Ý kiến quanh việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng

Thứ năm, ngày 17/05/2012 16:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ban Chỉ đạo nếu không độc lập, không quyết đoán, không lắng nghe dân thì cũng sẽ không phát huy được hiệu quả...
Bình luận 0

Ông Nguyễn Ngô Hai - nguyên Phó ban Tuyên giáo T.Ư: Độc lập, quyết đoán và lắng nghe dân

Đưa Ban Chỉ đạo (BCĐ) về trực thuộc Đảng là tốt rồi. Từ trước khi thành lập BCĐ phòng chống tham nhũng (PCTN), tôi đã đề xuất 2 phương án: Một là trực thuộc Đảng, hai là trực thuộc Quốc hội, chứ không thể để Chính phủ bởi đối tượng tham nhũng chính là cán bộ, quan chức các cơ quan quản lý đồng tiền, cơ quan hành chính của Nhà nước, để như vậy là rất vô lý.

Vấn đề còn lại là phương pháp làm việc của BCĐ này như thế nào. Nếu không độc lập, không quyết đoán, không lắng nghe dân thì cũng sẽ không phát huy được hiệu quả. Phải tạo ra các kênh thông tin, để nắm được thông tin xác thực, đặc biệt là từ quần chúng nhân dân.

Ông Nguyễn Đình Hương - nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức T.Ư: Phải thay đổi cơ chế, chính sách đồng bộ

Lần này, ý chí quyết tâm của Đảng ta được thể hiện từ Hội nghị T.Ư 4 tới Hội nghị T.Ư 5, tuy 2 mà 1. Hai hội nghị nhưng chung một quyết tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. PCTN thực ra cũng là một nội dung quan trọng trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, quyết định về mặt tổ chức mới chỉ là một phần.

Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận tại sao từ trước tới nay, chúng ta vẫn hô hào quyết tâm chống tham nhũng mà tham nhũng vẫn cứ phức tạp. Phải xác định đây là một cuộc chiến dài hơi và gian khổ. Liệu có phải cơ chế, chính sách lỗi thời nên tạo ra tham nhũng hay không? Nếu đúng thế thì phải thay đổi cơ chế, chính sách đồng bộ với việc phòng và chống tham nhũng thì cuộc chiến cam go này may ra mới khả quan được!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem