Trung Quốc: Xu hướng ăn mặc kỳ dị, xấu xí đi làm

Trọng Hà (Theo CNN) Thứ tư, ngày 24/04/2024 15:12 PM (GMT+7)
Một dạng video "get ready with me" (sửa soạn cùng tôi) mới đang trở nên thịnh hành ở Trung Quốc, xoay quanh những bộ trang phục công sở "xấu kinh dị".
Bình luận 0

Giới trẻ Trung Quốc đang mặc những chiếc quần pajama rách nát nhất, đôi dép lê xù xì nhất và hướng đến văn phòng như một cuộc nổi loạn đầy châm biếm chống lại mọi thứ, từ những ông chủ lạm quyền, điều kiện làm việc kém cho đến mức lương thấp và giờ làm việc dài dằng dặc. Đặc biệt, họ đang hân hoan, không ngại khoe những sáng tạo của mình trên mạng.

Trong nhiều tháng, người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã đăng tải các bài viết dưới các hashtag như #grossoutfitforwork (trang phục xấu xí đi làm) #uglyclothesshouldbeforwork (quần áo xấu nên để đi làm) #ootd (trang phục ngày hôm nay) và kêu gọi những người khác chia sẻ phong cách của riêng họ, cạnh tranh xem ai mặc xấu nhất.

Trung Quốc: Xu hướng ăn mặc kỳ dị, xấu xí đi làm

Trung Quốc: Xu hướng ăn mặc kỳ dị, xấu xí đi làm- Ảnh 1.

Người dùng mạng xã hội đăng "trang phục xấu xí" của họ trên các nền tảng mạng xã hội. Ảnh: Douyin

Hashtag "grossoutfitforwork" đã thu hút hơn 140 triệu lượt xem và hàng chục nghìn lượt thảo luận chỉ riêng trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Vào cuối tháng 2, một bài đăng của người dùng Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc) có tên Kendou S đã lan truyền chóng mặt., trong đó cô khẳng định bị sếp khiển trách về bộ trang phục "xấu xí" mà cô cho biết mình mặc để chống lại thời tiết giá lạnh.

Trong một video tiếp theo, được yêu thích 752.000 lần và đăng lại hơn 1,4 triệu lần, Kendou S khoe một trong những bộ trang phục "phạm lỗi" của mình, trong đó kết hợp lộn xộn: một chiếc mũ trắng bông xù, mũ trùm đầu màu xám, đôi găng tay đỏ tơi tả, áo khoác phao, áo khoác chần bông màu hồng, váy len dài, quần pajama kẻ sọc, dép lê lót lông và tất cao đến đầu gối.

Đáp lại các bài đăng tương tự, một người phụ nữ đăng ảnh cô mặc áo vest dạ quang màu vàng chanh và quần đùi rộng thùng thình đến đầu gối viết: "Đồng nghiệp của tôi nói tôi ăn mặc như người rừng", trong khi một bình luận khác khoe chiếc áo khoác màu vàng xanh cáu bẩn nói: "Sếp đưa tôi 50 nhân dân tệ (khoảng 180 nghìn đồng) để giặt quần áo và cấm tôi bắt tay với khách hàng nữa".

"Kiếm được đồng lương bèo bọt, với mấy đồng nghiệp xấu xí, thì bạn còn mong đợi gì từ trang phục của tôi nữa?", một bài đăng lên tiếng.

Sau khi theo đuổi "tang ping" hay "nằm thẳng", một triết lý bác mới sinh ra là từ bỏ lối sống chạy đua và chủ nghĩa tiêu dùng để ủng hộ một cuộc sống bớt căng thẳng hơn, giới trẻ Trung Quốc đã tổ chức các "bữa tiệc nghỉ việc" và thậm chí còn được trả tiền để trở thành "những đứa trẻ toàn thời gian". "Trang phục xấu xí" dường như là nỗ lực mới nhất của một số Gen Z xứ Trung để đưa ra tuyên bố khi đất nước này đang phải đối mặt với tình hình kinh tế ảm đạm và tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao kỷ lục. 

Giới trẻ Trung Quốc đang tốt nghiệp và bước vào một thị trường việc làm khó khăn, với việc chính phủ báo cáo vào tháng 1 rằng tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 12/2023 là 14,9% ở nhóm tuổi từ 16 đến 24. Con số này, được công bố sau 5 tháng gián đoạn, đã loại trừ 62 triệu sinh viên. Trước đó, con số này đã đạt mức cao 21,3% vào tháng 6/2023.

Trung Quốc: Xu hướng ăn mặc kỳ dị, xấu xí đi làm- Ảnh 2.

Kendou S (trái) kết hợp áo khoác chần bông màu hồng với váy màu be, quần pyjama vải flannel và bốt lót lông. Ảnh: Douyin

"Họ đang đặt câu hỏi tại sao phải bận tâm tới ngoại hình khi công việc và triển vọng cuộc sống tương lai của bạn trông không mấy sáng sủa", Bohan Qiu, 29 tuổi, người sáng lập Boh Project, một công ty tư vấn về sáng tạo, quan hệ công chúng và thương hiệu cho các thương hiệu thời trang có trụ sở tại Thượng Hải và Seoul cho biết. "Trước đây, họ coi (công việc) như theo đuổi một giấc mơ… và (các công ty) đã thúc đẩy mọi người tranh giành miếng bánh (kinh tế). Bây giờ mọi người kiểu: "Không, nó không tồn tại, đó là một lời nói dối"", Qiu nói.

Mặc dù các làn sóng lan truyền trên mạng xã hội mang tính cực đoan hơn, Qiu cho biết ông tin rằng việc không cầu kỳ khi đi làm dần phổ biến ở Trung Quốc và sẽ tiếp tục như vậy. Đặc biệt hơn nữa tại các nơi làm việc mà việc làm thêm giờ và ngồi lâu trước máy tính là chuyện thường, thế hệ trẻ vốn đã quen với việc làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch.

Qiu nói thêm rằng, mặc dù nhân viên của anh không ăn mặc theo cách của những người trong các video lan truyền, nhưng họ có xu hướng ăn mặc giản dị hơn. "Nhiều người vẫn đến công ty trong những bộ quần thể thao, quần đùi, dép lê và những thứ tương tự, và điều đó đã được chấp nhận miễn là trông họ vẫn ổn", anh chia sẻ.

Trung Quốc: Xu hướng ăn mặc kỳ dị, xấu xí đi làm- Ảnh 3.

Một cô gái trẻ nắm bắt xu hướng tại nơi làm việc của mình. Trong video của mình, cô để lộ nhiều lớp trang phục của mình, bao gồm cả bộ đồ ngủ màu xám. Ảnh: Douyin

Thực ra, những người trẻ chọn cách ăn mặc giản dị đi làm không hề "kỳ thị" chuyện mặc đẹp khi ra ngoài sau giờ làm việc. Nhiều người chia sẻ họ chỉ muốn "banwei" hay "mùi hôi của công việc" không bám vào bộ quần áo yêu thích của họ.

Trong khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhanh chóng chỉ trích xu hướng "nằm thẳng" hay "thả trôi", tờ Nhân dân Nhật báo gọi hiện tượng ăn mặc xấu đi làm là một kiểu "tự ti" và nói rằng miễn là nhân viên "ăn mặc phù hợp, có thái độ làm việc đúng mực, không ảnh hưởng đến người khác và không có hành vi đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản", thì không có vấn đề gì.

Qiu, người làm việc trong ngành thời trang, cũng thấy mình ăn mặc giản dị hơn sau khi chuyển đến Thượng Hải. Anh cho biết nhiều bộ vest lịch sự từng mặc ở Hồng Kông giờ đang nằm sâu trong tủ quần áo của anh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem