Vụ sắc phong Việt Nam bị rao bán ở Trung Quốc: 6 tỉnh cấp tốc xác minh thông tin

Hà Tùng Long Thứ năm, ngày 13/04/2023 06:00 AM (GMT+7)
Chiều 12/4, Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VHTTDL) Lê Thị Thu Hiền đã ký Công văn gửi Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương về vụ sắc phong đang rao bán ở Trung Quốc.
Bình luận 0

Công văn nêu, trên website của Công ty đấu giá "Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn" có đăng tải thông tin vào 9 giờ 30 ngày 22/4/2023, tại khách sạn Majesty Plaza Thượng Hải sẽ diễn ra phiên đấu giá với tên gọi "Giấy cũ phồn hoa – Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm" (ký hiệu phiên đấu giá S23041), hiện vật đấu giá là 672 món đồ bằng giấy, trong đó có đạo sắc có khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam (có số thứ tự từ 2243 đến 2254, bao gồm sắc phong đã có tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).

Vụ sắc phong Việt Nam bị rao bán ở Trung Quốc: 6 tỉnh cấp tốc xác minh thông tin  - Ảnh 1.

Sắc phong làng Dị Nậu bị đánh cắp từ năm 2019. Ảnh: Trần Ngọc Đông.

Về việc này, Cục Di sản văn hóa đề nghị các Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán trên có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương.

Thu thập và cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu,… và các văn bản pháp lý có liên quan), việc mất cắp sắc phong (đơn trình báo mất cắp, hình ảnh, biên bản và các hồ sơ liên quan đến vụ việc mất cắp sắc phong này), báo cáo UBND tỉnh và Bộ VHTTDL để phối hợp, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp hồi hương cổ vật về di tích gốc, bảo tàng và các địa điểm liên quan theo nội dung Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá mà Việt Nam tham gia.

Vụ sắc phong Việt Nam bị rao bán ở Trung Quốc: 6 tỉnh cấp tốc xác minh thông tin  - Ảnh 2.

Sắc phong được rao bán trên sàn đấu giá cổ vật của Trung Quốc. Ảnh: Trần Ngọc Đông.

Cục Di sản văn hoá đề nghị các Sở phối hợp chặt chẽ với Cục Di sản văn hóa trong quá trình xác minh tính xác thực của các sắc phong; xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương. Đồng thời, đề nghị các Sở triển khai thực hiện và báo cáo đầy đủ gửi Cục Di sản văn hóa trước ngày 17/4/2023 để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

Sắc phong của Việt Nam được rao bán từ 9,5 đến 12 triệu đồng ở Trung Quốc

Trước đó, anh Trần Ngọc Đông đã đăng tải một số thông tin liên quan đến việc có một số sắc phong của Việt Nam đang được rao bán trên trang giao lưu, đấu giá cổ vật của Trung Quốc. Theo đó, một trang đấu giá có địa chỉ tại Thượng Hải, Trung Quốc đăng một số cổ vật thuộc nhóm Phiên Thuộc Văn Hiến, bao gồm các sắc phong của làng Dị Nậu với giá đề nghị khởi điểm từ 2.800 đến 3.500 nhân dân tệ (từ 9,5 triệu đến khoảng 12 triệu đồng). Phiên đấu giá diễn ra vào ngày 22/4/202.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, tại Phiên đấu giá cổ vật "Giấy cũ phồn hoa – Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm" diễn ra vào ngày 22/4/2023 dự kiến sẽ có 672 món cổ vật (từ số thứ tự 2001 đến số thứ tự 2672) đa phần là bằng chất liệu giấy được đưa lên sàn. Có 12 đạo sắc phong của Việt Nam niên đại thời Lê và Nguyễn, số thứ tự từ 2243 đến số thứ tự 2254 được đem ra đấu giá tại phiên này, cụ thể như sau:

1. STT 2243: Sắc phong thần ngày 24/7/1740 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 1. Vị thần được phong: Sùng Cơ Tiên Hoàng Đế. Địa phương lưu giữ sắc phong: không thể hiện (vì thường được viết ở nhãn tại mặt sau sắc phong, không có ảnh chụp mặt sau).

2. STT 2244: Sắc phong thần ngày 20/5/1844 niên hiệu Thiệu Trị thứ 4. Vị thần được phong: Từ Đạo Hạnh Đại Pháp Thiền Sư Chi Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã Thọ Lộc, huyện Thư Trì (không ghi tên tỉnh).

3. STT 2245: Sắc phong thần ngày 13/8/1846 niên hiệu Thiệu Trị thứ 6. Vị thần được phong: Trinh Chính Bạch Thạch Chi Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã Dị Nậu, huyện Tam Nông (không ghi tên tỉnh).

4. STT 2246: Sắc phong thần ngày 20/11/1850 niên hiệu Tự Đức thứ 3. Vị thần được phong: Tản Viên Sơn Tam Vị Tôn Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã Dị Nậu, huyện Tam Nông (không ghi tên tỉnh).

5. STT 2247: Sắc phong thần ngày 10/11/1853 niên hiệu Tự Đức thứ 6. Vị thần được phong: Bản Cảnh Thành Hoàng Linh Phù Chi Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã Từ Đường, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương.

6. STT 2248: Sắc phong thần ngày 24/11/1880 niên hiệu Tự Đức thứ 33. Vị thần được phong: Linh Tích Anh Thanh Tuấn Vọng Tú Ngưng Vân Mông Tối Linh Chi Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã Tuy Lai, huyện Chương Đức, đạo Mỹ Đức.

7. STT 2249: Sắc phong thần ngày 01/7/1887 niên hiệu Đồng Khánh thứ 2. Vị thần được phong: Tản Viên Sơn Tam Vị Thượng Đẳng Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa (nay là tỉnh Phú Thọ).

8. STT 2250: Sắc phong thần ngày 18/11/1889 niên hiệu Thành Thái thứ 1. Vị thần được phong: Minh Kinh Chi Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Hưng Hóa (nay là tỉnh Phú Thọ).

9. STT 2251: Sắc phong thần ngày 18/8/1909 niên hiệu Duy Tân thứ 3. Vị thần được phong: Bản Cảnh Thành Hoàng Chi Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã Tế Xuyên, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh.

10. STT 2252: Sắc phong thần ngày 25/7/1924 niên hiệu Khải Định thứ 9. Vị thần được phong: Bản Thổ Thành Hoàng Tôn Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã Phú Ích, huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nam.

11. STT 2253: Sắc phong thần ngày 25/7/1924 niên hiệu Khải Định thứ 9. Vị thần được phong: Kim Ngô Đại Tướng Quân Kình Khí Bảo Đại Định Công Tôn Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã An Đông Bình, huyện Năng An, tỉnh Hải Dương.

12. STT 2254: Sắc phong thần ngày 25/7/1924 niên hiệu Khải Định thứ 9. Vị thần được phong: Kim Ngô Đại Tướng Quân Dũng Trí Chính Trực Thông Minh Tôn Thần. Địa phương lưu giữ sắc phong: xã An Đông Bình, huyện Năng An, tỉnh Hải Dương.

Ngoài ra, tại địa chỉ trang web của Công ty Shanghai Yangming Auction Co., Ltd còn đăng tải thông tin kết quả đấu giá các cổ vật là sắc phong thần của Việt Nam tại các phiên đấu giá trước đó kèm theo thông tin hiện vật, ngày đấu giá, giá khởi điểm, giá bán sau đấu giá. Một số hiện vật chưa bán được tại các phiên này không ghi giá bán.

 

 

 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem