TP Buôn Ma Thuột: Phát triển hạ tầng giao thông xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Minh Anh Thứ tư, ngày 01/11/2023 09:37 AM (GMT+7)
Nhằm hướng đến xây dựng TP. Buôn Ma Thuột thành trung tâm vùng Tây Nguyên, chính quyền cũng như các cấp, ngành và nhân dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã và đang đồng lòng, hợp lực triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, việc phát triển hạ tầng giao thông đang được ưu tiên, chú trọng thực hiện.
Bình luận 0

Hướng đến đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Với diện tích hơn 370 km2, Buôn Ma Thuột là thành phố lớn nhất ở vùng Tây Nguyên. Đây cũng là đô thị miền núi có dân số lớn nhất Việt Nam với hơn 500.000 người thuộc các dân tộc: Kinh, Ê đê, K'ho, Xơ Đăng, Gia Rai... TP. Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I tại Quyết định số 288/QĐ-TTg ngày 8/2/2010, Buôn Ma Thuột không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Đắk Lắk mà còn là đô thị có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên.

TP Buôn Ma Thuột: Phát triển hạ tầng giao thông xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên - Ảnh 1.

Công trình đường Đông - Tây, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã được khánh thành, chính thức đưa vào sử dụng từ 30/10/2023.

Sau 47 năm giải phóng, đặc biệt kể từ khi thực hiện Kết luận số 60-KL/TW và Kết luận số 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong công cuộc xây dựng, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật. Nhiều khu đô thị được hình thành, nâng cấp; nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đô thị, hạ tầng kỹ thuật được ban hành; nhiều đồ án quy hoạch đô thị được thiết lập; chất lượng đô thị được nâng cao, kể cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ xã hội.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, hạ tầng giao thông được thành phố ưu tiên nguồn lực để xây dựng. Nhiều dự án giao thông trọng điểm được triển khai thực hiện như: Đường vành đai phía Tây Buôn Ma Thuột, đường Ðông Tây, đường Trần Quý Cáp, đường Mai Thị Lựu, đường từ Quốc lộ 26 đi Quốc lộ 14 và Tỉnh lộ 8… được đầu tư xây dựng. 

Trong đó nhiều dự án, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả đã góp phần nâng cao năng lực thông hành cho mạng lưới đường bộ trên địa bàn thành phố. Điển hình nhất có thể kể đến Công trình đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột. Mới đây, công trình này đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. 

Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng cho rằng, đây là con đường mang ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy kết nối giao thông giữa các địa phương trong tỉnh, tạo thành trục giao thông chính phía Đông Nam của thành phố, từng bước mở rộng không gian đô thị, tạo dư địa để phát triển hạ tầng các khu vực xung quanh dọc tuyến đường. Đồng thời giảm bớt áp lực lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông tập trung ở các tuyến đường khu vực trung tâm thành phố vào giờ cao điểm.

TP Buôn Ma Thuột: Phát triển hạ tầng giao thông xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên - Ảnh 2.

Đại lộ Đông - Tây, TP. Buôn Ma Thuột có quy mô đầu tư lớn nhất của TP. Buôn Ma Thuột tính đến thời điểm này.

Giao thông ngày càng thuận tiện đã mở đường cho các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, du lịch, giáo dục, y tế… có bước phát triển theo. Nhờ đó, TP. Buôn Ma Thuột không chỉ ngày càng khang trang, hiện đại, bước đầu thể hiện được vai trò đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên mà còn lan tỏa, tác động đến sự phát triển của các tỉnh trong khu vực.

Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông

Đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, theo kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 60-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, trong quá trình xây dựng và phát triển vẫn còn một số hạn chế như: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; thiếu sự kết nối trong phát triển giữa các ngành theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. 

TP Buôn Ma Thuột: Phát triển hạ tầng giao thông xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên - Ảnh 3.

TP. Buôn Ma Thuột đang tập trung nguồn lực để phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

TP. Buôn Ma Thuột chưa thật sự đóng vai trò là đô thị trung tâm mang bản sắc riêng của vùng Tây Nguyên, là cực tăng trưởng tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng; là trung tâm giao lưu, cửa ngõ và đầu mối giao lưu buôn bán hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam-Lào-Campuchia. Đặc biệt là kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ, hạ tầng giao thông, nhất là giao thông kết nối với các tỉnh chậm được nâng cấp; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh và khai thác có hiệu quả. Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố chưa đạt yêu cầu đề ra...

Vì vậy, để Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trong giai đoạn mới, ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 67-KL/TW về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/4/2021 và HÐND tỉnh Ðắk Lắk đã thông qua đề án xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... với nhiều giải pháp lớn như quy hoạch mở rộng địa bàn thành phố; phân cấp nguồn lực và thẩm quyền cho thành phố; huy động các nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng cho thành phố, nhất là hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối với vùng duyên hải, đặc biệt là cảng biển của Nha Trang, Khánh Hòa. 

Tỉnh Đắk Lắk cũng đã đề nghị Trung ương bố trí thêm nguồn lực cho phát triển giao thông, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, văn hóa và tập trung xây dựng nguồn nhân lực cho TP. Buôn Ma Thuột đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai...

Ðặc biệt, TP. Buôn Ma Thuột đang phối hợp các các ngành chức năng triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm huy động thêm nguồn lực, nhân lực… để xây dựng và phát triển thành phố.

TP Buôn Ma Thuột: Phát triển hạ tầng giao thông xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên - Ảnh 4.

Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao.

Xác định phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng là điều kiện tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng lộ trình phát triển đô thị của TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và hệ thống đô thị toàn tỉnh nói chung nhằm đảm bảo mục tiêu cho giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Theo đó, TP. Buôn Ma Thuột với vai trò là đô thị hạt nhân trong hệ thống các đô thị của tỉnh; giai đoạn tới, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đô thị, huy động các nguồn lực phát triển cải tạo khu đô thị hiện hữu, thực hiện xây dựng mở rộng lấp đầy dự án các khu đô thị mới.

Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung triển khai các dự án giao thông trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đồng thời tập trung huy động nguồn lực xã hội để đầu tư hoàn thiện các tuyến đường vành đai và các tuyến kết nối liên khu vực theo quy hoạch chung được duyệt. Từ đó, khai thác, kết nối điều tiết lưu lượng xe trên các tuyến đường và phát triển đô thị một cách đồng đều, phát huy hiệu quả về kinh tế - xã hội của các khu vực.

TP Buôn Ma Thuột: Phát triển hạ tầng giao thông xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên - Ảnh 5.

Song song với đầu tư hoàn thiện mạng lưới đường bộ, TP. Buôn Ma Thuột sẽ đầu tư xây dựng các công trình công cộng dịch vụ theo quy hoạch được duyệt.

Song song với đầu tư hoàn thiện mạng lưới đường bộ, thành phố cũng sẽ đầu tư xây dựng các công trình công cộng dịch vụ theo quy hoạch được duyệt, nhằm phân bố mật độ dân cư, điều tiết lưu lượng xe trên các tuyến đường một cách đồng đều giữa các khu vực. 

Đồng thời, cơ quan chức năng thành phố đã và đang rà soát các quỹ đất phù hợp thực tế để quy hoạch, đầu tư các bãi đỗ xe trong khu vực trung tâm lõi đô thị. Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung đầu tư mở rộng, cải tạo các nút giao thông theo quy hoạch như nút giao Nguyễn Tất Thành – Lý Tự Trọng – Cao Đạt; nút giao Nguyễn Chí Thanh – Nguyễn Hữu Thọ; nút giao Nguyễn Văn Cừ – Hẻm 119.

Theo Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030, trong giai đoạn 2020 - 2030, tỉnh dự kiến bố trí cho TP. Buôn Ma Thuột hơn 141.297 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp và cải tạo đô thị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem