PGS.TS Bùi Xuân Đính: "Nếu để mất sắc phong thì không chỉ mất phần xác mà cả phần hồn của di tích"

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 13/04/2023 06:30 AM (GMT+7)
PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã nhấn mạnh như vậy trước thông tin hàng loạt sắc phong của Việt Nam bị mất trộm, nay lại thấy rao bán trên mạng ở Trung Quốc.
Bình luận 0

Vài ngày qua, thông tin nhiều sắc phong cổ của đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị đánh cắp năm 2021, nay bị rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nội dung bài viết của tác giả Trần Ngọc Đông thể hiện: Đau xót khi sắc phong của đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị đánh cắp năm 2021 và nhiều sắc phong của các làng xã Việt Nam được rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc. Sản phẩm được bán với hình thức đấu giá vào ngày 22/4/2023, với giá khởi điểm từ 2.800-3.500 Nhân dân tệ (tương đương 10-12 triệu đồng).

Trước sự việc trên, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) về ý nghĩa, tầm quan trọng của sắc phong đối với lịch sử mỗi làng và cá nhân người được phong Sắc.

PGS.TS Bùi Xuân Đính: "Nếu để mất Sắc phong thì không chỉ mất phần xác mà cả phần hồn của di tích" - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Ảnh: NVCC

Thưa ông, trước thông tin nhiều sắc phong cổ của đền Quốc Tế, xã Dị Nậu bị đánh cắp cách đây 2 năm, nay bị rao bán công khai trên mạng ở Trung Quốc, ông cảm thấy thế nào?

- Trước tiên, phải khẳng định Sắc phong (hay còn gọi là Đạo sắc) là văn bản viết trên giấy Sắc (loại giấy được vua, chúa sử dụng để viết sắc phong) có ấn của vua, có nội dung công nhận việc thờ thần của một làng (Sắc phong thần) hay phong chức tước cho một vị quan (Sắc phong chức tước). Mỗi đơn vị sắc phong còn được gọi là Đạo sắc.

Sắc phong là tài sản độc bản vô giá, nếu để mất thì không chỉ mất phần xác mà phần hồn của di tích. Cảm thấy trống vắng cho người dân trong làng như mất một cái gì đó không thể bù đắp lại được. Bên cạnh đó gây ra sự nghi kỵ lẫn nhau trong cộng đồng, mất đoàn kết.

PGS.TS Bùi Xuân Đính: "Nếu để mất Sắc phong thì không chỉ mất phần xác mà cả phần hồn của di tích" - Ảnh 2.

Sắc phong của đền Quốc Tế ở xã Dị Nậu trước khi bị đánh cắp vào tháng 5/2021. Ảnh: TL.

Theo ông tình trạng mất Sắc phong diễn ra vài năm nay hay đã từ lâu và có thể gây ra tổn thất như thế nào?

- Hiện tượng mất sắc phong trong các đình, đền đã diễn ra từ đầu thập niên 1990 chứ không phải vào những năm gần đây. Tôi thường về đình, đền, chùa các làng xã sưu tầm tài liệu, thấy các cụ cứ để sắc phong sơ hở "như truyền thống", đã nhắc các cụ (và cả cán bộ thôn, xã) có biện pháp bảo vệ bằng cách photo thành vài bản, còn bản chính cất kỹ chỉ vài ba cụ có trách nhiệm biết với nhau. Nhưng các cụ nhiều làng không thấy được sự hệ trọng, hoặc không có tiền…, vẫn cứ để như cũ, nên kẻ gian lợi dụng lúc các cụ về ăn cơm tối (hoặc sáng sớm) là sơ hở nhất để lấy cắp.

Một ngày tháng 6/1995, tôi đang làm việc với Đảng ủy xã Đông La (huyện Hoài Đức, khi đó thuộc tỉnh Hà Tây), về việc xuất bản cuốn Lịch sử cách mạng xã thì một cụ ở làng Đông Lao hốt hoảng vào phòng họp báo mất 25 đạo sắc phong đêm qua. Rồi vài ngày sau, cán bộ xã lại báo với tôi, làng Thọ Vực (xã Yên Nghĩa, ở làng bên (nay là phường Yên Nghĩa quận Hà Đông), cũng mất hết 7 đạo sắc.

PGS.TS Bùi Xuân Đính: "Nếu để mất Sắc phong thì không chỉ mất phần xác mà cả phần hồn của di tích" - Ảnh 3.

Sắc phong của Việt Nam được rao bán ở trang mua bán/đấu giá cổ vật của Trung Quốc. Ảnh: FB Trần Ngọc Đông.

Việc mất Sắc phong không chỉ gây tổn thương về niềm tin tâm linh cho dân làng, mà còn tạo ra những nghi ngờ nội bộ. Sau khi báo chí lên tiếng, nhiều làng đã chủ động đưa ra các biện pháp bảo vệ Sắc phong. Tuy nhiên, hiện tượng Sắc phong bị đánh cắp vẫn tiếp tục xảy ra. Chính quyền, ban quản lý di tích cấp xã và tiểu ban quản lý di tích ở các thôn làng cùng ngành văn hóa các cần có những giải pháp để bảo vệ nguồn tài liệu đã trở thành báu vật này.

Ngày nay, điều kiện kỹ thuật và công nghệ cho phép phục chế lại Sắc phong rất giống nguyên bản. Điều này cho phép các làng xã bị mất Sắc phong, hoặc Sắc phong bị rách nát phục chế lại theo nguyên mẫu, dựa theo bản sao Sắc phong của một số cá nhân tự ghi chép (hoặc cộng đồng giao cho cá nhân ghi chép).

Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến tình trạng một số người đến liên hệ với tiểu ban quản lý di tích hoặc tập thể các cụ ở làng để xin "phục chế giúp" Sắc phong với giá rất cao; thậm chí đã có hiện tượng, có kẻ tự phục chế Sắc phong của một đình làng (đã bị mất), rồi liên hệ để tuyên truyền trong các cụ, dân làng là "đã tìm thấy sắc phong bị lưu lạc", đánh vào tâm lý của các cụ để mua với giá rất cao do họ đặt ra. Sắc phong - tài liệu tâm linh vô giá cần được quản lý, bảo vệ với chế độ nghiêm ngặt hơn, với sự vào cuộc của chính quyền, ngành văn hóa.

PGS.TS Bùi Xuân Đính: "Nếu để mất Sắc phong thì không chỉ mất phần xác mà cả phần hồn của di tích" - Ảnh 4.

Các sắc phong được rao bán lần này có nguồn gốc từ Phú Thọ, Hà Nam, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương. Ảnh: Fb Trần Ngọc Đông.

Việc mất Sắc phong thì trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

- Trước hết tôi cho rằng trách nhiệm của từng địa phương gồm: ban quản lý di tích và chính quyền xã, phường... phải bảo quản vì Sắc phong là tài sản của từng địa phương. Thứ 2, trách nhiệm lớn nhất tôi cho rằng đó là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cần phải có giải pháp hiệu quả. Việc này tôi đã nêu từ năm 1996 trên một số kênh thông tin đại chúng.

PGS.TS Bùi Xuân Đính: "Nếu để mất Sắc phong thì không chỉ mất phần xác mà cả phần hồn của di tích" - Ảnh 5.

Đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) là nơi lưu giữ nhiều sắc phong của các triều đại, được công nhận "Di tích lịch sử văn hóa" Quốc gia năm 1992. Ảnh: Phương Thanh

Từ những việc Sắc phong bị mất trộm chúng ta nên làm gì để gìn giữ những giá trị ấy?

- Phải có kế hoạch bảo vệ như cất kín lại. Tôi ví dụ như làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) họ cho Sắc phong vào két lớn, mật mã két chỉ có 3 cụ trong làng biết, bất kể thành viên nào muốn xem Sắc phong phải có sự đồng ý của Ban quản lý di tích và có biên bản mở ra. Bản thân tôi muốn viết lịch sử cho làng muốn sang xem cuốn Sắc phong cũng phải xin phép.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem