Thủy sản xuất khẩu thích nghi dần với Covid-19, 10 tháng đạt gần 7 tỷ USD

15/11/2020 08:39 GMT+7
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, xuất khẩu thuỷ sản bắt đầu phục hồi trong tháng 9 khi tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, sang tháng 10 tiếp tục tăng trên 10% khi đạt khoảng 923 triệu USD.
Thủy sản xuất khẩu thích nghi dần với Covid-19, 10 tháng đạt gần 7 tỷ USD - Ảnh 1.

Xuất khẩu tôm tiếp tục đà tăng trưởng tốt

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 10 năm 2020 ước đạt 840 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm 2020 đạt gần 6,88 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020, chiếm 59,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Anh (+22,9%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản giảm mạnh nhất là Thái Lan (-17,6%).

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, xuất khẩu thuỷ sản bắt đầu phục hồi trong tháng 9 khi tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, sang tháng 10 tiếp tục tăng trên 10% khi đạt khoảng 923 triệu USD.

Trong đó, xuất khẩu tôm tiếp tục đà tăng trưởng tốt khi tháng 10 đạt gần 419 triệu USD (tăng trên 21%), đưa tổng xuất khẩu tôm 10 tháng đạt 3,1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Đây cũng là mặt hàng giữ được đà tăng trưởng dương liên tục từ tháng 2-10/2020, riêng tháng 9 tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tôm sang EU khả quan nhờ một phần tác động tích cực từ hiệp định EVFTA. EU là thị trường lớn thứ 4 (sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc) của XK tôm Việt Nam khi chiếm 13,8% tổng giá trị XK. Sau khi giảm trong những tháng trước đó, XK tôm sang EU tháng 9 đạt 57,6 triệu USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ.

Còn xuất khẩu tôm sang thị trường số 1 là Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay đạt trên 634,4 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ 2019. Mặc dù dịch COVID-19 nhưng thị trường này vẫn tăng trưởng dương và là thị trường có nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam ổn định nhất trong thời gian này. Trên thị trường Mỹ, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ như Ấn Độ và Ecuador.

Thủy sản xuất khẩu thích nghi dần với Covid-19, 10 tháng đạt gần 7 tỷ USD - Ảnh 3.

Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của xuất khẩu cá tra Việt Nam

Đối với cá tra, sau khi sụt giảm liên tục qua các tháng với mức giảm 28-31% so với cùng kỳ, sang tháng 9 có khả quan hơn khi giảm 17% và tháng 10 giảm 3%. Giá cá tra xuất khẩu có xu hướng tốt hơn trong vài tháng gần đây và dự báo sẽ tiếp tục tác động tích cực đến kết quả xuất khẩu cá tra trong những tháng tới.

Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tính đến nửa đầu tháng 10, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc – Hồng Kông đạt gần 386 triệu USD, mặc dù giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chiếm tới 34,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

Số lượng doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia XK vào thị trường này cũng đông đảo nhất với hơn 130 doanh nghiệp. Đây tiếp tục được đánh giá là thị trường nhập khẩu đa dạng nhất các sản phẩm cá tra từ Việt Nam.

Theo đánh giá chung, ngành xuất khẩu đang dần thích nghi với bối cảnh dịch Covid và biến thách thức thành cơ hội khi nhu cầu thủy sản nói chung giảm nhưng lại tăng nhu cầu với một số phân khúc sản phẩm như tôm chân trắng đông lạnh, cá khô, mực khô, thủy sản chế biến sẵn, cá hộp…

Bên cạnh đó, hiệp định EVFTA (hiệu lực từ ngày 1/8/2020) đã tác động tích cực đến kết quả xuất khẩu thủy sản trong 3 tháng gần đây và dự báo sẽ tiếp tục tác động tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Với xu hướng này, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,45 tỉ USD, giảm nhẹ 1,5% so với năm 2020.

Đ.M
Cùng chuyên mục