Về miền quê Sóc Trăng đặt nò bắt tép bạc

Thứ ba, ngày 25/02/2014 14:53 PM (GMT+7)
Từ điền dã thực tế, chúng tôi giới thiệu cái nò dùng để bắt tép bạc, vật dụng đã gắn liền với mảnh đất này từ thuở tiền nhân dừng chân mở cõi, khẩn hoang!
Bình luận 0

Sóc Trăng là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Địa hình tương đối bằng phẳng, vùng đồng bằng chiếm 100% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Hệ thống sông ngòi ở Sóc Trăng nhiều, chằng chịt dọc ngang, chảy tới các địa phương khác trong vùng. Sóc Trăng có 72 km bờ biển và nhiều cửa sông đổ ra Đông hải.

img

Việc đánh bắt cá tôm đã trở thành một nét đẹp trong đời sống thường nhật và cả trong văn hoá nhận thức của người dân.

Có rất nhiều hình thức đánh bắt, tuỳ theo từng “đối tượng” sẽ có những công cụ, phương tiện phù hợp. Trong số nhiều công cụ đánh bắt truyền thống, ngày nay đã dần mai một hoặc đã thay đổi nhiều. Từ điền dã thực tế, chúng tôi giới thiệu cái nò dùng để bắt tép bạc, vật dụng đã gắn liền với mảnh đất này từ thuở tiền nhân dừng chân mở cõi, khẩn hoang!

Chồng chài vợ lưới con câu

Chàng rể đặt lọp con dâu thăm nò

Ở những vùng đất gần cửa biển, sông rạch tràn nước mặn, đó là môi trường thuận lợi cho loài tép bạc sinh sống. Tép bạc con cỡ ngón tay, màu trắng bạc, thường bơi ngược nước, thành từng đàn. Chỗ nào nước chảy mạnh, tép đi càng nhiều. Lợi dụng đặc tính đó, người dân Cửu Long chế ra cái nò để bắt chúng.

Nò làm bằng tre, hình trụ tròn cao hơn đầu người. Miệng nò có hai thanh tre cứng đặt song song, rộng chừng 2 tấc rưỡi, ba tấc. Ngày xưa, muốn làm vành nò, người ta thường đi theo các vườn tre, rừng tràm hay rừng cây mọc hoang như mù u, bằng lăng, … để bứt dây cổ rùa về uốn vành.

Dây cổ rùa là loại dây bò trên các loại cây vừa kể, có nhiều dây lớn, chu vi cỡ nửa cườm tay, ngón chưn cái, có đặc tình dẻo, bền, dễ uốn cong theo ý người sử dụng. Dùng loại dây cổ rùa này làm vành nò có khi xài được vài ba mùa mà khỏi mất công. Không có dây cổ rùa, thì đốn tre, cắt khúc, phơi khô rồi chẻ ra và vót tròn để uốn vành.

Thân nò được bao bằng tre, trúc vót cọng tròn cỡ chiếc đũa ăn, bện dày khít bằng dây choại. Hom nò chạy dọc theo thân, đặt ở miệng nò. Hom làm bằng trúc vót dẹp, có đầu nhọn. Nhiều nơi làm hom nò bằng cọng sống của lá dừa nước.

Nò làm xong phải bện đăng để ven. Đăng thường bện bằng sậy, dây dùng bện đăng là dây của bụp dừa nước chẻ, phơi khô. Đăng nò cũng có thể bện từ cọng tàu dừa nước chẻ, phơi khô, vót lại hình dẹp cỡ ngón tay cái, …

img

Bện đăng xong thì xuống nò …. Chỗ đặt nò phải lựa nơi có dòng nước chảy mạnh, thường là dưới bến sông trước cửa nhà. Có nhà làm hai ba nò, không có chỗ thì “mượn chỗ” của bà con hàng xóm (những nhà này có chỗ “ngon” mà không sử dụng!), …

Đăng nò được ven thành hình chữ V Miệng nò vừa với phần hẹp nhất của hai tấm đăng ven, … Để ra thăm nò được thuận lợi, nhà nghèo không có xuồng, ghe, khỏi phải mất công mượn của cô bác, thì khi xuống nò người ta chặt tre, hay đủng đỉnh, bình bát, trâm bầu, … bắt cầu ra thăm nò! Như vậy cho tiện, …!

Chiều chiều của những ngày ra giêng (khoảng từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch, trước khi mùa mưa tới) người ta đi đặt nò, … Chạng vạng tối thì đốt đèn cho nò. Đèn đốt bằng dầu lửa làm bằng cái chai cắt miệng, tiêm đèn bằng vải (loại vải may mùng, hay vải khăn rằng, không có chất nylong, hút dầu lửa và cháy tốt!), trên có chụp đèn làm bằng miếng thiếc hình tròn, để che gió, mưa, … Tép bạc thấy ngọn đèn dầu sáng lập loè thì bơi đến … và tất nhiên là chung vô … nò!

Thú vị hơn nữa là khoảng hết canh một, người ta thường xuống nhìn tép vô nhiều hay ít, gặp lúc trúng hàng chục chú tép bạc mắt sáng như “đốm lửa” nhởn nhơ lội tung tăng trong lòng … nò! Thấy tép đã nhiều, người ta dỡ nò. Đem nò lên bờ đổ ra thau, thúng, rổ, … Xong xuôi, đặt nò, treo đèn lại. Nò bắt được tép bạc là nhiều nhất. Bên cạnh tép, cá bóng cát, cá bống dừa, cá chốt, cũng … chạy nò!

Tép bạc lựa ra, đổ vào cần xé, rọng … dưới sông. Bởi ở chỗ nước ngừng chảy là tép chết!

Tép bạc có nhiều cách để chế biến món ăn. Đơn giản nhất là luộc với nước lả, hoặc nước dừa, … Tép chín đỏ đổ ra ăn với nước mắm chanh, ớt, … rau rừng, … cầu kỳ hơn thì gói bánh tránh, với bún, …

Trẻ con thích bắt tép bạc xỏ cọng lá dừa cho vào lò than củi cháy hồng để nướng. Tép nướng ăn ngon và ngọt và thơm hơn tép luộc, …

Tép bạc tái chanh cũng là món ăn được dân quê ưa thích. Muốn có được đĩa tép bạc tái chanh thơm ngon trước hết phải chọn tép bạc tươi, còn nhảy xôi xối. Dùng tay lột sạch vỏ, râu, bỏ gạch, cho vào đĩa nước chanh đã vắt sẵn (hay giấm thật chua, có sẵn mấy cọng ngò gai sắt sợi), trộn đều lên xuống vài lần cho tép bạc thấm đều.

Cho vài muỗng nước mắm ngon vào trộn lên, phủ thêm một lớp rau thơm (chủ yếu là lá quế và lá ngò gai), thêm vài lát ớt đỏ hồng tăng phần hương vị miền quê sông nước. Vị ngọt của tép bạc, cùng với hương thơm của rau, mùi cay nồng của ớt, chanh chua thanh quyện vào nhau với ly rượu đế thì thật … đã đời!

Tép bạc cắt phần gai nhọn trên đầu và phần đuôi, bắt lên chảo rang với nước mắm. Khi tép gần chín cho thêm nước dừa tươi vào, vị ngọt của dừa, cọng với vị ngọt của tép, kèm thêm với rau rừng, dưa leo, … sẽ là bữa ăn ngon lành bên nồi cơm gạo mới.

Tép còn có thể dùng để xào với rất nhiều loại rau rừng mọc hoang ở miền tây Nam Bộ. Trong số đó phải kể đến món tép xào với bồn bồn mà ngày nay trong các nhà hàng cao cấp đã trở thành đặc sản.

Tép có thể xào với dưa leo, xào với bạc hà, … nhưng độc đáo nhất có lẽ là xào với đọt choại. Choại là loại dây leo, thường sống trên thân cây tràm, dây choại người dân dùng để làm nhà, dùng để bện tre trúc làm nò, lọp …

Sau những cơn mưa đầu mùa, cũng như các loài thực vật khác, choại bắt đầu đâm chồi, đọt choại non xanh mơn mởn bám đầy trên những thân tràm. Chỉ cần xách rổ đi hái một lúc là đủ một bữa ăn, chọn những đọt to tròn đem về rửa sạch, rồi xào với tép bạc, món ăn ngon đơn giản vừa mang hương vị “cây nhà lá vườn”

Để kết thúc bài viết này chúng tôi xin nhắc lại câu ca không biết từ bao giờ đã được người bình dân miệt đồng ngâm nga:

Buổi chợ đương đông con cá lòng tong anh chê lạt

Buổi chợ tan rồi con tép bạc anh khen ngon

Trên thực tế, cá lòng tong không thể sánh bằng tép bạc. Vấn đề mà dân gian muốn thể hiện là cách “nói ngược” chăng? Hay vì từ tố “bạc” mà tép bạc mang lấy tiếng oan!

Ngày nay, cách đặt nò bắt tép đã ít dần, có lẽ do tiến trình ngọt hoá bán đảo Cà Mau nên tép bạc đã lui dần ra biển, hay do bị con người đánh bắt nhiều quá bằng những phương tiện hiện đại hơn nên nguồn hải sản đã dần cạn kiệt, …

Cái nò cũng đã dần dần chỉ còn trong ký ức của những bậc lão nông tri điền, mỗi khi có dịp bên ly trà nóng họ kể cho con cháu nghe chuyện đặt nò bắt tép, chứ trong thực tế, ngày nay cái nò đã gần như vắng bóng!

Hai Miệt Vườn (Hai Miệt Vườn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem