuyện công an đòi phải có đơn xin mới được tổ chức đám tiệc là hoàn toàn sai. Xin thế này là xin đểu rồi. Nhưng biết đâu, nhờ vậy sức khỏe người dân nơi đây lại được tăng cường? Thấy tổ chức mà phải xin phép xin xỏ là phiền phức rồi, đảm bảo không ít thì nhiều cũng hạn chế được tổ chức đám tiệc. Ít đám tiệc, ít ăn nhậu, chắc chắn sẽ bơt những hậu quả do lạm dụng bia rượu. Và phải lo sống sao cho đàng hoàng, đừng để cho bị đánh chết hoặc chết sớm quá bởi làm đám ma cũng nhiêu khê lắm. Tính ra vẫn còn lợi chán.

Tăng chưa chắc căng
Một thông tin gây sốc cho toàn xã hội: trong tháng 1, các bệnh viện trên toàn quốc sẽ đồng loạt áp dụng viện phí mới với mức tăng thêm khoảng 20-30% so với giá hiện hành. Ở đời ai chẳng phải vào bệnh viện bao giờ? Ai mà chẳng có bệnh? Không bệnh thì sao mà chết? Quy trình sinh – lão – bệnh – tử đã chỉ ra rồi. Còn không bệnh mà lăn ra chết thì chắc chắn cũng bị đem vào bệnh viện để khám nghiệm pháp y nhằm xem có bị mưu sát hay không. Nói vòng vo chỉ muốn nói rằng tức là mọi người sống trong thế giới hiện tại, đều phải vào viện ít nhất 1,2 lần, nên giá viện phí tăng với mức 2 con số như thế thực sự là một áp lực không nhỏ cho bệnh nhân và thân nhân. Nhưng tăng viện phí, chưa chắc đã là tăng tổng chi phí cho khám chữa bệnh cho toàn xã hội. Này nhé, có người thấy viện phí tăng, thế là họ quyết định không khám chữa bệnh nữa, để từ từ tự hết bệnh, thế là đỡ một người tốn tiền viện phí. Hoặc gặp bệnh nan y, đáng lẽ vào viện tốn bạc triệu nhưng chưa chắc được gì, gia đình đưa về nhà cho ăn hoặc hốt thuốc nam. Thế là lại tiết kiệm thêm tiền của cho xã hội. Thế mới nói, tăng phí chưa chắc đã tăng tiền. Luận điệu này mà mấy ông ra lệnh tăng viện phí nghe được chắc thích lắm.

Lươn thai
Nghệ An – Hà Tĩnh có món đặc sản cháo lươn, miến lươn nức tiếng cả nước, người dân xứ choa rất tự hào về món đặc sản này. Trước món đặc sản là nhờ ngon miệng. Giờ, nhờ tài nuôi lươn của người dân nơi đây, món này còn có tác dụng y học nữa. Cụ thể là một số hộ nuôi lươn đã tiết lộ rằng bây giờ đàn ông, phụ nữ chốn này không cần dùng bao cao su hay thuốc tránh thai gì cả vì đã được người nuôi vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai. Cái này là nói hoàn toàn nghiêm túc, một số người dân Nghệ An – Hà Tĩnh trộn thuốc tránh thai vào thức ăn cho lươn nhằm tăng năng suất. Thật tình là bó tay với đủ thứ công nghệ chăn nuôi của nước ta. Bò ăn rác, lợn ăn thuốc tăng trọng – tạo nạc... giờ đến lươn dùng thuốc tránh thai. Tranh cãi nổ ra. Người nữ ăn lươn nuôi bằng thuốc tránh thai thì có thể khỏi dính thai, thế đàn ông ăn phải thì sao? Chắc là đi tiểu có 2 vạch quá.

Bất khả thi
Hồi 1992 nước ta có 1,33 triệu ca nạo phá thai, đến năm 2014, con số này chỉ còn 0,3 triệu, tức đã giảm tới 77%. Tất nhiên là do tuyên truyền giáo dục lẫn cung cấp các thiết bị phòng tránh thai hiệu quả khiến đã hạn chế chuyện vui chơi gây hậu quả nghiêm trọng. Tất nhiên là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời luật hóa một số vấn đề về nạo phá thai. Theo đó, dự thảo Luật Dân số chỉ cho phép phá thai trên 12 tuần tuổi nếu bị hiếp dâm hoặc loạn luân, theo người soạn luật là nhằm tránh những hậu quả xã hội khôn lường, cho ra đời những đứa con oan nghiệt và tránh chuyện phá thai để lựa chọn giới tính. Nhưng đây mới phiền phức nè. Làm sao để người mang thai chứng minh họ bị hiếp dâm, trong khi đây là chức năng của cơ quan điều tra. Mà điều tra phải có quá trình, đến hồi kết luận rằng là hiếp dâm thì sợ thai phụ đã sinh con luôn rồi, không chừng con còn biết đi biết nói nữa chứ. Chưa kể muốn phá thai để chọn giới tính, rồi thai phụ tố bị hiếp dâm, hỏi ai hiếp thì lại bảo là chồng hiếp. Thì xử thế nào? Lằng nhằng lắm, dẫu biết làm luật khó lường hết đủ thứ tình huống trong thực tế, nhưng với dự luật kiểu này thì hơi khó khả thi.

Phát triển bền vững
Tiêu dùng trong quý III-2015 tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Người tiêu dùng sử dụng thường xuyên hơn, gần như tháng nào cũng mua ít nhất một lần và có khuynh hướng mua các sản phẩm cao cấp hơn. Thị trường Việt Nam là một thị trường vô cùng tiềm năng, liên tục tăng trưởng 2 con số. Dự đoán từ nay đến cuối năm sẽ còn tiêu thụ mạnh... Đọc những lời trên, chắc hẳn ai cũng đang thấy những thông tin xán lạn dành cho một mặt hàng tiêu dùng nào đó, hứa hẹn sẽ là mũi nhọn đột phá này nọ. Nhưng xin thưa, đây chính là thông tin, đánh giá về tình hình tiêu thụ bia rượu trong nước. Với dự đoán năm nay dân ta sẽ nốc hết 3,3 tỷ lít bia, tiếp tục đứng đầu khu vực và có số má trên toàn thế giới. Gì chứ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tăng giá, trượt giá, làm ăn khó khăn... ở khắp các lĩnh vực, nhưng riêng về bia bọt cứ là phát triển bền vững.

Một phút huy hoàng
Cơ sở nuôi dạy trẻ Sơn Ca (Đồng Hới, Quảng Bình) giờ có lẽ đã nức tiếng toàn quốc, danh trấn thiên hạ, ai ai cũng biết tên. Dĩ nhiên đã lên đến đây, thì chắc chắn không phải nhờ chuyện hay ho tử tế gì cả. Đó là nhờ công sức cả ba cô bảo mẫu tại cơ sở này khi đã cùng hè nhau đè, trói, vật, đánh, vả, ngắt, nhéo, tát... các trẻ em tại đây. Và đỉnh điểm cao trào đó là một phụ huynh phát hiện con họ đã bị các cô bảo mẫu đè nằm úp trên sàn, hai tay bẻ ngoặt ra sau, hai chân bị cột bằng khăn, miệng bị nhét giẻ... nói chung cảnh tượng rất hãi hùng. Còn Sở GD-ĐT Quảng Bình cũng đã nhanh chóng ra lệnh đóng cửa cơ sở Sơn Ca và thừa nhận với dư luận rằng cơ sở này hoạt động không phép. Giờ thì ba cô giáo này đã bị xộ khám, chắc chắn các cô này không bị cột tay chân, vật xuống sàn, nhét giẻ vào miệng gì đâu. Thế nên nhét gì vào miệng các cô để báo thù đây? Chắc chắn là không rồi. Oan oan tương báo, thì bao giờ mới dứt?

