Chần chừ mua một triệu tấn lúa tạm trữ

Thứ sáu, ngày 16/07/2010 07:56 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau gần một tuần thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, việc thu mua tạm trữ lúa hè thu vẫn rất cầm chừng trong khi cao điểm thu hoạch đã đến và thời tiết cũng bắt đầu diễn biến phức tạp...
Bình luận 0
 img
Thu hoạch lúa hè thu ở Hậu Giang.

Giá lúa "nhích" lên…

Ngày 15-7, Sở NN&PTNT An Giang cho hay, giá lúa hè thu trên địa bàn tỉnh đã tăng bình quân từ 200 - 500 đồng/kg so với cuối tuần trước. Đáng chú ý, giá lúa thường IR-50404 (vụ đông xuân chuyển sang - PV) được thương lái thu mua với giá từ 3.000 - 3.400 đồng/kg; có nơi giống lúa này làm vụ hè thu cũng được thu mua trên 2.400 đồng/kg.

Các loại lúa dài, lúa thơm dòng OM giá dao động ở mức 3.600 - 3.800 đồng/kg, tăng hơn 200 đồng/kg so với tuần trước. Lúa thơm giống Jasmine (loại chế biến gạo chất lượng cao 5% tấm) có giá cao nhất: Từ 5.000 đồng/kg (vụ hè thu) đến 5.400 đồng/kg (vụ đông xuân tồn chuyển sang).

Nhiều hộ dân ở huyện Châu Thành, Châu Phú và TP.Long Xuyên cho biết, giống lúa OMCS-2000 vụ này cũng đạt năng suất trên 5,6 tấn/ha (mức cao nhất của vụ hè thu trong vòng 3 năm qua) mà còn được giá cao hơn từ 100 - 200 đồng/kg so với các giống dòng OM khác mua cùng thời điểm.

VFA đã có công văn kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp thu mua tạm trữ theo cơ chế bắt buộc với giá áp dụng không dưới 3.400 đồng/kg để đảm bảo nông dân có lãi 30% (theo tính toán của VFA - PV).

Ông Huỳnh Thế Năng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhận xét: "Giá lúa hiện nay vẫn còn thấp hơn nhiều so với vụ trước, tình hình tiêu thụ lúa trong dân vẫn còn khó khăn... Nhưng sau khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ cho 48 doanh nghiệp ở các địa phương, thị trường lúa gạo ĐBSCL đã có những tín hiệu đáng mừng”.

Tại Đồng Tháp, giá lúa tại chợ gạo Sa Đéc đã tăng gần 100 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu chào giá mua lúa hè thu tại nhà máy với mức từ 2.400 - 3.000 đồng/kg (chủ yếu là lúa đạt chuẩn hạt dài, chế biến gạo 5% tấm xuất khẩu)… Một số nơi cũng thu mua lúa IR50404 trở lại, dù mức giá vẫn còn rất thấp.

Ông Trương Văn Nhu - xã biên giới Tân Hộ Cơ (huyện Tân Hồng) cho biết: "Giá lúa đã lên đến 2.200 đồng/kg rồi, tính sơ sơ chỉ còn lỗ khoảng 30% công cán, chi phí thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy”.

Trong khi đó, tại Hậu Giang và một số địa bàn thuộc tỉnh Sóc Trăng, nơi giá lúa hè thu (IR50404) từng rớt tận đáy trong vòng 10 năm qua (1.700 đồng/kg), ngày 15-7, NTNN ghi nhận giá lúa thu mua tại nhà dân đã bắt đầu vượt mức 2.000 đồng/kg, có nơi đạt 2.200 đồng/kg.

Tiến độ chậm…

Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng thư ký VFA xác nhận: 48 doanh nghiệp hiện nay đang thực hiện việc thu mua tạm trữ theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng cũng mua theo cơ chế thị trường. Vì vậy, tiến độ thu mua chậm và giá cả khó đảm bảo nông dân có lãi 30% như mục tiêu đề ra.

Theo tìm hiểu của NTNN, hiện việc nối lại thu mua lúa gạo ở một số nơi như Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long và TP.Cần Thơ… là do doanh nghiệp có đầu ra từ các hợp đồng đến hạn giao gạo thương mại và giải phóng được một lượng tồn kho đáng kể.

Điển hình như ở TP.Cần Thơ, Công ty CP Gentraco đang xúc tiến thu mua với tiến độ thu mua trung bình hơn 300 tấn gạo/ngày (tương đương 600 tấn lúa hè thu) liên tục từ ngày 10-7 đến nay.

Tuy nhiên, nhìn chung lượng gạo tồn kho ở tại các doanh nghiệp lớn khác vẫn còn cao và số lượng hợp đồng mới ký được rất "nhỏ giọt", nên thực chất việc thu mua tạm trữ ở các địa phương vẫn rất "cầm chừng". Một số nơi, doanh nghiệp vẫn dùng dằng, chưa chịu thực hiện việc thu mua tạm trữ như chỉ tiêu phân bổ.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định: "Nhiều DN đang gặp khó, gạo cũ bán không hết còn chất trong kho, mua gạo mới vào rồi họ chứa ở đâu? Hơn nữa, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang xuống rất thấp, chỉ ở ngưỡng 300USD/tấn, làm sao doanh nghiệp mua lúa trong dân giá cao như kỳ vọng lãi 30% được?

Thời điểm lúa hè thu chín rộ đã đến, với hơn 50% diện tích còn lại đã và đang thu hoạch dứt điểm sẽ bổ sung sản lượng khoảng 400.000 tấn lúa nữa vào thị trường chỉ trong vòng hơn 1 tuần nữa.

Mùa mưa đã bước vào thời điểm nặng hạt và thời tiết lại là nỗi lo bất tận của nông dân khi thu hoạch lúa. Nếu tiến độ thu mua vẫn cứ chậm chạp như vậy, nông dân cũng sẽ không còn bao nhiêu lúa tốt để bán vì mưa gió, thiếu độ ẩm, không đủ nắng phơi sấy…

PGS.TS Nguyễn Bảo Vệ (Đại học Cần Thơ):

Vụ hè thu quá bấp bênh. Sâu bệnh, ngã đổ, thời tiết bất lợi, chất lượng lúa thấp và giá cũng xuống thấp nhất trong năm… Nông dân trồng lúa hè thu cứ thua lỗ suốt năm này tháng nọ. Vậy mà không thấy cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khuyến cáo ngăn cản... Chưa bàn đến việc thu mua tạm trữ, chỉ cần cơ cấu lại thời vụ, cơ cấu lại giống, thay đổi thói quen làm lúa vụ 3 của nông dân… cũng có thể cứu nông dân khỏi khốn khổ triền miên vì lúa hè thu rồi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem