Tướng Nguyễn Mai Bộ: Có người 30 năm đào tạo vài thế hệ nghiện hút, cờ bạc không bị xử lý

Thành An Thứ tư, ngày 27/05/2020 11:32 AM (GMT+7)
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ - ĐBQH đoàn An Giang cho biết, có trường hợp trong vòng 30 năm nay đào tạo cho địa phương vài ba thế hệ con cháu nghiện hút, cờ bạc nhưng không bị xử lý.
Bình luận 0

Sáng 27/5, Thiếu tướng, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã phát biểu thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật và phòng chống xâm hại trẻ em.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, từ thực tiễn đời sống xã hội cho thấy, trẻ em không tự mình sa đà vào con đường cờ bạc, nghiện hút, ma túy nếu không có sự bắt đầu từ hành vi dụ dỗ, xúi giục, lôi kéo, giúp sức của người lớn. Tuy nhiên những hành vi này của người lớn Luật Trẻ em chưa coi rằng đây là hành vi xâm hại đối với trẻ em.

Chính những hành vi cờ bạc, nghiện hút của trẻ em luôn là những hành vi ban đầu khởi hành cho những hành vi tiếp theo như lừa đảo, trộm cắp mà các em thực hiện. Trong đó có những hành vi có dấu hiệu của tội phạm nhưng vì các em chưa đủ độ tuổi để truy cứu trách nhiệm hình sự cho nên mới chỉ là đối tượng có thể áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) từ Điều 89 đến 96.

Tướng Nguyễn Mai Bộ: Có người 30 năm nay đạo tạo vài thế hệ nghiện hút cờ bạc không bị xử lý - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội phát biểu tại Quốc hội. (ảnh: Quochoi.vn)

"Đây sẽ là những khởi nguồn tạo ra những con nghiện, con bạc và những người phạm tội hình sự sau này. Hơn nữa, trong quá trình từ người là nạn nhân cho đến người phạm tội liệu ai có thể khẳng định chính những em này không lôi kéo, dụ dỗ những em khác vào con đường xấu. Tình trạng này gây ra hệ lụy rất lớn không chỉ cho chính các em mà còn cho nhà trường, xã hội và gia đình nhưng hiện nay chưa được xử lý nghiêm túc" – đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói.

Theo ông, có hai nguyên nhân dẫn đến việc này. Thứ nhất, Luật Trẻ em chưa coi những hành vi này của người lớn là hành vi xâm hại trẻ em cho nên chưa có giải pháp chưa xử lý nghiêm túc. "Tất cả các nơi tôi đến giám sát thấy không có địa phương nào có giải pháp để phòng chống hành vi của người lớn trong trường hợp này".

Thứ hai, chính là trách nhiệm của các Chủ tịch UBND cấp xã, phường trong việc thi hành Luật  XLVPHC. Bởi lẽ tại các Điều 89 đến 96 Luật XLVPHC đã quy định 4 biện pháp xử lý vi phạm hành chính và theo các điều 97-105 bộ Luật XLVPHC chỉ rõ Chủ tịch UBND xã có thẩm quyền trực tiếp được thực hiện biện pháp giáo dục tại xã phường, trị trấn.

"Thực tế việc vi phạm của kể cả người lớn và trẻ em đều xảy ra ở một địa phương có địa chỉ cụ thể, nhưng hiện nay đội ngũ Chủ tịch UBND cấp xã không làm hoặc không làm hết trách nhiệm hoặc cố tình không làm hết trách nhiệm"- tướng Nguyễn Mai Bộ nói và cho rằng lý do của việc này là chính trong số trẻ em và người lớn có những hành vi nêu trên là anh em, con cháu của chính những cán bộ Chủ tịch UBND xã là những người thực hiện hành vi này.

Theo đó, để khắc phục tình trạng trẻ em bước đầu là nạn nhân, sau đó lại lôi kéo trẻ em khác Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành một chỉ thị chấn chỉnh việc xử lý không nghiêm những hành vi của người lớn và trẻ em trong tình trạng này. "Tôi theo dõi chỉ thị của Thủ tướng ban hành ngày hôm qua (26/5) nhưng chưa đề cập đến nội dung này" – tướng Nguyễn Mai Bộ nói.

ĐBQH đoàn An Giang cũng đề nghị chính quyền địa phương phải coi hành vi của người lớn lôi kéo, xúi giục trẻ em này là một trong những hành vi xâm hại trẻ em.

Đồng thời, đề nghị HĐND cấp huyện tổ chức giám sát chuyên đề đối với Chủ tịch UBND xã trong việc thực hiện những quy định của Luật XLVPHC.

Đáng chú ý, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ đề nghị Bộ Công an yêu cầu đội ngũ công an xã tham mưu cho Chủ tịch UBND xã xử lý nghiêm những hành vi vi phạm này.

"Sở dĩ có việc này là tôi biết có trường hợp trong vòng 30 năm nay anh ta đào tạo cho địa phương đó vài ba thế hệ con cháu nghiện hút, cờ bạc nhưng không bị xử lý.

Bà con nhân dân địa phương rất bức xúc vì con em mình sa đà vào cái đó. Và hiện nay, đội ngũ do anh ta đào tạo nên có những vị sẽ có thể thay thế anh ta làm được việc này nhưng việc xử lý chưa nghiêm túc.

Tôi rất ca ngợi, trong dịp Covid-19 vừa rồi chính những cá nhân có những hành vi phạm này được lực lượng công an chính quy làm rất nghiêm túc cho nên người dân địa phương thấy rằng cần phải vào cuộc và xử lý nghiêm túc những trường hợp này thì những hành vi vi phạm sẽ giảm bớt đi" – tướng Nguyễn Mai Bộ cho hay.

Địa phương phải chịu trách nhiệm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 23 về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.

Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, XHTD, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.

Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem