Thông Tấn Thôn: Không bỏ thủ tục vì muốn lẳng lặng ăn tiền

31/12/2016 20:51 GMT+7

Con số khó tin
110 tỷ đồng
Quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt, Lâm Đồng) vừa hoàn thành xong, và đây là công trình hiếm hoi làm xong còn thừa tiền. Mà có thừa ít đâu, thừa những 110 tỷ đồng.

Những câu nói ấn tượng

- Không thể có một TPP ký xong là nền kinh tế Việt Nam cất cánh thành rồng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảnh tỉnh mọi người sau khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì càng phải nỗ lực hơn nữa để kịp nắm bắt thời cơ.

- Các anh không bỏ thủ tục vì muốn lẳng lặng ăn tiền.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chỉ trích cấp dưới khi vẫn còn để nhiều thủ tục làm khó doanh nghiệp vận tải dù đã có lệnh bỏ.

- Bộ GD-ĐT vất vả quá trong các việc, từ quản lý lớp 6 tuyển sinh thế nào, lớp 10 tuyển đầu vào ra sao... nên không rảnh tay làm những chuyện lớn như kiểm định chất lượng.
Ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cám cảnh cho tình thế bận rộn của Bộ GD-ĐT.

Giáo dục từ hàng phở
Vậy là học phí lại tăng, chuyện tăng ít tăng nhiều thì không biết, nhưng chắc chắn sẽ đẩy thêm áp lực cho những gia đình khó khăn vốn đã phải cố lắm mới gồng gánh nổi mức học phí cũ. Chuyện tăng học phí không bàn nữa. Tuy nhiên, vẫn còn lấn cấn, liệu học phí tăng thì chất lượng giáo dục có tăng theo? Cái đó thì chưa chắc. Ở nước ta, chưa hẳn tăng giá là đã tăng chất lượng. Giống như quán phở ăn hàng ngày, hôm qua 25.000 đồng/bát, nay đã là 30.000 đồng/bát, cho dù soi cỡ nào, cũng chưa chắc thấy có gì thay đổi. Còn tăng học phí để hỗ trợ đời sống giáo viên như vẫn nói ra rả, cũng chưa chắc, thử hỏi ông hàng phở xem tăng giá bán có tăng lương cho nhân viên không, gần như là không rồi. Kể ra so sánh giáo dục với hàng phở có phần hơi khập khiễng, nhưng có lẽ cũng giống thế thật, giáo dục giờ cứ như hàng quán ngoài đường thôi.

Vua nổ
Trong làng bóng đá nước nhà có ông bầu nọ được tiếng là chịu chơi. Nói một cách công bằng, ông này cũng có tầm nhìn này nọ, trước thì mua cầu thủ hàng hiệu từ Thái Lan, sau là đầu tư hẳn lò đào tạo trẻ cũng được chút ít tiếng tăm. Trước cảnh đội Việt Nam vừa thua lấm lưng trắng bụng trước Thái Lan ba bàn không gỡ, ông nóng mặt, tuyên bố xanh rờn rằng nếu giao đội tuyển cho ông thì Việt Nam thắng chắc Thái Lan. Làm như dễ ăn lắm vậy. Còn nhớ mùa giải vừa rồi, ông cả gan cho nguyên dàn trẻ lên đá giải quốc gia, chỉ trụ hạng rất may mắn mà thôi. Trong nước đá không xong, suýt nữa là rớt hạng rồi, vậy mà đòi ôm đội tuyển sẽ đá thắng đội mạnh nhất khu vực, nói ra không sợ người ta cười cho sái quai hàm à? Mà chỉ có sức một mình ông thì chắc gì đã làm nên cơm cháo.

Đổi máy bay
Sân bay Tân Sơn Nhất vừa có công văn gửi các cơ quan chức năng cảnh báo: phải giải quyết việc thoát nước hệ thống mương nước A41 (quận Tân Bình), nếu không sân bay sẽ đóng cửa vì bị ngập nước. Trời ơi, chuyện này là chuyện nhỏ. Máy bay là phương tiện giao thông tối tân, hiện đại, chẳng lẽ vì ba cái chuyện ngập nước mà ngưng hoạt động sao? Hồ đồ. Thì người ta bảo, nếu ngập nước thì sẽ ảnh hưởng đến trạm phát điện của sân bay, phát điện không xong, thì không bay được. Người dân vùng lũ, lũ đến ta dời lên cao ở. Trạm phát điện cỏn con, có ngập ta dời lên trên, chẳng có gì phải lo cả. Còn như nước tràn ngập sân bay, thì có thể đổi cả máy bay, thay tất cả các máy bay bình thường thành thủy phi cơ cả là cất cánh, hạ cánh dễ dàng.

Điển hình
Nhà máy sản xuất tơ sợi Polyester Đình Vũ (Hải Phòng) có thể xem là điển hình của các dự án, đề án, công trình… của Việt Nam. Nghe nói điển hình, chắc chắn ai cũng nghĩ rằng đó là điển hình tiên tiến, ăn nên làm ra, đóng thuế đầy đủ, tài chính minh bạch, người lao động được chăm lo tận nơi, dàn lãnh đạo vừa có tâm lại có tầm… Nhưng xin thưa, đâu phải cứ nhắc đến điển hình thì đều là tích cực cả, nghĩ như thế là rơi vào lối mòn tư duy, cứ tư duy theo lối mòn sẽ dẫn đến bảo thủ, trì trệ. Nên nói rõ, điển hình đây là dù chỉ mới hoạt động được hơn 1 năm, nhưng nhà máy này đã kịp lỗ hơn 1.700 tỉ đồng, liên tục đắp chiếu, và có nguy cơ phá sản, chuẩn bị giải thể, bán lại để giảm thiệt hại. Thế mới lại chứ. Đã chết là phải chết tốt như thế mới đáng mặt điển hình. Chứ đừng như nhiều nơi khác, cứ tồn tại vật vờ như bóng ma hàng mấy năm trời, trở thành gánh nặng cho xã hội.

Vui không nổi
Trong khi các bệnh viện tuyến trên của TP. HCM quá tải trầm trọng, người bệnh phải nằm đôi, nằm ba, nằm hành lang… thì các bệnh viện tuyến quận, huyện lại rất đìu hiu, vô củng lãng phí. Đảo một vòng các bệnh viện này, thì gần như chỉ có 2 chức năng: khám sức khỏe làm hồ sơ thi lái xe, hồ sơ xin việc và khám chữa bệnh ban đầu cho các đối tượng sử dụng bảo hiểm y tế. Vắng vẻ đến nỗi, có nơi một bệnh nhân nằm đến 6 giường bệnh. Tất nhiên là ở tuyến dưới vắng ngắt, ắt đẩy áp lực lên tuyến trên. Người ta thường bảo, một trong những niềm vui lớn nhất của bác sĩ đó là ít bệnh nhân, nhưng ít bệnh nhân theo kiểu này thì quả là vui không nổi.

Chế
“Đoàn quân nhà Cen đi, chung lòng chốt chốt…” là lời mở đầu cho bài nhạc chế theo giai điệu bài Quốc ca của Tập đoàn Cen Group – khu vực phía nam. Nói thật nhạc chế đôi khi cũng vui, cũng có tác dụng giải trí nhất định, nhiều bài nhạc chế còn được nhiều người biết đến hơn cả nhạc gốc. Nhưng chế gì thì chế, chứ chế Quốc ca là bậy rồi. Đã thế, bài hát này lại được hát hùng hồn trong lễ kỷ niệm 13 năm thành lập tập đoàn thì quả thật là hết ý. Nghe đâu, chế sĩ của bản nhạc này chính là tổng giám đốc và hình như các cơ quan chức năng đã có được đoạn clip ghi lại cảnh hát tập thể bài nhạc chế bậy bạ này. Làm gì cũng nên có chứng cứ rõ ràng, nắm được chứng cứ là cứ xử theo đúng quy trình, quy định. Không thôi kẻo người ta lại bảo là chế thì khổ.

Cấm đi cho chắc
Một trong những vấn đề khiến nhiều người tâm huyết với giáo dục Việt Nam rất là đau đớn đó chính là thái độ của học sinh đối với môn lịch sử, khi mà hầu hết các học sinh đều tính đường né môn học này hoặc không còn đường né thì chỉ học qua loa. Đã thế, Bộ GD-ĐT còn tính chuyện đổ dầu vào lửa khi dự định cho môn lịch sử trở thành môn tự chọn, tức muốn học thì học, không học thì thôi, càng khiến dư luận phẫn nộ, cho rằng làm giáo dục như thế là không có tâm với giáo dục. Theo đó, học sinh nơi nào chẳng phải học toán, lý, hóa, sinh, Anh văn… khác nhau mỗi nước là ta học lịch sử của ta, họ học lịch sử của họ. Thực ra ngành giáo dục làm thế lại rất là có tâm với giáo dục. Bởi bồi đắp lòng yêu lịch sử cho học sinh, đề cao môn lịch sử, thì chắc chắn những chuyện chẳng ra gì của ngành giáo dục như loạn thi cử, bế tắc cải cách giáo dục, loay hoay soạn sách giáo khoa sẽ bị ghi rõ rành rành trong sử xanh, thế thì quê độ với hậu thế lắm. Thôi chỉ có cách cho môn lịch sử trở thành lịch sử mới có đường chối cãi về sau.

Hạ lưu
Trong mấy ngày qua, sông Hồng tại khu vực đầu nguồn của nước ta bất ngờ có lũ tràn về. Đây là lũ hoàn toàn trái quy luật thông thường, khiến nhiều người dân bất ngờ. Theo đó, nguyên nhân xảy ra lũ là do phía thượng nguồn ở bên kia bất ngờ xả nước khiến nhiều người dân hoàn toàn không kịp trở tay, nhưng may mắn là không có hậu quả đáng tiếc xảy ra. Thế bên kia là bên nào? Là nơi núi liền núi sông liền sông, với tình hữu nghị sáng như rạng đông. Họ ỷ họ ở thượng lưu, nên xây đủ thứ đập chắn này nọ, rồi bất thình lình xả nước không báo trước. Nói gì thì nói, khí tượng thủy văn do thiên nhiên ta còn có thể dự báo, còn do bàn tay con người thì quả là khôn lường. Thành ra, bên kia là thượng nguồn, thường gọi là thượng lưu, nhưng có vẻ cư xử hơi hạ lưu thì phải.

Thánh cô hạ phàm
Bệnh viện K trung ương là bệnh viện đầu ngành về chữa trị ung bướu tại Hà Nội. Nghe tiếng ung bướu chắc ai cũng ớn ăn, bởi đây là một trong những căn bệnh có nguy cơ “đi bán muối” rất cao. Cho nên chuyện nhiều bệnh nhân tại đây lâm vào bế tắc cũng là bình thường. Nhưng không sao, trong mấy ngày qua tại chốn này xuất hiện thánh cô hạ phàm với khả năng chữa trị xuất thần nhập hóa. Theo đó thánh cô chỉ cần sờ, nắn vùng ung thư, ung bướu là chắc chắn khỏi bệnh. Ai cũng nói chữa kiểu này là chữa tầm bậy. Nhưng không, cách chữa này được ghi trong sách vở đàng hoàng à, không tin cứ lật truyện kiếm hiệp kỳ tình ra xem khắc biết, chỉ trỏ, áp tay, áp chân… gì là lại khỏe như vâm, bay như chim, đánh đấm túi bụi… Thành ra, thánh cô nên tiếp tục phát huy hơn nữa, ngoài chữa các bệnh ung thư thông thường, nên tiếp tục cho tay vào sờ nắn để chữa các bệnh như trĩ nội trĩ ngoại, ung thư tinh hoàn, liệt dương… Đã là thánh mà, ngại gì mấy chuyện ấy, cứu được người còn hơn xây 7 tháp phù đồ, sẽ đạt được công đức vô lượng.

Chuyện lớn từ nhỏ mà ra
Trường trung cấp Văn hóa – Nghệ thuật và Du lịch Quảng Nam vừa ra thông báo đề nghị gần 800 học viên và giảng viên dùng sim điện thoại Vinaphone để nhận các thông tin, thông báo của trường. Theo đó hãng viễn thông này kiếm được mối làm ăn với nhà trường, nên hiệu trưởng yêu cầu mọi người dùng sim của mạng này để nhà trường nhắn tin miễn phí. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc này gây bất tiện như phải dùng thêm điện thoại khác hoặc bỏ sim cũ. Cái gì cũng có mặt tích cực và tiêu cực cả. Giờ thì dùng sim của nhà mạng này. Rồi đến lúc lại yêu cầu sử dụng sản phẩm của hãng khác. Dần dà đến lúc sẽ có những chuyện như tỉnh nọ yêu cầu cả tỉnh cùng uống một loại bia. Đừng tưởng nói đùa, mấy chuyện hồ đồ lớn, đều do những chuyện hồ đồ nhỏ không được uốn nắn kịp thời mà ra cả.

Điển hình mới
Huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đang trở thành điểm nóng tiên tiến cho nhiều địa phương khác noi theo. Trước mắt, thì huyện này đang chịu tai tiếng là thâm hụt ngân sách gần 2 tỉ đồng. Nhưng những khoảng thâm hụt này do đâu mà có? Đó là chi vào những chuyện không thể quyết toán cho những hoạt động của lãnh đạo huyện: mua thịt để làm đồ nhậu tại nhà sếp, hỗ trợ bí thư đi khám mắt, giải quyết vụ tai nạn xe đi đám ma nhà ông nọ, mua cây cảnh cho ông kia, hỗ trợ cho thường trực huyện ủy nâng nền nhà, chi tiền cho thường trực huyện ủy đi thăm bệnh vợ... ông khác, chi cho cán bộ tỉnh đi Trung Quốc, mua máy xay cá… nói chung là đủ thứ tiền trên trời dưới đất. Đụng cái gì cũng chi cả nên mới thâm hụt như thế. Nhưng những cán bộ đã ngậm tiền này, giờ phải xuất tiền túi trả lại, vì thu chi đều có thủ quỹ ghi lại cả rồi. Cho chừa cái tật tưởng bở, thấy người ta biếu gì, dúi cho cái gì cũng cứ vô tư mà cầm. Ông bà đã dạy rồi “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, làm như dễ ăn của người lắm. Ăn nhậu, nâng nhà, khám mắt, đi đám ma… mà bắt cấp dưới cung phụng nữa thì hơi vô sỉ. Các địa phương khác cứ thế mà học tập, sếp muốn gì cứ duyệt tất, xong ta đòi lại sau, tung hê lên ầm ĩ, để xem là ai ê mặt. Cho nên huyện Hồng Dân chịu tai tiếng chỉ là nhất thời thôi, cách làm sáng tạo này mới gọi là đáng lưu truyền trong dân gian.

Nhạt nhòa “học trò xứ Quảng”
Xưa nay, học trò xứ Quảng, danh sĩ đất Quảng đã trở thành thương hiệu của cả nước. Thứ nhất là giỏi, thứ nhì là gàn, thứ ba hay cãi… Bình thường có thể gàn gàn, nhưng đụng chuyện chướng tai gai mắt là làm đến cùng, kề dao vào cổ vẫn cứ cãi, kẻ sĩ xứ Quảng ngày xưa là thế. Nhưng ngày nay thì sao? Có một “ông” trai trẻ lên làm quan đầu ngành, nhiều người cứ ra rả nói rằng không phục chuyện này nhưng đành chịu. Nhưng tới hồi bầu bán là cả một hội đồng cả mấy trăm người, lúc đó chỉ có thể xét phổ thông đầu phiếu mà thôi. Ấy vậy mà “ông trẻ” ấy vẫn đậu mới tài, nguyên tập thể kẻ sĩ trong ngành đồng tâm hiệp lực bầu lên. Ở đây không bàn chuyện “ông trẻ” ấy có xứng đáng hay không, nhưng đã rõ là nhiều “kẻ sĩ” đã nói không đi đôi với làm,  xem ra thương hiệu kẻ sĩ đất Quảng không khỏi nhạt nhòa đôi chút. À, đừng ai hỏi xứ Quảng nào, có thể là Quảng Ngãi, Quảng Bình hoặc Quảng Đông, Quảng Tây, Quảng Bắc gì đó.

Hoàng Ba Đình