Thông Tấn Thôn: Mất nước một ngày thì có làm sao?

31/12/2016 21:00 GMT+7

Con số khó tin
15
Đường ống dẫn nước sông Đà đã vỡ lần thứ 15. Và đây có lẽ lần vỡ cuối cùng, vì đã dự tính xây đường ống khác. Thôi thà đau một lần rồi thôi. Hy vọng ống mới không vỡ như ống hiện tại.

Những câu nói ấn tượng

- Mất nước một ngày thì có làm sao?
Tổng Giám đốc Vinaconex Nguyễn Văn Tốn chất vấn lại bà con Hà Nội sau chuyện đường ống dẫn nước sông Đà vỡ lần thứ 15 gây mất nước nhiều nơi ở Thủ đô.

- Vụ mùa năm nay là vụ mùa đẹp nhất lịch sử, vụ mùa đẹp như tranh. Dân là dân gian, họ làm khác nhưng nói khác, không phải 100% dân đều là tốt cả.
Bà Tạ Thị Minh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật, cho rằng không có chuyện mất mùa do dùng thuốc của chi cục chỉ định như người dân nói, và dân này là dân gian.

- Cải cách hành chính không chỉ là dạy cán bộ biết cười.
Cử tri Nguyễn Ngọc Lục (quận 10, TP. HCM) góp ý về cải cách hành chính, theo đó cải cách phải đi vào bản chất, chứ không phải cười không thôi. Làm sai cho đã rồi ngồi cười thì thành cười trừ, còn người dân thì chỉ còn nước cười trừ.

Trừ nợ bằng lương
Trường tiểu học Thành An (Thạch Thành, Thanh Hóa) có một ông giáo ghiền đánh bài đánh bạc. Và chuyện gì đến cũng phải đến, năm 2014 ông giáo bị hốt trọn ổ quả tang khi đang đánh bạc, tổ chức đánh bạc qua mạng internet trong đường dây đánh bạc hàng nghìn tỉ đồng. Xộ khám là cái chắc, hồi đầu năm đã bị tòa tuyên 5 năm tù. Thế là đúng người đúng tội, chẳng ai thắc mắc, kêu ca gì cả. Nhưng vấn đề lằng nhằng là dù đã ở tù, thì ông này vẫn cứ được lãnh lương đều đều. Nhà trường biết rõ mọi chuyện, nhưng cứ phải làm vì cần hướng xử lý, đi hỏi huyện, huyện lại chỉ lên tỉnh, vòng vèo qua lại, chẳng biết đâu mà lần. Xét cho đúng, dù nhà trường hay phòng GD-ĐT huyện không nhận được thông báo của tòa, thì theo quy định, không đi làm là không hưởng lương, nên chẳng việc gì phải lăn tăn phát lương cả. Nói khí không phải, biết đâu, lúc còn làm chủ sòng bài, có người còn nợ tiền bạc, nên đành phải trả dần qua lương? Nói cho vui thôi. Chứ ai mà biết được chuyện này.

Chết là hết?
Hệ trung cấp, cao đẳng, đại học đang giãy chết, nhiều trường đang lâm vào tình trạng chết lâm sàng, tức là chết rồi, mà chưa có giấy báo tử thôi. Bên cạnh đó, còn rất nhiều trường sống ngoi ngóp, cụ thể là 28 trường đại học – cao đẳng vẫn còn thiếu hàng nghìn chỉ tiêu. Thiếu người học, tất nhiên không thu đủ sở hụi để hoạt động, hoặc hoạt động rất khó khăn. Đây là hệ quả tất yếu sau thời gian nở rộ các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Nếu xem giáo dục như thị trường, thì dĩ nhiên các trường không đủ khả năng, không thu hút người học phải chết là điều tất yếu, thậm chí là có lợi cho giáo dục nước nhà. Nhưng vì đây không hẳn là thị trường, nên đâu phải muốn chết là chết? Chết là kéo theo hàng loạt sinh viên, học viên đang theo học giữa chừng chẳng biết phải về đâu. Đâu phải dễ dàng theo kiểu trạng chết chúa băng hà? Vì không thể chết tốt như thế, nên những cái chết này là cái chết từ từ và đau đớn.

FDI rồi “ai đi ép”?
Để thu hút đầu tư, nước ta đã dành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp ngoại để đổi lại cam kết lộ trình nội địa hóa. Nói chung, đây là một trong những chính sách trong thuật ngữ “trải thảm đỏ” để kêu gọi đầu tư từ nước ngoài. Vậy nhưng, ưu đãi nhiều rồi, nhưng nội địa hóa chẳng bao nhiêu, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cứ tự vơ vào cái mác nội địa hóa nhằm hưởng lợi từ chính sách ưu đãi. Thành ra, nhiều doanh nghiệp trong nước cứ gọi là thua trắng trên sân nhà. Sau 25 năm mở cửa đón đầu tư nước ngoài, thì đến nay chính sách nội địa hóa ở khu vực doanh nghiệp FDI đến nay gần như phá sản. Cứ tưởng “ép đi ai” (FDI) là ngon nhưng rồi là “ai đi ép”?

Hứa thì dễ
Ngập lụt tại TP. HCM đã đến mức báo động đỏ. Nếu bàn về nguyên nhân, chắc chắn các chuyên gia sẽ cho rằng đó là do nguyên nhân khách quan, chẳng hạn như biến đổi khí hậu toàn cầu, tan băng ở hai cực khiến nước biển dâng cao, thời tiết thất thường, chu kỳ El Nino diễn biến khôn lường... Đại khái là ở đâu đâu, vĩ mô xa vời, khó có thể can thiệp bằng sức người. Nói chung, nói như thế nghe hoài, cự lại cũng nhiều, nhưng thôi, ở đây ta bàn về cách khắc phục. Dĩ nhiên cũng có nhiều cách, đủ thứ biện pháp, thậm chí có đề xuất TP. HCM nên tập sống chung với lũ, làm quen với mùa nước nổi. Với các biện pháp đã đề xuất, các chuyên gia hứa hẹn rằng đến 2018, TP. HCM sẽ hết ngập nặng. Lời hứa nghe cũng quen quen. Hình như cách nay vài năm cũng có người bảo đến 2015 này TP. HCM sẽ hết ngập. Kết quả ra sao? 2015 TP. HCM hết ngập mà chuyển sang ngập nặng, còn vị đã hứa cũng đã về hưu. Chiếu theo độ vênh giữa lời hứa và thực tế, thì với lời hứa 2018 TP. HCM hết ngập nặng, ta có thể mạnh dạn nói rằng 2018 TP. HCM không còn ngập nặng nữa mà sẽ chuyển sang ngập rất nặng.

Chi Lăn
Năm 2010, tập đoàn Thiên Thanh mua lại sân Chi Lăng (Đà Nẵng) với mục đích xây dựng khu phức hợp thương mại cao cấp. Tuy nhiên dự án bị ách lại vì chủ tịch tập đoàn vướng phải vòng lao lý. Thế là sân Chi Lăng, là tài sản của tập đoàn, phải chịu cảnh bị cơ quan điều tra phong tỏa nhằm làm rõ những sai phạm của ông chủ tịch tập đoàn. Tới hồi phong tỏa, thì được biết là tập đoàn đã đem cắm sân Chi Lăng vào ngân hàng rồi. Mà thể theo nguyện vọng của đa số cổ động viên xứ sở sông Hàn, thì vẫn muốn giữ lại sân Chi Lăng, vì đây là sân ruột của tất cả mọi người, đã thành biểu tượng bóng đá của Đà Nẵng. Thế thì giải cứu thôi. Cắm ngân hàng thì xùy tiền ra. Nên sân Chi Lăng phải đổi lại chút xíu thành “Chi Lăn”, có “chi” thì bóng mới “lăn” được.

Cơ chế thị trường nước
Nhiều hộ dân ở các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Từ Liêm... (Hà Nội) đang sống mòn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều hộ đã phải dùng nước từ giếng khoan hoặc mua từ xe bồn để chống khát qua ngày. Nguyên nhân của tình trạng này, không gì ngoài của nợ đường ống dẫn nước sông Đà liên tục vỡ. Vậy mà Hà Nội đã tăng giá nước lên 20% từ 1/10 vừa rồi. Thế là những hộ này sốc toàn tập, nguyền rủa luôn mồm rằng làm ăn bết bát, để vỡ ống nước liên tục mà còn tăng giá, thật không thể chấp nhận được. Ơ hay, nên nhớ chuyện vỡ ống nước có nguyên nhân từ bản thân cái ống nước, còn giá nước tăng là chuyện của cơ chế thị trường. Vỡ ống nước, tất nhiên thiếu nước, cứ cho nhu cầu sử dụng nước là không đổi thì theo quy luật cung cầu, cung giảm mà cầu không đổi thì giá sẽ tăng. Đây là quy luật cơ bản của cơ chế thị trường. Ta đang xây dựng cơ chế thị trường, thì phải chấp nhận thôi. Chưa kể, còn phải tính cả tiền xây lại ống nước vào giá nước nữa cơ. Ở đó kêu ca cái gì.

Toán khó cho ngành điện
Một nhóm nghiên cứu của Đại học Havard (Mỹ) đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy số người chết trẻ liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam mỗi năm lên đến 4.300 người. Nếu các dự án nhà máy đang trong quy hoạch được đưa vào vận hành, có thể dẫn tới cái chết của 25.000 mỗi năm. Nghe con số có vẻ kinh hoàng thật. Nhưng giờ không làm điện than thì làm điện gì? Làm thủy điện nhé. Thủy điện ở nước ta thì ai cũng biết rồi, lai rai xả lũ khiến thiệt hại đủ thứ về người và của. Hay là làm điện hạt nhân? Để rồi tìm thấy chất phóng xạ trong bãi rác như tại Bà Rịa – Vũng Tàu? Cũng khó nói lắm chứ. Thôi thì cứ làm điện than đi. Có bệnh thì nhờ y học tiến bộ có thể chữa được. Hiện có thể là chết trẻ, nhưng về sau có thể chết trung niên, chết lão niên... Còn để cuốn trôi theo thủy điện hay nổ banh xác với điện hạt nhân thì không còn gì để vớt vát.

Ngẫu
Chuyện “cả họ làm quan” ở Mỹ Đức, đã được chính quyền Hà Nội đính chính rằng đó là do ngẫu nhiên. Quan đã nói là chúng ta phải tin. Chính quyền rõ ràng trong sạch, minh bạch, vững mạnh. Xét theo cặp phạm trù “tất nhiên” và “ngẫu nhiên” thì chuyện người có năng lực được bố trí chức vụ xứng đáng là điều “tất nhiên”, còn họ xuất thân từ chung một họ, vào làm cùng một nơi, thì đó là “ngẫu nhiên”. Còn xét từ quan điểm lịch sử, thì từng có dòng tộc cả họ làm từ vua tới quan, nhưng đều để lại những dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc như triều Trần chẳng hạn. Thế nên, chuyện cả họ làm quan, như chính quyền Hà Nội đã nói, hoàn toàn là do ngẫu nhiên cả. Tuy đã thừa nhận rằng là ngẫu nhiên, ấy vậy mà cả tập thể lãnh đạo huyện Mỹ Đức lại bị kiểm điểm. Ngẫu nhiên dĩ nhiên khách quan, khách quan là không có lỗi, không có lỗi thì chẳng việc gì kiểm điểm. Thành ra, cái việc kiểm điểm ngẫu nhiên này có thể xem như là ngẫu hứng cũng được.

Giá nào cũng thế
Gần 3 năm trước, Bộ TN&MT công bố rằng phải tốn những 50 tỷ USD (hơn 1.000.0000 tỷ đồng) để thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường cho đến 2020 tầm nhìn 2030. Nhiều người choáng và không tin vào con số khổng lồ đó. Nhưng trên thực tế, đơn cử như cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (TP. HCM) đã hết 600 triệu USD mà vẫn chưa đâu vào đâu. Tính lòng vòng các kênh ô nhiễm trong khu vực TP. HCM như kênh Ba Bò, kênh Tàu Hũ, kênh Thị Vải... lại thêm đủ thứ khác để cải tạo môi trường thì không khéo 50 tỉ USD cũng làm không đủ. Nhưng vẫn phải làm, bởi ô nhiễm gây thiệt hại 5% GDP mỗi năm, và cứ tăng 1% GDP lại mất 3% GDP cũng vì môi trường. Cho nên cái giá trả cho môi trường không hề đắt. Và nên tự hào rằng vẫn còn môi trường để bảo vệ, còn hơn không còn gì để bảo vệ cả.

Cao su co dãn
Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2015, với khoảng 740.000 tấn cao su xuất khẩu, ngành cao su bị mát hơn 40.000 tỉ đồng nếu so với giá bình quân cùng kỳ vào năm 2011. Giờ gia nhập đủ thứ tổ chức rồi, từ WTO, TTO gì đó, nên giá cả đâu phải muốn bao nhiêu là bấy nhiêu theo ý thích được. Có than kiểu này thì là ông xăng dầu phải than trước, vì giá xăng dầu lao dốc bấy lâu nay, khiến cho ngành xăng dầu thất thu, có người tiêu dùng là vui sướng cười toe toét. Thành ra, giá cả là do thị trường quyết định. Ngoài ra, do đây là cao su, nên giá cả có co giãn như cao su âu cũng là điều bình thường.

Chẳng phải chuyện lớn
Mấy hôm nay, Đà Nẵng rộ lên chuyện người Trung Quốc đến sống tập trung đông đảo, thậm chí nhờ người Việt đứng tên hộ để mua nhà cửa, đất đai. Nhiều người tỏ ý hoài nghi, đặt vấn đề ngay, bảo rằng thế là không ổn, là tiềm ẩn nguy cơ, ảnh hưởng an ninh... tùm lum búa xua. Có gì đâu? Người Trung Quốc vốn đến Việt Nam qua rất nhiều thời kỳ, thời nào họ cũng đến, đã trở thành quy luật. Nhưng cha ông ta xử lý vấn đề này rất tốt, chẳng những không có gì ảnh hưởng đến an ninh, mà còn giúp họ có phần đóng góp xứng đáng vào xã hội nước ta, trở thành một trong 54 dân tộc anh em. Mà nên nhớ, ngày xưa sang đây đâu thiếu gì dân tị nạn chính trị, mang đủ quan quân, vũ khí sang nữa mà có ai sợ quái gì đâu? Giờ con cháu gặp chuyện mới chút mà đã hà rầm lên rồi. Tất nhiên nói thế không phải là mất cảnh giác. Ai sang với mục đích tốt, thì ta đón chào. Còn sang bàn tính bậy bạ thì cứ đá ra khỏi nhà. Đơn giản thôi.

Dẹp ảo tưởng
Nói thật, trên đời này chưa bao giờ thấy chuyện nào nhây như chuyện lấp sông Đồng Nai. Ai cũng bảo là không ổn, ai cũng bảo là không nên lấp, thế mà tỉnh và chủ dự án cứ cù nhầy, năm lần bảy lượt cứ đưa thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lên trên chờ duyệt. Tất nhiên là ở trên bác với lý do là chưa đủ cơ sở khoa học để triển khai dự án. Sau khi nộp bài bị trả bài về, thế là lại tiếp tục làm lại ĐTM, lại mang lên trên, lại bị bác. Cứ nghĩ rằng làm ĐTM cho đến lúc nào được duyệt rằng đủ cơ sở khoa học để triển khai dự án rồi về lấp sông chắc? Thành ra, phải dứt khoát một lời. Cứ nói huỵt toẹt rằng không cho lấp đi cho rồi, khỏi cần làm ĐTM nữa, cho khỏi phí hơi với mấy chuyện này. Đừng để tỉnh ảo tưởng rằng cứ làm ĐTM đến khi nào đạt thì sẽ được lấp sông. Mà ĐTM làm đâu phải không tốn phí? Cũng tiền cả đấy.

Hoàng Ba Đình