Đi tắt đón đầu
Thực sự mà nói, các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học... hiện xem như bão hòa, cung vượt hẳn, vượt xa cầu, chẳng còn cách nào vãn hồi cả. Hậu quả nhãn tiền là nhiều trường đã dừng hoạt động hoặc chết lâm sàn. Nhưng trong cái khó nó ló cái khôn, nhiều trường đã tìm tòi hướng đi mới. Trước hết là một số cơ sở dạy nghề từ Bắc chí Nam biến thành nơi trông trẻ, khách sạn nghỉ dưỡng, nhà trọ, tắm khoáng nóng. Rõ ràng đây là bước đột phá về tư duy. Cùng là các cơ sở đó, chẳng lẽ không dạy học thì không làm gì khác được sao? Ta hoàn toàn có thể linh động để tìm hướng kinh doanh khác. Giáo dục giờ chạy theo lợi nhuận cả. Đã tìm lợi nhuận tức là kinh doanh. Nhưng theo đó, nên kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn... này nọ để đôi lứa có chỗ tâm sự. Tâm sự càng nhiều thì càng nhiều trẻ em. Nhiều trẻ em thì ta lại có cơ hội mở lại trường lớp nhằm kinh doanh giáo dục.

Lùi lầm lũi
Các dự án metro tại Hà Nội và TP. HCM đã được lên kế hoạch từ 2007, bắt đầu triển khai làm hồi 2011, dự kiến đến 2017 sẽ hoàn tất. Nhưng đồng loạt cả Hà Nội và TP. HCM đều dính đủ thứ sự cố khiến chưa tuyến metro nào có thể hoàn tất đúng dự định cả. Tại TP. HCM là do vướng đền bù giải phóng đất đai, tính ra thời gian lằng nhằng đã đến 5 năm. Còn ở Hà Nội, do nhà thầu Trung Quốc làm, lại liên tục dính tai nạn sập cần cẩu gây chết người. Nói chung, dân Việt Nam ta tin tâm linh. Tỷ như đoạn đường nào từng xảy ra tai nạn giao thông thảm khốc đều dựng miếu thờ để cầu bình an cho người đi đường. Và với chuyện tai nạn sập cần cẩu gây chết người, nếu tuyến metro được đưa vào khai thác, thì tuyến metro Hà Nội có lẽ là tuyến metro duy nhất trên thế giới có cả miếu thờ. Thật là hạn hữu, thật là hiếm có.

Thoát
Lãnh đạo Công ty Cấp thoát nước Phú Yên vi phạm kỷ luật về quản lý kinh tế, tài chính, gây thất thoát gần 7,7 tỉ đồng. Thôi xong, chuyến này chết chắc, có lẽ sẽ đi cả nguyên dàn lãnh đạo. Và quả thực, tỉnh Phú Yên cũng nhảy vô chỉ trỏ xử lý rốt ráo. Chủ tịch tỉnh ký kỷ luật hàng loạt lãnh đạo đơn vị này. Nhưng té ra lại là giơ cao đánh khẽ mà thôi. Thất thoát những 7,7 tỉ đồng, nhưng người lãnh đạo cao nhất cũng chỉ ở mức cảnh cáo. Còn xét về tổng thể, chỉ mỗi một người bị cách chức bởi thu hồi tương đối đầy đủ số tiền thất thoát. Thế té ra án này nhẹ hều. Nhiều người cho rằng, với số tiền ấy, tất phải truy cứu trách nhiệm hình sự, muốn gì cứ ra tòa giải quyết, chứ không phải vài cái án kỷ luật dấm dớ. Nhưng nên nhớ, đây là Công ty Cấp thoát nước, cấp thì không biết có được gì không, mà thấy là dễ thoát rồi đó.

Họp chợ
Dự án trường mầm non xã Gia Minh, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) được triển khai xây dựng từ tháng 6 năm 2012 với tổng kinh phí dự kiến hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn nên sau nhiều năm xây dựng đến nay trường vẫn chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Công trình được làm đi làm lại nhiều lần nhưng hiện nay vẫn chỉ là một ngôi nhà bỏ hoang trên bãi đất trống cỏ dại mọc um tùm. Ngôi trường xây dựng kiểu “rùa bò” này nằm án ngữ ngay trên một khu đất rộng sát bên đường chính của xã nên nhiều năm qua, người dân địa phương mỗi khi qua đây không khỏi xót xa. Ai cũng tiếc số tiền lớn đầu tư xây dựng trường hàng tỷ đồng rồi để phơi mưa nắng nhiều năm đang bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Đặc biệt hơn, trường xây dựng nhiều năm không xong, các cháu học sinh mầm non của xã những năm qua vẫn phải học ở các khu lẻ là các nhà văn hóa thôn trên địa bàn. Những phòng học tại đây chật chội, chỗ nghỉ ngơi và sân vui chơi không đảm bảo. Bên cạnh đó, nước sạch, khu vệ sinh, nhà bếp phục vụ cho các cháu cũng là vấn đề nan giải khi hầu hết các nhà văn hóa đều không có nước sạch hoặc giếng nước, nhà vệ sinh cũng tạm bợ. Khổ nhất là mỗi khi thôn xóm có công việc tổ chức ở nhà văn hóa thì cô trò phải tạm dừng công việc học tập. Còn ban giám hiệu khi có việc họp hành, chẳng biết họp ở đâu thì ra ki ốt trong chợ để họp. Ấy gọi là họp chợ vậy.

Chuyển giao
Vì một số lý do gì đó, bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng được chuyển giao sang bệnh viện công lập do UBND TP Đà Nẵng quản lý. Chuyện này cũng chẳng có gì đáng bàn cả. Có điều là ngay trước thời điểm chuyển giao, ban lãnh đạo bệnh viện đã chuyển giao lại 37,2 tỉ đồng cho một đơn vị đã đóng góp từ thiện trước đó. Nói thật là chẳng ai hiểu nổi chuyện này cả. Tỉ như người khác cho tiền để làm chuyện khác thì không nói, còn đằng này là góp tiền vào bệnh viện để giúp người, cứu người... thì ngại ngùng gì mà phải trả lại. Mà nói trắng ra, ban lãnh đạo bệnh viện cũng chẳng đủ tư cách thay mặt bệnh nhân để trả lại số tiền ấy. Tìm đến lãnh đạo để chất vấn, nghe được câu trả lời cũng thấy ứa gan không kém: trả lại vì sợ nhà tài trợ đòi lại. Cái này là người ta tình nguyện đóng góp, vả lại tiền cũng đã chuyển, lo gì đòi lại, họ đâu phải con nít. Thành ra sẵn chuyện chuyển giao cho nhà nước, thì bệnh viện Ung Bướu cũng nên chuyển giao thành bệnh viện khác luôn đi, như bệnh viện tâm thần, bệnh viện thần kinh gì đó chẳng hạn. Bởi chỉ trong nhà thương điên mới có những quyết định kỳ lạ thế này.

Sướng quá hóa cuồng
Trường cao đẳng Cần Thơ có xây ký túc xá đàng hoàng, dự kiến là sẽ đủ chỗ ở cho 800 sinh viên. Thế là quá chuẩn, quá tốt, đời sống sinh viên được chăm lo, thế mới yên tâm học hành. Mà nói thật, trong thời buổi các trường đại học xem nhau như đối thủ cùng cạnh tranh, cùng vơ vét thí sinh hiện nay, thì có được cái ký túc xá ra hồn là một điểm cộng rất đắt. Ấy vậy mà ký túc xá này xây xong đã được 2 năm, nhưng chẳng có ai đến ở, nói trắng ra là bỏ không. Bởi vì sao? Bởi vì xây xong mà chẳng có giường, thế ra mới trống huơ trống hoác như thế, chẳng ai thèm ở. Đúng là bọn sinh viên này không thể đối xử quá lịch sự được. Đã cung cấp chỗ ở đàng hoàng rồi, thế mà lại không chịu ở là thế nào, chê bai cái gì? Không có giường thì đã sao? Thì cứ nằm đất, giải chiếu, giải nệm... thiếu gì phương án, ra ngoài thuê nhà trọ cũng được mấy nơi có giường cho mà so bì so sánh. Rõ là sướng quá hóa cuồng.

Trương Minh Hoàng