Vụ “Bị phạt vì nói xấu Chủ tịch tỉnh trên Facebook”: Đức trị hay pháp trị?

Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh Thứ tư, ngày 25/11/2015 08:31 AM (GMT+7)
“Đức trị” của vị Chủ tịch tỉnh An Giang được thể hiện mạnh mẽ khi “sự tha thứ của ông” đã vượt lên toàn bộ hệ thống pháp trị bằng chỉ đạo “rút lại các quyết định xử lý đối với 3 cán bộ”.
Bình luận 0

Trong một chính thể đang nỗ lực từng ngày, từ Trung ương đến địa phương, đến những người dân thường đều mong và hướng đến một nhà nước pháp quyền thì lại có một lãnh đạo đứng đầu tỉnh muốn dùng đức trị?

img

Các bài viết về vụ việc “bị phạt vì nói xấu chủ tịch tỉnh” đăng trên báo điện tử Dân Việt.   

Cụ thể, chiều ngày 23.11, ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch tỉnh An Giang đã phát biểu và được phương tiện thông tin truyền thông đăng lại rằng “Quan điểm của tôi trong vụ việc này là sẵn sàng tha thứ cho các cá nhân vì họ đã thấy được lỗi của mình, nên tôi đã yêu cầu đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tham mưu xem xét theo hướng rút lại các quyết định xử lý đối với ba cán bộ vừa qua và xem xét chỉ xử lý hình thức nhẹ nhất mang tính phê bình nhắc nhở là chính”.

Câu hỏi đặt ra: Đức trị của ông Vương Bình Thạnh lớn như vậy liệu có khỏa lấp được những yếu kém về mặt pháp luật của mình khi đang chịu trách nhiệm quản lý cả một tỉnh? Có cứu vớt được những rủi ro từ cách hành xử của mình?

Về mặt pháp lý, khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không có căn cứ pháp luật, biên bản vi phạm hành chính không xác định được thời điểm vi phạm, không có mặt và chữ ký của bị hại chính là ông chủ tịch, một quyết định pháp lý ảnh hưởng trực tiếp đến cá nhân, danh dự nhân phẩm, đến quyền lợi ích hợp pháp của 3 cán bộ thuộc cấp của mình, đó là phạm luật.

Vì pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc “theo hướng rút lại”. Bản thân các chủ thể bị phạt đến giờ chưa có văn bản khiếu nại hay kiến nghị về tính đúng đắn của quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó, thậm chí 1 trong 3 người đã tiến hành nộp phạt “thực hiện chế tài”.

Vậy mà vị chủ tịch đã thông tin cho truyền thông về việc yêu cầu ông phó chủ tịch, sở ban ngành theo hướng “rút lại”. Vậy là, từ “bị hại” (mà không biết mình bị thiệt hại gì trong quyết định trước của cấp dưới), ông đã thành kẻ bề trên, ban ơn. Sẽ trở thành tiền lệ cho các cơ quan quản lý, chính quyền khi hành xử theo cảm tính, thể hiện sự tùy tiện trong việc quản lý điều hành.

img

"Luật pháp được ban hành là dành cho tất cả mọi người trong xã hội mà nó điều chỉnh, việc phá vỡ các nguyên tắc bởi sự lạm quyền một cách vô pháp tạo khoảng cách giữa chính quyền - người dân, tạo ra tiền lệ xấu”.
 Luật sư Nguyễn Thế Truyền

Quyền lực thuộc về nhân dân là nguyên tắc xuyên xuốt được ghi nhận trong Hiến pháp nước ta. Vậy nguyên tắc trên đã và có được bảo đảm khi, hôm trước có quyết định xử phạt, hôm sau được chủ tịch tỉnh “tha thứ” nên quyết định đó sẽ được “rút lại”? Cả 3 cán bộ bị xử phạt nêu trên có quyền “xử lại” không? Khi luật quy định về việc này lại khá rõ tại Khoản 3, Điều 18, Luật Xử phạt vi phạm hành chính: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm phát hiện quyết định về xử lý vi phạm hành chính do mình hoặc cấp dưới ban hành có sai sót và phải kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, ban hành quyết định mới theo thẩm quyền”. Và với việc hủy quyết định này, những người có liên quan có quyền yêu cầu các cơ quan ban hành quyết định phải xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm... nếu chứng minh được thiệt hại thực tế xảy ra?

Quyền của công dân thì được ghi nhận từ Hiến pháp đến luật và các văn bản dưới luật. Nhưng cơ hội nào cho người dân nói chung thực hiện được quyền này còn là câu hỏi đang bỏ ngỏ! 

Thứ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Trương Minh Tuấn: Việc xử lý không hợp lý, phản cảm

Bộ Thông tin- Truyền thông thấy việc phải thu hồi và hủy các quyết định xử phạt, kỷ luật trong vụ việc này là hoàn toàn đúng đắn. Việc sử dụng quyền lực nhà nước trong vụ việc này không hợp lý, thậm chí phản cảm. Sở Thông tin- Truyền thông An Giang cần rút kinh nghiệm ngay sau vụ việc không đáng xảy ra này. Cụ thể hơn, là cơ quan quản lý nhà nước về thông tin ở địa phương, gặp những vụ việc tương tự như vậy, nếu khó khăn trong vấn đề xử lý thì Sở Thông tin- Truyền thông An Giang hoàn toàn có quyền đề nghị Bộ Thông tin- Truyền thông hướng dẫn cụ thể hoặc có ý kiến về chuyên môn để tham khảo. Không những vậy, việc sử dụng quyền lực nhà nước vượt giới hạn như vậy dẫn đến dư luận xã hội không tốt, người dân bất bình.

P.V

Rút các quyết định xử lý 3 cán bộ

Chiều 24.11, Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã tổ chức cuộc họp để xử lý dứt điểm vụ “bị phạt vì chê chủ tịch tỉnh trên Facebook”. Cuộc họp thống nhất yêu cầu Đảng ủy khối Dân chính Đảng tỉnh An Giang, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương rút các quyết định xử lý phạt hành chính và chính quyền, kỷ luật đảng đối với 3 cán bộ mà các cơ quan này đã ra quyết định xử lý trước đó. Các hình thức kỷ luật với 3 cán bộ cũng phải rút lại. Thường trực UBND tỉnh sẽ tiếp tục họp kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc đối với các cơ quan tham mưu đã ra các quyết định chưa chuẩn, thiếu cân nhắc gây ảnh hưởng đến ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh và UBND tỉnh. Một thành viên tham gia cuộc họp cho biết: “Ngày 26.11, tỉnh sẽ tổ chức họp báo để thông báo chính thức về vụ việc này”.

Hữu Danh 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem