U23 Việt Nam và 15 anh hào dự giải U23 châu Á: Nguy cơ vào bảng tử thần

27/03/2019 07:45 GMT+7

Sau khi loạt trận ngày 26/3 kết thúc, 16 đội dự vòng chung kết U23 châu Á 2020 tổ chức tại Thái Lan đã được xác định. 11 đội đầu bảng đến từ Qatar, Bahrain, Iraq, UAE, Jordan, Uzbekistan, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam cùng 4 đội nhì bảng thành tích tốt nhất đến từ Australia, Iran, Syria và Saudi Arabia, sẽ tới dự giải cùng chủ nhà Thái Lan tháng 1/2020.

GIải U23 châu Á đã được tổ chức từ năm 2013 và mới chỉ đăng quang 3 nhà vô địch, tuy nhiên tiềm lực cạnh tranh của các đội tuyển khác là không hề nhỏ và năm nay động lực chiến đấu của họ sẽ còn lớn hơn: Họ có thể sẽ giành được tấm vé tới dự Olympic 2020 ở Tokyo, Nhật Bản nếu lọt vào bán kết và đoạt hạng 3 (hoặc ít nhất vào bán kết nếu U23 Nhật Bản cũng tới được chặng đó).

U23 Việt Nam đã đoạt ngôi Á quân một cách đầy bất ngờ cách đây hơn 1 năm nhưng chặng đường tại giải 2020 hứa hẹn sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều, không chỉ vì phần thưởng Olympic mà còn vì U23 Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung đã không còn là một hiện tượng nữa. Lọt vào tứ kết Asian Cup cũng có nghĩa bóng đá Việt Nam sẽ bị đối thủ nghiên cứu rất nhiều.

Và khó khăn lớn nhất mà U23 Việt Nam sắp phải đối mặt: Một bảng đấu khó. Ngoài tư cách đội đứng đầu bảng K, thành tích Á quân năm 2018 khiến U23 Việt Nam được xếp hạng hạt giống số 1 tại giải đấu tới và điều đó cũng có nghĩa chúng ta rất có khả năng rơi vào một bảng đấu toàn đối thủ mạnh.

Hạt giống số 1 ngoài U23 Việt Nam còn có chủ nhà U23 Thái Lan, nhà đương kim vô địch U23 Uzbekistan và U23 Qatar. Nhóm hạt giống số 2 toàn đối thủ mạnh: U23 Hàn Quốc, U23 Iraq, U23 Nhật Bản và U23 Triều Tiên. Nhóm hạt giống số 3 có U23 Trung Quốc, U23 Australia, U23 Jordan và U23 Saudi Arabia. Nhóm 4 có U23 Syria, U23 Iran, U23 UAE và U23 Bahrain.

HLV Park Hang Seo và các học trò đã từng quật ngã U23 Australia & U23 Iraq ở giải năm 2018 cũng như vượt qua tuyển Olympic Nhật Bản, Bahrain & Syria tại ASIAD, nhưng không chừa khả năng chúng ta sẽ rơi một bảng đấu toàn “ca khó” với U23 Hàn Quốc, U23 Saudi Arabia và U23 Iran/UAE. Lứa U23 Nhật Bản trên thực tế vẫn sẽ là lứa tuyển thủ mà U23 Việt Nam đã đối đầu tại ASIAD, khi đó kỳ thực là U21 Nhật Bản.

Tuy nhiên các giải trẻ luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ và U23 Việt Nam đã tạo nên điều đó tại Thường Châu 2018 một cách vang dội. Giấc mơ góp mặt ở sân chơi Olympic là một giấc mơ rất xa, nhưng chúng ta đã từng chứng tỏ không có cuộc hành trình nào là vô tận.

(Dân Việt)