Trong lịch sử Trung Quốc, Tống Giang được chiêu an hay bị giết?

Thứ bảy, ngày 22/01/2022 10:31 AM (GMT+7)
Tống Giang là một nhân vật có thật sống dưới triều Tống ở Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc đời của ông chỉ được sử sách đề cập rất ít và không giống trong Thủy Hử.
Bình luận 0

Trong tác phẩm Thủy Hử của Thi Nại Am, Tống Giang là nhân vật chính, có tên hiệu là Hô Bảo Nghĩa (Người kêu gọi chính nghĩa), còn gọi là Tống Áp Ty, Tống Công Minh hay Cập Thời Vũ. Tống Giang là vị đầu lĩnh của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc sau khi Tiều Cái trúng tên qua đời. Nghĩa quân của ông hoạt động ở các tỉnh Sơn Đông và Hồ Nam.

Thủy Hử: Tống Giang được chiêu an hay bị giết? - Ảnh 2.

Tống Giang là vị đầu lĩnh của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc sau khi Tiều Cái trúng tên qua đời.

Triều đình nhiều lần mang quân chinh thảo Lương Sơn. Tống Giang lãnh đạo Lương Sơn đánh bại Đồng Quán 2 lần, đánh bại Cao Cầu 3 lần. Cao Cầu bị bắt lên Lương Sơn, Tống Giang nhờ Cao Cầu về xin vua Tống cho chiêu an và thả Cao Cầu về. Tống Giang cùng các anh hùng Lương Sơn Bạc lập được nhiều chiến công hiển hách.

Tống Giang lãnh đạo Lương Sơn đánh nước Liêu, chiếm Đàn Châu, Kế Châu, Bá Châu, U Châu… Sau khi dẹp được giặc Phương Lạp, đầu lĩnh Lương Sơn Bạc còn 36 người về kinh đô. Một số người bỏ đi, không theo đoàn quân thắng trận trở về nên chỉ còn 27 người về tới kinh. Tống Giang được phong chức quan cai trị ở Sở Châu. Do bị gian thần hãm hại nên Tống Giang đã chết khi uống phải rượu vua ban có thuốc độc. Tống Giang biết trong rượu có độc, nhưng vì là ngự tửu nên không thể không uống.

Hầu hết các sử tịch triều Tống như Hoàng Tống thập triều cương yếu, Tục Tư trị thông giám trường thiên, Tam triều bắc minh hội biên… đều chép việc Tống Giang chấp nhận chiêu an, sau đó đem quân đi trấn áp khởi nghĩa của Phương Lạp.

Nhưng tại vùng Hải Châu, nơi Tống Giang bại trận, người dân vẫn lưu truyền việc Tống Giang và các nghĩa sĩ đều bị Trương Thúc Dạ giết chết, chôn dưới núi Bạch Hổ. Núi này hiện ở phía Tây Nam cổ thành Hải Châu, cảng Liên Vân, tỉnh Giang Tô. Núi chỉ cao 62,8 m, được người dân gọi là “Hảo hán doanh” (mộ hảo hán) và lưu truyền bài thơ: “Bạch bích Hổ sơn âm, Phần điệp thảo mộc thanh. Vấn thị thùy gia mộ, Lương Sơn hảo hán doanh” (Núi Bạch Hổ vách trắng âm u; mộ phần chồng lên nhau, cây cỏ xanh tốt. Hỏi rằng đó là phần mộ của ai? Rằng là mồ chung của hảo hán Lương Sơn).

Năm 1939 khai quật được tấm mộ chí minh của Võ Công đại phu Chiết Khả Tồn thì lại chép rằng Khả Tồn chiến thắng Phương Lạp rồi mới đi trấn áp Tống Giang, coi đây là một võ công lừng lẫy của mình. Vì thế, một số ý kiến cho rằng Tống Giang chấp nhận quy hàng nhưng sau đó lại dấy binh phản Tống một lần nữa. Đến năm Tuyên Hòa thứ 4 (1122) thì bị Chiết Khả Tồn trấn áp và giết chết.


Quốc Tiệp (Theo Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem